Tìm kiếm tin tức
Liên kết website
Sở, Ban, Ngành
UBND Huyện, Thị xã, Thành phố
MỘT SỐ ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ LUẬT TIẾP CẬN THÔNG TIN
Ngày cập nhật 19/10/2018
Ảnh Internet

Ngày 06/4/2016, tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật Tiếp cận thông tin gồm 5 chương, 37 điều, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2018. Sau đây xin giới thiệu một số nội dung cơ bản của Luật

 

 

 

       Hiến pháp năm 1992 lần đầu tiên xác định “quyền được thông tin” là quyền cơ bản của công dân. Hiến pháp năm 2013 tiếp tục kế thừa quy định về "quyền được thông tin" của Hiến pháp năm 1993 và sửa đổi thành "quyền tiếp cận thông tin" (Điều 25), đồng thời, lần đầu tiên hiến định các nguyên tắc thực hiện và hạn chế quyền con người, quyền công dân, trong đó có quyền tiếp cận thông tin. Triển khai thi hành Hiến pháp, việc xây dựng, ban hành Luật tiếp cận thông tin là cần thiết vì một số lý do chủ yếu sau đây:

Một là: Bảo đảm thi hành quy định của Hiến pháp năm 2013 về "quyền tiếp cận thông tin" của công dân, đồng thời, cụ thể hóa tinh thần mới của Hiến pháp về trách nhiệm của Nhà nước trong việc tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân

Tuy nhiên, quyền tiếp cận thông tin là một quyền có giới hạn, việc xác định các điều kiện hạn chế tiếp cận thông tin của công dân cần phải được quy định trong luật theo quy định tại Điều 14 Hiến pháp năm 2013, theo đó, "các quyền con người, quyền công dân... được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật" và khẳng định những quyền này "chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”.

Hai là: Bảo đảm cung cấp thông tin một cách chính thống, chống lại những thông tin xuyên tạc, không đúng sự thật, tạo sự đồng thuận xã hội trong việc xây dựng, triển khai thực hiện chính sách, pháp luật.

Ba là: Góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Việc tạo cơ hội cho công dân được tiếp cận các thông tin chính thống của Nhà nước sẽ góp phần giảm thiểu rủi ro trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, giúp cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước kịp thời nắm bắt thông tin, nắm bắt cơ hội đầu tư để có thể mở rộng, phát triển kinh doanh, xây dựng các kế hoạch đầu tư dài hạn; góp phần tăng tính cạnh tranh của nền kinh tế quốc gia, thúc đẩy sự phát triển bền vững của nền kinh tế. Việc tiếp cận thông tin chính thống của Nhà nước cũng góp phần bảo đảm môi trường kinh doanh lành mạnh, hỗ trợ và thúc đẩy các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong nước tham gia vào quá trình hội nhập quốc tế và đẩy mạnh quá trình hội nhập một cách chủ động, tích cực của các thành phần kinh tế nói riêng và của đất nước nói chung. 

Bốn là: Nhằm thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam có liên quan đến quyền tiếp cận thông tin và bảo đảm tính tương thích của pháp luật Việt Nam với pháp luật của nhiều nước trên thế giới về quyền tiếp cận thông tin.

Việc xây dựng Luật tiếp cận thông tin được dựa trên các quan điểm chỉ đạo cơ bản sau đây:

- Thể chế hoá chủ trương, chính sách của Đảng về "mở rộng dân chủ, bảo đảm quyền công dân, quyền con người", "tạo cơ chế nhân dân thực hiện đầy đủ quyền làm chủ, nhất là dân chủ trực tiếp", "bảo đảm quyền được thông tin" của công dân.

- Cụ thể hóa đầy đủ tinh thần và nội dung của Hiến pháp năm 2013 về công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân và bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với các luật khác có liên quan.

- Bảo đảm tính khả thi của dự thảo Luật trong điều kiện kinh tế - xã hội Việt Nam; tiến hành thận trọng, mở dần từng bước và phải phù hợp với điều kiện thực tiễn Việt Nam, bảo đảm hoạt động bình thường của các cơ quan nhà nước.

NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA LUẬT TIẾP CẬN THÔNG TIN

1. Về chủ thể thực hiện quyền tiếp cận thông tin

Cụ thể hóa quy định tại Điều 25 Hiến pháp năm 2013 “ Công dân có quyền ... tiếp cận thông tin”, Luật quy định chủ thể thực hiện quyền tiếp cận thông tin là công dân (khoản 1 Điều 4).

Bên cạnh đó, Luật còn quy định việc bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của nhóm đối tượng là người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi và người dưới 18 tuổi thực hiện quyền tiếp cận thông tin thông qua người đại diện theo pháp luật (khoản 2, khoản 3 Điều 4).

Đối với các trường hợp là người nước ngoài cư trú tại Việt Nam được bảo hộ một số quyền, lợi ích chính đáng theo nguyên tắc đối xử quốc gia hoặc có đi có lại, bởi vậy, Luật quy định họ chỉ được yêu cầu cung cấp những thông tin có liên quan trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ của họ (khoản 1 Điều 36).

2. Về chủ thể có trách nhiệm cung cấp thông tin

Xuất phát từ quan điểm chỉ đạo Luật điều chỉnh mối quan hệ về tiếp cận thông tin giữa Nhà nước và công dân, do đó, Luật quy định trách nhiệm của các cơ quan nhà nước từ cơ quan hành pháp, tư pháp đến cơ quan lập pháp cung cấp thông tin cho công dân; đồng thời quy định rõ trách nhiệm, nghĩa vụ của cơ quan nhà nước trong việc bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân. Điều cần lưu ý là các cơ quan chỉ có trách nhiệm cung cấp các thông tin do mình tạo ra. Riêng đối với các khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng điều kiện khó khăn, để tạo thuận lợi cho công dân trong việc yêu cầu cung cấp thông tin và căn cứ vào thực tiễn nắm giữ thông tin của Ủy ban nhân dân cấp xã (là nơi tiếp nhận hầu hết các thông tin chính thức của các cơ quan nhà nước cấp trên như các chủ trương, chính sách, văn bản pháp luật... và là cấp cơ sở gần với người dân nhất, nơi cung cấp và giải đáp mọi nhu cầu, vướng mắc cho người dân), Luật giao thêm trách nhiệm cho Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện việc cung cấp các thông tin do mình nhận được từ cơ quan khác.

3. Cách thức tiếp cận thông tin

Luật quy định công dân được tiếp cận thông tin bằng hai cách thức:

- Tự do tiếp cận thông tin do cơ quan nhà nước công khai;

- Yêu cầu cơ quan nhà nước cung cấp thông tin (Điều 10).

4. Phạm vi thông tin được tiếp cận

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc xác định phạm vi thông tin mà mình được tiếp cận, Luật quy định về thông tin công dân được tiếp cận (Điều 5), thông tin công dân không được tiếp cận (Điều 6) và thông tin công dân được tiếp cận có điều kiện (Điều 7). Theo đó, công dân được tiếp cận tất cả thông tin của cơ quan nhà nước theo quy định của Luật này, trừ thông tin công dân không được tiếp cận quy định tại Điều 6 của Luật và được tiếp cận có điều kiện đối với thông tin quy định tại Điều 7 của Luật.

Trên cơ sở 02 cách thức tiếp cận được quy định tại Điều 10, Luật quy định cụ thể phạm vi thông tin mà cơ quan nhà nước phải công khai và cung cấp theo yêu cầu, bao gồm:

4.1. Thông tin các cơ quan nhà nước phải công khai

Nhằm bảo đảm cho thông tin được công khai và phổ biến đến người dân ở phạm vi rộng nhất, Luật quy định các loại thông tin và cách thức công khai thông tin trên trang/cổng thông tin điện tử, phương tiện thông tin đại chúng và đăng Công báo, niêm yết. Theo đó, Luật quy định các thông tin phải được công khai tại khoản 1 Điều 17 bao gồm thông tin mà pháp luật quy định phải được công khai; thủ tục hành chính và quy trình giải quyết công việc của cơ quan có liên quan đến cá nhân, tổ chức,... Nhằm tăng cường trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong việc chủ động công khai các thông tin, từ đó sẽ giảm tải cung cấp thông tin theo yêu cầu của công dân, giảm chi phí hành chính cũng như chi phí tiếp cận thông tin cho người dân, Luật cũng quy định: ngoài thông tin quy định tại khoản 1 nêu trên, căn cứ vào điều kiện thực tế, cơ quan nhà nước chủ động công khai thông tin khác do mình tạo ra hoặc nắm giữ (khoản 2 Điều 17); và quy định các thông tin cụ thể bắt buộc phải đăng tải trên trang thông tin/cổng thông tin điện tử để người dân có thể tiếp cận (Điều 19).

Bên cạnh đó, Luật quy định cụ thể các hình thức, thời điểm công khai thông tin, trong đó có quy định về việc công khai thông tin trên cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử, trên phương tiện thông tin đại chúng, đăng Công báo, niêm yết.

4.2. Thông tin được cung cấp theo yêu cầu

Các loại thông tin được cung cấp theo yêu cầu quy định tại Điều 23 bao gồm:

- Thông tin phải được công khai nhưng: chưa được công khai; đã hết thời hạn công khai hoặc đang được công khai nhưng vì lý do khách quan người yêu cầu không thể tiếp cận;

- Thông tin liên quan đến bí mật kinh doanh, đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình đủ điều kiện cung cấp theo quy định tại Điều 7 của Luật này;

- Thông tin liên quan trực tiếp đến đời sống, sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh của người yêu cầu cung cấp thông tin nhưng không thuộc loại thông tin quy định tại Điều 17 của Luật này và khoản 2 Điều này.

5. Trình tự, thủ tục cung cấp thông tin theo yêu cầu

Luật quy định trình tự, thủ tục, thời hạn cung cấp thông tin theo yêu cầu trên tinh thần bảo đảm cho công dân được cung cấp thông tin một cách thuận tiện, nhanh chóng và ít tốn kém nhất. Cơ quan được yêu cầu cung cấp thông tin có trách nhiệm xem xét, giải quyết kịp thời yêu cầu cung cấp thông tin theo trình tự và thời hạn luật định.

Theo đó, Luật quy định trình tự, thủ tục cung cấp thông tin trực tiếp tại trụ sở cơ quan cung cấp thông tin (Điều 29); trình tự, thủ tục cung cấp thông tin qua mạng điện tử (Điều 30) và trình tự, thủ tục cung cấp thông tin qua dịch vụ bưu chính, fax (Điều 31). Cụ thể:

- Đối với yêu cầu cung cấp thông tin đơn giản, có sẵn và có thể cung cấp ngay, cơ quan được yêu cầu có trách nhiệm cung cấp thông tin ngay cho người yêu cầu hoặc trong thời hạn chậm nhất là 03 hoặc 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu hợp lệ;

- Đối với các thông tin phức tạp thì thời hạn cung cấp thông tin chậm nhất là 15 ngày làm việc.

Trường hợp cơ quan được yêu cầu cần thêm thời gian để xem xét, tìm kiếm, tập hợp, sao chép, giải quyết yêu cầu cung cấp thông tin thì có thể gia hạn tùy thuộc vào cách thức cung cấp thông tin tối đa không quá 10 hoặc 15 ngày làm việc và phải có văn bản thông báo cho người yêu cầu về việc gia hạn trong thời hạn cung cấp thông tin.

6. Biện pháp bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân

Để bảo đảm thực hiện quyền tiếp cận thông tin của công dân, Luật quy định trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc bố trí cán bộ đầu mối tiếp nhận và cung cấp thông tin; lập Danh mục thông tin phải được công khaithông tin cung cấp theo yêu cầu; rà soát, phân loại, kiểm tra và bảo đảm tính bí mật của thông tin trước khi cung cấp… Bộ Thông tin và Truyền thông giúp Chính phủ thực hiện nhiệm vụ hướng dẫn kỹ thuật các biện pháp và quy trình bảo vệ thông tin và bảo vệ các hệ thống quản lý thông tin. Bộ Tư pháp giúp Chính phủ theo dõi chung việc thi hành Luật này.

Các biện pháp cơ bản các cơ quan nhà nước có trách nhiệm cung cấp thông tin cần phải thực hiện :

- Bồi dưỡng nâng cao năng lực, chuyên môn, nghiệp vụ cho người được giao nhiệm vụ cung cấp thông tin trong việc bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân.

- Vận hành cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử; xây dựng, vận hành cơ sở dữ liệu thông tin mà cơ quan có trách nhiệm cung cấp theo quy định của Chính phủ.

- Tăng cường cung cấp thông tin thông qua hoạt động của người phát ngôn của cơ quan và các phương tiện thông tin đại chúng.

- Xác định đơn vị, cá nhân làm đầu mối cung cấp thông tin.

- Bố trí hợp lý nơi tiếp công dân để cung cấp thông tin phù hợp với điều kiện của từng cơ quan.

- Củng cố, kiện toàn công tác văn thư, lưu trữ, thống kê; trang bị các phương tiện kỹ thuật, công nghệ thông tin và các điều kiện cần thiết khác để người yêu cầu có thể trực tiếp đọc, xem, nghe, ghi chép, sao chép, chụp tài liệu tại trụ sở cơ quan nhà nước và qua mạng điện tử.

      Nhằm hoàn thiện cơ chế bảo đảm thực thi quyền tiếp cận thông tin, cần đẩy mạnh việc thực hiện xây dựng Chính phủ điện tử; tăng cường cung cấp thông tin qua mạng Intranet và xác lập mối quan hệ tương tác giữa người dân, doanh nghiệp với Chính phủ thông qua các phương tiện công nghệ hiện đại, tiên tiến. Để bảo đảm người dân tiếp cận thông tin một cách thuận lợi, các cơ quan nhà nước có trách nhiệm cung cấp thông tin phải bảo đảm các dịch vụ tốt, cơ sở hạ tầng và các trang thiết bị để người dân thực hiện quyền tiếp cận thông tin một cách thuận lợi, nhanh chóng, kịp thời và chính xác./.

 

Tập tin đính kèm:
Ban Văn hóa - Thông tin
Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 3.794.686
Truy cập hiện tại 538