Sáng 19/12, Hội nghị ngoại giao lần thứ 32 với chủ đề “Phát huy vai trò tiên phong, xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại, vững mạnh, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng” đã khai mạc tại Hà Nội. Hội nghị diễn ra dưới hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.
Tại điểm cầu Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự và phát biểu chỉ đạo tại phiên khai mạc hội nghị. Cùng tham dự có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương đảng, Ủy viên Trung ương Đảng; lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ và các bộ, ban, ngành Trung ương; lãnh đạo thành phố Hà Nội;…
Tại điểm cầu Thừa Thiên Huế, UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lê Trường Lưu; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Hải Minh tham dự.
Hội nghị ngoại giao lần thứ 32 với sự tham dự của các đại sứ, trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài. Hội nghị lần này cũng là dịp để ngành ngoại giao trao đổi một số vấn đề lớn, mới về đối ngoại để đóng góp vào tổng kết 40 năm thực hiện đường lối đối ngoại trong thời kỳ Đổi mới.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định: Thời gian qua, công tác đối ngoại và ngoại giao đã bám sát đường lối đối ngoại theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, các chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đặc biệt là các chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư tại Hội nghị Đối ngoại toàn quốc, đồng thời phát huy mạnh mẽ bản sắc “Ngoại giao cây tre Việt Nam”.
Từ sau Hội nghị Đối ngoại toàn quốc (được tổ chức vào ngày 14/12/2021) đến nay, ngành ngoại giao cùng các cấp, các ngành đã tổ chức thành công 45 chuyến thăm của các đồng chí lãnh đạo chủ chốt tới các nước láng giềng, các đối tác quan trọng, bạn bè truyền thống và gần 50 chuyến thăm của lãnh đạo các nước đến Việt Nam.
Trên bình diện đa phương, vị thế và uy tín quốc tế của Việt Nam tiếp tục được nâng cao. Việt Nam đã và đang đảm nhiệm tốt nhiều trọng trách quốc tế, phát huy vai trò tại nhiều tổ chức, diễn đàn đa phương quan trọng.
Các hoạt động đối ngoại và ngoại giao kinh tế được mở rộng, làm sâu sắc hơn hợp tác kinh tế với nhiều đối tác… đưa Việt Nam vào nhóm 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới và 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại và thu hút đầu tư nước ngoài. Ngoại giao văn hóa, thông tin tuyên truyền đối ngoại, công tác người Việt Nam ở nước ngoài và bảo hộ công dân được triển khai đồng bộ, có nhiều đổi mới, sáng tạo và đạt nhiều kết quả quan trọng. Đến nay, 60 di sản, địa danh của Việt Nam được UNESCO công nhận là di sản văn hóa, thiên nhiên thế giới, trong đó riêng 3 năm qua có thêm 13 di sản, địa danh được UNESCO công nhận.
Thảo luận tại phiên khai mạc hội nghị, lãnh đạo Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Ban Đối ngoại Trung ương, Ủy Ban đối ngoại Quốc hội, UBND thành phố Hà Nội… dành nhiều thời gian thảo luận sâu rộng phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp về phát triển ngành ngoại giao, nhất là những vấn đề then chốt như công tác cán bộ, xây dựng Đảng, cơ chế chính sách về đối ngoại, đổi mới lề lối làm việc với quyết tâm xây dựng ngành ngoại giao vững mạnh toàn diện, hiện đại.
Phát biểu chỉ đạo tại phiên khai mạc hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng biểu dương và đánh giá cao những kết quả mà các cấp, các ngành, các địa phương đạt được trong công tác đối ngoại và ngoại giao trong thời gian qua. Đồng thời nêu rõ: các ngành, các cấp từ trung ương đến địa phương cần đúc kết các bài học kinh nghiệm từ những thành tựu đã đạt được, cũng như đánh giá những hạn chế trong công tác đối ngoại và ngoại giao trong thời gian qua để chủ động khắc phục những hạn chế, phát huy những thành tựu đã đạt được, qua đó làm tốt hơn nữa công tác đối ngoại nói chung và ngoại giao nói riêng.
Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Tổng Bí thư đề nghị: ngành ngoại giao tiếp tục bám sát vào đường lối đối ngoại theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng về đối ngoại, các nghị quyết của Trung ương, các chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư,… từ đó chủ động xây dựng và tổ chức thực hiện đồng bộ, sáng tạo, hiệu quả các chương trình, kế hoạch cụ thể.
Về vấn đề xây dựng, phát triển nền ngoại giao toàn diện, hiện đại, Tổng Bí thư yêu cầu các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương tiếp tục quan tâm xây dựng sự đoàn kết, đồng thuận; tiếp tục hoàn thiện đồng bộ thể chế, chính sách quản lý thống nhất các hoạt động đối ngoại, đổi mới cơ chế phối hợp giữa đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Nhân dân với các hoạt động đối ngoại trên tất cả các lĩnh vực; đặc biệt làm tốt hơn nữa công tác kiện toàn tổ chức bộ máy và xây dựng đội ngũ cán bộ đối ngoại toàn diện về bản lĩnh, phẩm chất, đạo đức và trí tuệ, hiện đại về phương pháp, lề lối làm việc, chuyên nghiệp về tác phong, ứng xử, tinh thông về nghiệp vụ, ngoại ngữ;…