Tìm kiếm tin tức
Liên kết website
Sở, Ban, Ngành
UBND Huyện, Thị xã, Thành phố
Bảo vệ di sản trước biến đổi khí hậu: Cần sự tham gia của cộng đồng
Ngày cập nhật 10/09/2020
 
 
 

Nằm ở “khúc ruột” miền Trung, hệ thống kiến trúc di sản thuộc Quần thể Di tích Cố đô Huế năm nào cũng phải oằn mình chịu áp lực từ gió bão, mưa lụt. Làm thế nào để chúng ta kịp thời ứng phó khi có rủi ro xảy ra? Câu hỏi không mới nhưng luôn cần có câu trả lời.

 

Di sản bị đe dọa

Hàng năm, Thừa Thiên Huế luôn đối mặt với tình hình mưa bão, ngập lụt phức tạp. Ngoài những thiệt hại về người và tài sản, thì di sản văn hóa cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Trong cơn đại hồng thủy năm 1999, cùng với sự mất mát to lớn về số người thiệt mạng, số của cải tiêu tan có thể ước chừng được, thì trận lụt năm ấy vẫn còn để lại đến hôm nay ở Quần thể Di tích Cố đô Huế với những hậu quả khôn lường.

Năm ấy, bức tranh toàn cảnh Quần thể Di tích Cố đô Huế tan hoang sau cơn đại hồng thủy được tác giả Quý Hoàng ghi rõ: Trừ lăng vua Khải Định, Hổ Quyền, Thái Bình Lâu, lầu Ngọ Môn, còn tất cả 14 khu di tích khác với hàng trăm công trình kiến trúc đều bị ngập trong biển nước. Chỗ cao nhất trong nội thành cũng ngập 1,5m, chỗ ngập sâu nhất của lăng vua Minh Mạng là trên 5m. Nước chảy đến đâu hoành hành tơi bời đến đó. Các cung điện trong Hoàng cung bị nước lũ ngâm lâu gây thấm dột nghiêm trọng. Các kiến trúc bằng gỗ bị ướt dầm dề. Ngâm nước, đất nhão, cộng với gió mạnh đã tàn phá nặng nề cảnh quan di tích. Hệ thống tường thành các công trình bị nứt, sạt lở và đổ từng mảng lớn.

Từ sau trận lụt lịch sử năm ấy đến nay, Thừa Thiên Huế đã thực hiện nhiều chương trình, dự án ý nghĩa để tu bổ, tôn tạo, trùng tu và bảo tồn các công trình kiến trúc thuộc Quần thể Di tích Cố đô Huế. Hệ thống chống sét được đầu tư lắp đặt ở nhiều điểm di tích, như: lăng vua Minh Mạng, lăng vua Tự Đức, lăng vua Đồng Khánh, lăng vua Thiệu Trị, Cung Diên Thọ (Đại Nội Huế) và Cơ Mật Viện (Tam Tòa, Kinh thành Huế). Với Ngọ Môn, trong lần trùng tu gần đây nhất vào giai đoạn 2013-2015, các chuyên gia đã áp dụng công nghệ gia cường mới, để công trình có thể chịu được gió bão cấp 13, 14. Trước mỗi mùa mưa bão hằng năm, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đều xây dựng phương án cụ thể cho việc chằng néo những bộ phận kiến trúc có nguy cơ cao, cũng như chuẩn bị lực lượng sẵn sàng ứng cứu. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là sự ứng phó mang tính tạm thời.

Lắng nghe tri thức bản địa

Năm 2018, một hội nghị quốc tế rất ý nghĩa đã diễn ra tại TP. Huế, bàn vấn đề làm thế nào để các tổ chức phi chính phủ tham gia bảo vệ các di sản văn hóa phi vật thể một cách bền vững. Có nhiều bài học giá trị về sự tham gia của cộng đồng, trong nỗ lực bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể được các đại biểu giới thiệu tại hội nghị. Đồng thời nhấn mạnh rằng, phát triển năng lực cộng đồng trong ứng phó với những rủi ro do thiên tai là một vấn đề rất gần gũi với cuộc sống và cần phải được quan tâm đúng mức hơn. TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa & Thể thao (nguyên Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế) cho biết: Trước đây, ở một số quốc gia, trong đó có Việt Nam, gần như việc bảo tồn di sản văn hóa được mặc định đó là trách nhiệm của Nhà nước. Hiện nay trong các chính sách của Nhà nước, Việt Nam sẽ chuyển dần vai trò của Nhà nước theo hướng quản lý, định hướng và trao nhiều quyền hơn cho cộng đồng. Cộng đồng sẽ chủ động hoàn toàn việc nắm giữ di sản và vận động các nguồn lực trong xã hội để gìn giữ và phát huy giá trị của di sản.

Theo PGS. TS. Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa, Việt Nam sẽ là một trong những nước đầu tiên trên thế giới bị ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu khiến nước biển dâng. Do vậy, việc quan trọng cần được đặc biệt quan tâm ngay bây giờ là giáo dục ý thức văn hóa ứng xử với môi trường trong cộng đồng người dân. Nếu thay đổi được nhận thức của mỗi người đối với môi trường, thì cơ bản sẽ thích ứng được với biến đổi khí hậu.

Từ vấn đề làm thế nào để cộng đồng có thể tham gia bảo vệ các di sản văn hóa một cách bền vững, lại nhớ đến câu chuyện của TS. Trần Đình Hằng, Phân viện trưởng Phân viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam tại Huế. Theo ông Hằng, trước khi trận lụt lịch sử năm 1999 xảy ra, những cư dân vùng sông nước, đầm phá đã dự cảm được nguy cơ trước gần 10 ngày. Họ là cư dân bản địa của vùng thường xuyên là rốn lũ nên có những kiến thức dân gian rất hay. Họ nhạy cảm với những thay đổi của màu trời, màu đất và cả những biểu hiện đặc trưng của những loài cây, con trong cuộc sống. Từ đó, kinh nghiệm dân gian giúp họ mơ hồ rằng, sẽ có một trận lụt rất to sắp xảy ra, chỉ là không biết được mức độ khủng khiếp của nó như thế nào.

Những vấn đề trên cho thấy rằng, nếu những kiến thức, kinh nghiệm dân gian về môi trường tự nhiên kịp thời được làm sáng tỏ, thì cộng đồng càng có thêm năng lực để thích ứng với biến đổi khí hậu, và phòng ngừa kịp thời những rủi ro xảy ra đối với di sản văn hóa họ đang sở hữu. Một trong những việc cần thiết với Thừa Thiên Huế lúc này là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức của người dân đối với vấn đề biến đổi khí hậu. Đồng thời, cung cấp một cách đầy đủ thông tin cho người dân về những di sản có nguy cơ bị mai một, biến dạng, thậm chí là biến mất, nếu không có sự chung tay bảo tồn, gìn giữ của cộng đồng.

Nguồn: Báo Thừa Thiên Huế

 

Đặng Viết Chung
Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 3.795.780
Truy cập hiện tại 817