Thanh trà là loại trái cây đặc sản, thích nghi với các vùng đất bồi dọc hai bờ sông nên phường Thủy Biều, thành phố Huế là địa phương có diện tích trồng thanh trà nhiều nhất trên địa bàn tỉnh, với hơn 150 ha. Vụ thanh trà năm nay cho trái sai, ngọt và năng suất cao, đáp ứng các tiêu chuẩn để chào đón lễ hội Thanh trà lần thứ VII diễn ra từ ngày 01- 04/9/2022.
Khu vườn trồng thanh trà với diện tích gần 5.000m2 của ông Lê Văn Nhân ở phường Thủy Biều đã đến vụ thu hoạch. Song, hiện ông Nhân chỉ xuất bán một số loại thanh trà có quả vừa cho các thương lái, còn lại dành để trưng bày, quảng bá sản phẩm phục vụ người dân và du khách tại lễ hội thanh trà Thủy Biều sắp tới.
Theo ông Nhân, so với năm trước, thanh trà năm nay sinh trưởng tốt, trái có vị ngọt thanh nên được người dân và du khách ưa chuộng. Hiện, những trái thanh trà to, quả láng đều đang để dành để tham gia lễ hội vì đây là cơ hội không chỉ quảng bá thương hiệu thanh trà Thủy Biều mà còn góp phần khẳng định thương hiệu thanh trà Huế.
Phường Thủy Biều là vùng vốn nổi tiếng trái cây thanh trà đặc sản của Huế với hơn 1.000 hộ dân có vườn trồng, chủ yếu nằm dọc sông Hương. Thời gian qua, địa phương tích cực hỗ trợ người dân tập huấn kỹ thuật trồng, ứng dụng công nghệ cũng như quảng bá thanh trà đến với thị trường. Dù chịu nhiều sự cạnh tranh của các loại trái cây có múi, họ bưởi nhưng thanh trà Huế vẫn tự tin với vị thế riêng trên thị trường.
Theo Chủ tịch UBND phường Thủy Biều - ông Võ Đăng Thái, vụ mùa năm nay, diện tích cây thanh trà trên địa bàn phát triển rất tốt, trái lên đẹp và ngon. Hiện, toàn phường có 150 ha trồng thanh trà, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho nông dân. Tiếp nối thành công qua 6 lễ hội trước, năm nay phường tiếp tục tổ chức lễ hội thanh trà nhằm tôn vinh, quảng bá đặc sản địa phương, đồng thời kêu gọi các địa phương có trồng cây thanh trà tham gia để giao lưu, chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm trong phương pháp trồng, chăm sóc, nâng cao năng suất, giá trị cây thanh trà. Đây cũng là dịp để phường tìm kiếm cơ hội ký kết với các đối tác trong việc phân phối các sản phẩm nông sản, hàng thủ công mỹ nghệ, ẩm thực được chế biến bởi bàn tay của người dân Thủy Biều đến với du khách.
Theo Ban tổ chức, lễ hội Thanh trà năm 2022 diễn ra từ ngày 01 - 04/9 tại khuôn viên cơ sở 2 Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi, số 540 đường Bùi Thị Xuân, phường Thủy Biều, TP. Huế. Lễ hội bao gồm các hoạt động ý nghĩa, thiết thực, như: Hội thi sản phẩm trái ngon thanh trà; các gian hàng mua bán thanh trà và hàng thủ công mỹ nghệ, nông sản; không gian trình diễn, trưng bày, giới thiệu, khám phá cây “Thanh Trà”; lễ cáo cung tiến “Thanh trà” tại 2 đình làng Nguyệt Biều và Lương Quán; tổ chức các tour du lịch cộng đồng, sinh thái tại Thủy Biều; hội chợ ẩm thực và các hoạt động văn hóa nghệ thuật, trò chơi dân gian…
Để lễ hội thành công và diễn ra ý nghĩa, phường đã tổ chức các buổi làm việc với HTX, Hội Làm vườn Thanh trà để thông báo triển khai kế hoạch và quán triệt mục đích, yêu cầu lễ hội kêu gọi các thành viên hội tích cực tham gia; tổ chức phiên làm việc với các đơn vị lữ hành, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ - du lịch; các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình có nhà rường, nhà vườn đang khai thác du lịch liên quan để thông báo triển khai kế hoạch và mời tham gia xây dựng các tour trải nghiệm, du lịch cộng đồng kết hợp với chương trình của lễ hội.
Theo lãnh đạo UBND thành phố Huế, cùng với đặc sản thanh trà, sắp tới thành phố ưu tiên phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng nông nghiệp bền vững, nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng khoa học, công nghệ trong sản xuất. Trong đó, tiếp tục xây dựng và thực hiện đề án phát triển nông nghiệp bền vững, tập trung phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp số, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp tuần hoàn; liên kết theo chuỗi giá trị, gắn với thị trường tiêu thụ, gắn phát triển nông nghiệp với phát triển du lịch góp phần nâng cao thu nhập và cải thiện mức sống cho cư dân nông thôn. Mặt khác, tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, nhất là trong khâu giống, chăm sóc, chế biến; phát triển những sản phẩm đặc sản, có lợi thế của mỗi địa phương thành các sản phẩm OCOP nhằm nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm, phục vụ du lịch; gắn phát triển nông nghiệp với du lịch, nhất là ở các địa bàn có lợi thế, thế mạnh về nông nghiệp.