Tìm kiếm tin tức
Liên kết website
Sở, Ban, Ngành
UBND Huyện, Thị xã, Thành phố
SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA NGHỊ ĐỊNH SỐ 85/2013/NĐ-CP QUY ĐỊNH CHI TIẾT VÀ BIỆN PHÁP THI HÀNH LUẬT GIÁM ĐỊNH TƯ PHÁP
Ngày cập nhật 08/01/2021

Vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 157/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 85/2013/NĐ-CP ngày 29/7/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Giám định tư pháp. Nghị định này có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2021.

Sửa đổi phạm vi điều chỉnh của Nghị định số 85/2013/NĐ-CP

Theo đó, phạm vi điều chỉnh của Nghị định số 85/2013/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung như sau:

“Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định về tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của tổ chức giám định tư pháp công lập; việc thành lập và đăng ký hoạt động của Văn phòng giám định tư pháp; chính sách ưu đãi đối với Văn phòng giám định tư pháp; quyết định công nhận người giám định tư pháp theo vụ việc, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc; nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) đối với hoạt động giám định tư pháp”.

Hoạt động giám định tư pháp - Ảnh minh họa (kiemsat.vn)Hoạt động giám định tư pháp - Ảnh minh họa (kiemsat.vn)

Sửa đổi quy định về chấm dứt hoạt động Văn phòng giám định tư pháp

Khoản 5 Điều 1 Nghị định số 157/2020/NĐ-CP sửa đổi quy định về chấm dứt hoạt động Văn phòng giám định tư pháp (khoản 2 Điều 21 Nghị định số 85/2013/NĐ-CP) như sau:

“2. Trường hợp chấm dứt hoạt động theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều này thì chậm nhất là 30 ngày trước thời điểm dự kiến chấm dứt hoạt động, Văn phòng giám định tư pháp phải có báo cáo bằng văn bản gửi Sở Tư pháp, nơi đăng ký hoạt động.

Văn phòng giám định tư pháp phải gửi kèm theo báo cáo giấy tờ chứng minh đã hoàn thành việc thực hiện giám định đối với các trưng cầu, yêu cầu giám định tư pháp đã tiếp nhận, nộp đủ số thuế còn nợ, thanh toán xong các khoản nợ theo quy định của pháp luật, làm thủ tục chấm dứt hợp đồng lao động đã ký với người lao động, đăng báo trung ương hoặc báo địa phương trong hai số liên tiếp về thời điểm dự kiến chấm dứt hoạt động.

Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Giám đốc Sở Tư pháp trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định chấm dứt hoạt động của Văn phòng giám định tư pháp. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày Sở Tư pháp trình hồ sơ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ra quyết định chấm dứt hoạt động của Văn phòng giám định tư pháp.

Trong thời hạn 07 ngày làm việc, Sở Tư pháp có trách nhiệm thông báo bằng văn bản về việc chấm dứt hoạt động đến Văn phòng giám định tư pháp và các cơ quan, tổ chức quy định tại khoản 1 Điều 16 Nghị định này”.

Sửa đổi chế độ phụ cấp đối với giám định viên tư pháp

Khoản 7 Điều 1 Nghị định số 157/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Điều 26 Nghị định số 85/2013/NĐ-CP về chế độ phụ cấp đối với giám định viên tư pháp và người tham gia giám định tư pháp như sau:

Điều 26. Chế độ phụ cấp đối với giám định viên tư pháp và người tham gia giám định tư pháp

1. Giám định viên tư pháp hưởng lương từ ngân sách nhà nước trong lĩnh vực pháp y, pháp y tâm thần, kỹ thuật hình sự được hưởng chế độ phụ cấp trách nhiệm công việc giám định tư pháp.

Giám định viên tư pháp thuộc tổ chức giám định tư pháp công lập trong lĩnh vực pháp y, pháp y tâm thần thuộc ngành y tế được hưởng chế độ phụ cấp ưu đãi nghề.

2. Giám định viên tư pháp và người tham gia giám định tư pháp thuộc tổ chức giám định tư pháp công lập về pháp y thuộc ngành y tế được hưởng chế độ phụ cấp thường trực”.

Sửa đổi quy định về công nhận và đăng tải, hủy bỏ công nhận người giám định tư pháp theo vụ việc, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc

Việc công nhận và đăng tải, hủy bỏ công nhận người giám định tư pháp theo vụ việc, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc quy định tại Điều 23 Nghị định số 85/2013/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung như sau:

“Điều 23. Công nhận và đăng tải, hủy bỏ công nhận người giám định tư pháp theo vụ việc, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc

1. Căn cứ vào nhu cầu thực tiễn của hoạt động tố tụng, Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh lựa chọn người có đủ tiêu chuẩn quy định tại Điều 18, tổ chức có đủ điều kiện theo quy định tại Điều 19 của Luật Giám định tư pháp ra quyết định công nhận người giám định tư pháp theo vụ việc, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc ở lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý.

2. Danh sách người giám định tư pháp theo vụ việc, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc được đăng tải trên cổng thông tin của Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và gửi cho Bộ Tư pháp.

3. Trường hợp có sự thay đổi về thông tin liên quan đến người giám định tư pháp theo vụ việc, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc đã dược công nhận thì Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm điều chỉnh danh sách và gửi cho Bộ Tư pháp.

4. Người giám định tư pháp theo vụ việc, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc đã dược lựa chọn, lập và công bố trước ngày 01 tháng 01 năm 2021, nếu còn đủ tiêu chuẩn, điều kiện thì được công nhận là người giám định tư pháp theo vụ việc, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp.

5. Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ra quyết định hủy bỏ công nhận người giám định tư pháp theo vụ việc không còn đủ tiêu chuẩn quy định tại Điều 18, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc không còn có đủ điều kiện quy định tại Điều 19 của Luật Giám định tư pháp”.

Thái Xuân Nhân
Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 3.794.899
Truy cập hiện tại 595