Tìm kiếm tin tức
Liên kết website
Sở, Ban, Ngành
UBND Huyện, Thị xã, Thành phố
Nhiệm kỳ để Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương
Ngày cập nhật 16/09/2020

Chiều 15/9, tại Văn phòng Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã có buổi làm việc với Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác chuẩn bị văn kiện và nhân sự Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao sự nỗ lực của tỉnh

Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì buổi làm việc. Cùng làm việc còn có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng; các đồng chí trong Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các bộ, ban, ngành liên quan.

Đoàn tỉnh Thừa Thiên Huế gồm có: UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Trường Lưu; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bùi Thanh Hà; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Phan Ngọc Thọ; Phó Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Quốc Đoàn.

Chuẩn bị chu đáo, công phu

Báo cáo tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu cho biết, đến nay, có 600/600 tổ chức cơ sở Đảng và 16/16 Đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy đã đại hội xong. Công tác chuẩn bị văn kiện và nhân sự về Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã cơ bản hoàn thành. Cơ cấu dự thảo Báo cáo chính trị gồm 2 phần. Đó là đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV và Nghị quyết Đại hội XII của Đảng; phương hướng, nhiệm vụ nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ trong nhiệm kỳ tới là xây dựng Đảng bộ và cả hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy sức mạnh toàn dân; huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế đến năm 2025 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường và thông minh; xứng tầm là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của cả nước và khu vực về văn hóa, du lịch và y tế chuyên sâu; một trong những trung tâm lớn của cả nước về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao; quốc phòng, an ninh được đảm bảo vững chắc; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân.

Ngoài đề ra các chỉ tiêu chủ yếu, văn kiện đề ra 6 chương trình trọng điểm, 13 nhiệm vụ chủ yếu và 5 nhóm giải pháp đột phá chiến lược. Văn kiện cũng đã nghiêm túc kiểm điểm về sự lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của Ban Chấp hành và Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Bên cạnh những ưu điểm, văn kiện cũng đã chỉ ra những khuyết điểm, hạn chế; nêu rõ những nguyên nhân khách quan, chủ quan và rút ra 5 bài học kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện trên tất cả các lĩnh vực.

Về công tác nhân sự Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ mới dự kiến 50 đồng chí; Ban Thường vụ 15 đồng chí; UBKT Tỉnh ủy 11 đồng chí; Đoàn đại biểu đi dự Đại hội XIII của Đảng gồm 18 đồng chí. Kiến nghị tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu đề xuất Bộ Chính trị, Ban Bí thư tiếp tục cho bố trí 3 Phó Bí thư Tỉnh ủy để tăng cường công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ở cơ sở và chỉ đạo thực hiện hiệu quả Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát triển của tỉnh trong thời kỳ mới…

Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu báo cáo công tác chuẩn bị Đại hội Đảng bộ tỉnh tại buổi làm việc

Cần phấn đấu, quyết tâm cao hơn nữa

Tại hội nghị, Bộ Chính trị, Ban Bí thư; các bộ, ban, ngành Trung ương đã đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết để văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 hoàn chỉnh, đạt kết quả cao hơn, nhất là những mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ trong nhiệm kỳ mới và công tác xây dựng Đảng. Bộ Chính trị, Ban Bí thư cũng đã đồng tình, nhất trí cao với những đề xuất của tỉnh tại buổi làm việc.

“Cần nêu bật truyền thống, con người xứ Huế; sự nỗ lực của người dân từ miền xuôi đến miền ngược, các đồng bào dân tộc thiểu số để bổ sung vào văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh. Cần đánh giá sâu hơn sự tiên phong, sự đoàn kết trong công tác lãnh, chỉ đạo về công tác xây dựng Đảng. Những đề xuất về nhân sự của tỉnh sẽ sớm báo cáo với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước”, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nêu ý kiến.

Kết luận tại buổi làm việc Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao về báo cáo văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh. Báo cáo văn kiện đã bám sát Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị. Văn kiện Đại hội thể hiện công phu, cầu thị, trách nhiệm, thể hiện được nhiều điểm nhấn. Bộ Chính trị, Ban Bí thư đánh giá cao phong trào bảo vệ môi trường của tỉnh và việc di dời dân cư vùng Thượng Thành thời gian qua. Tỉnh là địa phương đi đầu trong công nghệ thông tin; quốc phòng, an ninh được bảo đảm; công tác xây dựng Đảng đạt được những kết quả quan trọng.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đã chỉ ra, gợi mở thêm nhiều vẫn đề để Đảng bộ tỉnh quan tâm. Đó là, quy mô kinh tế nhỏ, tốc độ tăng trưởng chưa cao; một số chỉ tiêu quan trọng trong nhiệm kỳ chưa đạt. Doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp còn ít; các ngành du lịch, dịch vụ chưa phát triển đồng đều, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Tỉnh cần quan tâm hơn nữa việc thu hút đầu tư, nhất là phát triển các loại hình doanh nghiệp. Quản lý khai thác các giá trị di sản chưa cao; đời sống người dân vùng sâu vùng xa còn nhiều khó khăn.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc gợi mở, trong văn kiện Đại hội cần đánh giá những mặt mạnh, rút ra những bài học kinh nghiệm; điểm nghẽn của Thừa Thiên Huế là gì để tập trung giải quyết trên cơ sở xây dựng kịch bản, phương án thực hiện. Bộ Chính trị, Ban Bí thư thống nhất nhiệm vụ trong nhiệm kỳ mới mà văn kiện đã nêu. Thừa Thiên Huế phải là trung tâm, nơi hội tụ tiềm năng thế mạnh của khu vực miền Trung. Muốn vậy, cần phải nỗ lực phấn đấu rất lớn, quyết tâm cao mới thực hiện được. Đây là trách nhiệm lớn của Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân toàn tỉnh. Về các giải pháp, cần lưu ý việc bảo tồn phải đi trước một bước. Thừa Thiên Huế cần năng động, sáng tạo hơn nữa; chú ý đến vấn đề quy hoạch, sắp xếp lại dân cư, sản xuất, phát triển vùng; có những kết nối các di sản với các địa phương.

Tỉnh cần tiếp tục chú ý về quốc phòng, an ninh, đối ngoại; không để bị động, bất ngờ. Thừa Thiên Huế phải có nguồn nhân lực chất lượng cao; xây dựng Đảng, hệ thống chính trị vững mạnh. Văn kiện đại hội cần tiếp tục tiếp thu tối đa các ý kiến Bộ Chính trị, Ban Bí thư tại buổi làm việc này để xây dựng, xây dựng chương trình hành động sớm đưa nghị quyết vào thực tế cuộc sống. Nhân sự Đại hội được tỉnh chuẩn bị nghiêm túc. Bộ Chính trị, Ban Bí thư đồng tình với đề án đã xây dựng, nhưng cần phải có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đặt ra trong thời gian tới.

Thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu phát biểu tiếp thu các ý kiến của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các bộ, ban, ngành để hoàn chỉnh văn kiện, báo cáo kiểm điểm; nỗ lực cố gắng để tổ chức Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 thành công tốt đẹp. Dự kiến Đại hội Đảng bộ tỉnh diễn ra trong 3 ngày (15, 16, 17/10/2020).      

Nguồn: Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế

Đặng Viết Chung
Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 3.802.518
Truy cập hiện tại 759