Tìm kiếm tin tức
Liên kết website
Sở, Ban, Ngành
UBND Huyện, Thị xã, Thành phố
Thúc đẩy kinh tế biển bằng các giải pháp liên ngành, liên vùng mang tính đột phá
Ngày cập nhật 15/04/2024
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì phiên họp
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì phiên họp
(CTTĐT) - Sáng 12/4, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà - Chủ tịch Ủy ban Chỉ đạo quốc gia về thực hiện chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Chiến lược), chủ trì Kỳ họp lần thứ nhất của Ủy ban kết hợp trực tuyến tại điểm cầu của 28 địa phương có biển.
 
 

Dự Kỳ họp có các Phó Chủ tịch Ủy ban Chỉ đạo quốc gia: Bộ trưởng Bộ TN&MT Đặng Quốc Khánh, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng; thành viên Ủy ban Chỉ đạo quốc gia; đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành, địa phương; chuyên gia. Tại tỉnh Thừa Thiên Huế có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Quý Phương; cùng đại diện các sở, ban, ngành tham dự hội nghị.

Theo Báo cáo của Bộ TN&MT, sau 5 năm thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển theo Nghị quyết số 36-NQ/TW của Trung ương và Nghị quyết số 26/NQ-CP ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 36-NQ/TW, năm 2022, GRDP của 28 tỉnh/thành hố ven biển theo giá hiện hành đạt mức 4.786 nghìn tỷ đồng, chiếm 49,8% GDP cả nước. GRDP bình quân đầu người của các tỉnh ven biển năm 2022 đạt 97,2 triệu đồng, cao hơn bình quân cả nước (96,6 triệu đồng).

Du lịch và dịch vụ biển có sự phát triển nhanh chóng, tạo diện mạo mới cho hệ thống đô thị ven biển, từng bước hình thành cơ sở hạ tầng kỹ thuật hiện đại, cao cấp. Kinh tế hàng hải đạt được nhiều thành tựu quan trọng, năng lực vận tải ngày càng được nâng cao, từng bước đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hoá với đội tàu biển có 1.477 tàu có tổng trọng tải 11,6 triệu DWT, vận chuyển hàng năm trên 128 triệu tấn. Hệ thống cảng biển có 110 cảng với tổng năng lực thông qua trên 328,6 triệu tấn. Lĩnh vực dầu khí đóng góp năm khoảng 10% tổng thu ngân sách.

Ngành thuỷ sản giữ vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội, quy mô ngày càng mở rộng, tốc độ tăng trưởng cao, giá trị sản xuất lớn. Sản lượng nuôi trồng thuỷ sản năm 2022 đạt 5,14 triệu tấn, khai thác 3,85 triệu tấn. Kim ngạch xuất khẩu tăng từ 8,8 tỷ USD lên gần 11 tỷ USD vào năm 2022. Bên cạnh đó, các ngành kinh tế biển mới và năng lượng tái tạo đang được đẩy mạnh, đạt được những kết quả bước đầu quan trọng.

Cả nước có 19 khu kinh tế ven biển nằm trong quy hoạch được phê duyệt (18 khu đã được thành lập), thu hút 553 dự án nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký là 54,36 tỷ USD; 1.604 dự án trong nước với tổng vốn đăng ký 1,37 triệu tỷ đồng. Công tác nghiên cứu khoa học, công nghệ và điều tra cơ bản tài nguyên môi trường biển đã bước đầu đánh giá được nguồn lợi hải sản tại vùng biển ven bờ; hiện trạng đa dạng sinh học các hệ sinh thái biển; tiềm năng các nguồn năng lượng tái tạo (điện gió, điện thuỷ triều, điện sóng, điện mặt trời)…

Hoạt động ngăn ngừa, kiểm soát và giảm thiểu ô nhiễm môi trường biển và hải đảo được các địa phương có biển tích cực triển khai. Chất lượng nước biển ven bờ, xa bờ được đánh giá tốt, các chỉ số cơ bản đều nằm trong ngưỡng cho phép. Các địa phương ven biển đã tăng cường hoạt động đào tạo nhân lực kinh tế biển, với 90 trường cao đẳng nghề, 133 trường trung cấp nghề và 454 trung tâm dạy nghề có đào tạo ngành nghề về kinh tế biển. Quốc phòng, an ninh, chủ quyền biển đảo được giữ vững. Hệ thống chính sách, pháp luật, quy hoạch, chiến lược về biển được rà soát, hoàn thiện, mang tư duy, quan điểm đột phá trong phát triển bền vững kinh tế biển.

Các thành viên Uỷ ban đã phân tích về nguyên nhân của những khó khăn, tồn tại, hạn chế trong thực hiện chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển trong không gian biển rộng lớn, mang tính liên thông, sử dụng đa mục đích, cùng một khu vực biển có rất nhiều hoạt động kinh tế đan xen. Hoạt động khai thác, sử dụng biển còn khó khăn, phức tạp, liên quan tới các nhiệm vụ, quyền hạn của nhiều bộ, ngành, địa phương. Cơ chế chính sách thu hút đầu tư, nhất là từ khu vực tư nhân cho phát triển các ngành kinh tế biển chưa đủ sức hấp dẫn. Chính sách ưu đãi, hỗ trợ nghiên cứu khoa học trong thủy sản gặp nhiều khó khăn, liên kết giữa ngư dân với doanh nghiệp, cơ quan quản lý, hiệp hội chưa chặt chẽ…

Tại điểm cầu trực tuyến tỉnh Thừa Thiên Huế

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh ưu tiên của Uỷ ban là chỉ đạo, điều phối những vấn đề cơ chế, chính sách pháp luật có tính liên ngành, liên vùng; các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thực hiện chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển. Đồng thời, cần đánh giá chính xác kết quả tổ chức thực hiện, từ nhận thức của cả hệ thống chính trị đến trách nhiệm thể chế hoá chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước, cũng như thay đổi của bối cảnh tình hình.

Phó Thủ tướng cho rằng, cần có những bộ chỉ số đánh giá thế nào là quốc gia mạnh về biển, bền vững về biển, các ngành kinh tế biển có lợi thế, chuyển biến về nhận thức, chính sách liên quan đầu tư, tài chính, môi trường, huy động nguồn lực tổng hợp… từ đó, lượng hoá, đo đếm được kết quả thực hiện những mục tiêu lớn, nhiệm vụ, giải pháp đột phá để thúc đẩy phát triển kinh tế biển.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ TN&MT (cơ quan thường trực của Uỷ ban) khẩn trương tham mưu kiện toàn thành viên Uỷ ban, quy chế làm việc. Các bộ quản lý chuyên ngành chịu trách nhiệm chủ trì nhóm công tác nhằm đề xuất những nhiệm vụ trọng tâm, đột phá như: Xây dựng các bộ chỉ tiêu quốc gia về kinh tế biển; huy động nguồn lực; phát triển trung tâm năng lượng ngoài khơi, kết hợp nuôi biển công nghệ cao và dịch vụ hậu cần nghề cá; vận tải biển và logistics; nghiên cứu, điều tra cơ bản tài nguyên môi trường biển; phát triển đô thị biển; xây dựng cơ sở dữ liệu phục quản trị và thực hiện chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển…

Trong thời gian tới, Uỷ ban cần tập trung cho ý kiến chỉ đạo nhằm khẩn trương hoàn thành quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ; các bộ chỉ tiêu đánh giá việc thực hiện các chương trình, dự án, nhiệm vụ trong Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển;…

Phó Thủ tướng cũng giao một số nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành nghiên cứu, triển khai: Thành lập quỹ thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế biển, chính sách ưu đãi điện gió ngoài khơi, cảng biển, đầu tư…; cập nhật kết quả nghiên cứu, điều tra cơ bản tài nguyên môi trường biển, ưu tiên tài nguyên năng lượng tái tạo, khoáng sản chiến lược; nghiên cứu ảnh hưởng, tác động của các chính sách mới về kinh tế biển đối với lao động trong lĩnh vực này; đào tạo nguồn nhân lực đối với các ngành kinh tế biển mới; xây dựng định mức, tiêu chuẩn, mô hình cho đô thị biển sinh thái, thông minh, gắn với bảo tồn văn hoá biển; định hướng phát triển cảng biển xanh, vận tải biển xanh, logistics xanh, gắn với các khu kinh tế, thương mại tự do; kết nối các phương thức giao thông (đường thuỷ, đường sắt, đường bộ, hàng không) để phát huy thế mạnh của một quốc gia biển…

Phó Thủ tướng cũng đề nghị các địa phương chủ động kiến nghị, đề xuất cơ chế, chính sách để triển khai các dự án, công trình, kế hoạch phát triển kinh tế biển trên địa bàn.

 

Nguồn:thuathienhue.gov.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 2.357.942
Truy cập hiện tại 465