Tìm kiếm tin tức
Liên kết website
Sở, Ban, Ngành
UBND Huyện, Thị xã, Thành phố
Ứng dụng công nghệ số vào sản xuất kinh doanh, dịch vụ công
Ngày cập nhật 06/12/2022

Thực hiện đề án "Phát triển dịch vụ đô thị thông minh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021 - 2025 định hướng đến năm 2030" nhất thiết phải đưa các ứng dụng nền tảng số và dịch vụ thông minh vào các ngành, lĩnh vực quản lý nhà nước, quản lý xã hội trên cơ sở ứng dụng thành tựu công nghệ mới. Các doanh nghiệp (DN) sản xuất, kinh doanh cũng không đứng ngoài cuộc trước xu hướng này.

Trung tâm Điều hành, giám sát đô thị thông minh tỉnh là nơi hội tụ ứng dụng thành công công nghệ số, công nghệ AI

Thành quả bước đầu

Thời gian qua, Thừa Thiên Huế đã có một số tổ chức, DN nghiên cứu, ứng dụng và triển khai thành công các dự án về công nghệ thông tin (CNTT), công nghệ số và trí tuệ nhân tạo (AI). Trong đó, phải kể đến Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh tỉnh đã ứng dụng CNTT trên nền tảng chuyển đổi số (CĐS), AI để vận hành hệ thống dịch vụ đô thị thông minh Hue-S. Đồng thời, đã nhận được nhiều giải thưởng lớn, như giải thưởng "Dự án thành phố thông minh sáng tạo nhất châu Á" tại Giải thưởng Viễn thông châu Á năm 2019; "Giải thưởng Sao Khuê 2021" trong lĩnh vực các nền tảng CĐS.

"Hệ thống hỗ trợ người dân với công nghệ AI để tiếp cận dịch vụ hành chính công trực tuyến trong chính quyền điện tử tại Thừa Thiên Huế" cũng đang góp phần thúc đẩy ứng dụng công nghệ số, công nghệ AI vào nhiều lĩnh vực khác trên địa bàn tỉnh. Hệ thống hỗ trợ người dân với độ tin cậy, tốc độ phản hồi nhanh, giúp người dân tiếp cận một cách dễ dàng việc thực hiện các thủ tục hành chính công trực tuyến nhanh hơn, gia tăng sự kết nối giữa người dân với chính quyền. Hệ thống tương tác thông minh hỗ trợ người dùng tương tác bằng tin nhắn hoặc giọng nói trên nền tảng web tích hợp vào ứng dụng di động Hue-S. Hệ thống phân tích dữ liệu thông minh, dự báo, hỗ trợ ra quyết định phục vụ công tác quản lý, giám sát tình hình tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả dịch vụ hành chính công trực tuyến trên địa bàn tỉnh.

"AIQuant – đầu tư tài chính thông minh" là dự án của Công ty AIQuant do ông Nguyễn Phương Duy sáng lập cũng tập trung nghiên cứu các giải pháp phân tích thông minh AI BI trong lĩnh vực chứng khoán, dự báo, định giá và xử lý tín hiệu thị trường. Sản phẩm là công cụ phân tích chuyên sâu, đa chiều, khoa học và đáng tin cậy về tình hình tài chính DN, dữ liệu thị trường tức thời, báo cáo phân tích chứng khoán hữu ích...

"Bacsi 24×7 Chatbot giúp đặt lịch hẹn, tư vấn thông minh cho phòng khám bác sĩ gia đình" được xây dựng dựa trên công nghệ Microsoft Bot Framework cho phép các nhân viên của các phòng khám bác sĩ gia đình và các trạm y tế kết nối với Bacsi24x7 Bot giúp đưa ra chẩn đoán và phác đồ điều trị cùng những khuyến nghị cho các bác sĩ một cách phù hợp và tối ưu nhất. Đặt lịch hẹn khám trực tuyến sẽ là một kênh hữu ích giúp người bệnh giảm thời gian chờ đợi để được khám bệnh, đồng thời hỗ trợ điều phối lưu lượng bệnh nhân đến khám, giảm quá tải cho các bác sĩ và cơ sở y tế.

Cần thay đổi tư duy và liên kết

Theo ông Nguyễn Kim Tùng, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN), dù hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) trong lĩnh vực AI đã có những kết quả thiết thực bước đầu, song các DN khởi nghiệp trong lĩnh vực AI chưa nhiều, chưa có thành tựu đột phá, ứng dụng AI giải quyết các vấn đề cuộc sống còn khiêm tốn. Do vậy, cần có những giải pháp cụ thể, mạnh mẽ và quyết liệt hơn nữa để thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp gắn với CĐS và ứng dụng AI trên địa bàn tỉnh.

Việc phát triển DN, nhất là các DN khởi nghiệp trong các lĩnh vực ưu tiên theo định hướng của Nghị quyết số 54 là rất quan trọng. Trong đó, tập trung vào các lĩnh vực CNTT và truyền thông, du lịch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thủ công mỹ nghệ, công nghiệp công nghệ cao... Bên cạnh đó, ưu tiên ứng dụng công nghệ AI vào các lĩnh vực quản trị nhà nước, dịch vụ công, sản xuất, kinh doanh cũng như các lĩnh vực trong đời sống, xã hội.

Để thực hiện mục tiêu đặt ra, ngoài cơ chế, chính sách thúc đẩy nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI vào cuộc sống còn cần huy động và thiết lập một nguồn nhân lực nghiên cứu, sáng tạo cũng như phát triển nguồn lực đầu tư và ứng dụng AI, CNTT.

Việc hình thành Làng Công nghệ quốc gia về AI tại Huế tháng 10 vừa qua sẽ mở đầu cho xu hướng mới, một cổng kết nối quốc tế đến với Việt Nam, giúp tìm kiếm những tài năng của Việt Nam đến những sân chơi lớn. Đồng thời, lan tỏa, góp phần đưa công nghệ AI từng bước ứng dụng vào cuộc sống, kết nối startup Việt Nam với quốc tế và tiếp cận với những nền tảng công nghệ mới nhất, bắt kịp xu hướng công nghệ toàn cầu và tạo ra được giá trị mới trong lĩnh vực công nghệ AI tại Việt Nam.

Thời gian tới, Sở KH&CN sẽ xây dựng quy chế hoạt động của Làng, vạch ra những định hướng, chương trình hành động cụ thể trên cơ sở ra mắt các đồng trưởng làng công nghệ tại Huế về tài chính, dược liệu sạch, du lịch và ẩm thực, đô thị thông minh, nghệ thuật sáng tạo... Các trưởng làng, đồng trưởng làng công nghệ này sẽ hỗ trợ các DN, startup phát triển các sản phẩm, dịch vụ khởi nghiệp, ĐMST, nhất là về AI; từ đó kích thích các DN phát triển nhanh, bền vững trên nền tảng AI gắn liền với CNTT và CĐS trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Để kết nối các nguồn lực ở ngoài địa phương và từ cộng đồng quốc tế, tỉnh sẽ đẩy mạnh hợp tác quốc tế với các nước tiên tiến như Nhật Bản, Hàn Quốc về đào tạo và phát triển AI. Chuẩn bị mọi điều kiện về chính sách và hạ tầng đón đầu làn sóng chuyển dịch đầu tư về công nghiệp CNTT, nhất là công nghiệp phần mềm của thế giới, tập trung đón đầu chuyển dịch đầu tư của các DN phần mềm nước ngoài.

Nguôn: skhcn.thuathienhue.gov.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 3.796.150
Truy cập hiện tại 886