(CTTĐT) - Ngày 12/4, tại Hà Nội, tỉnh Thừa Thiên Huế đã có buổi làm việc với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng và Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế Lê Trường Lưu đồng chủ trì buổi làm việc.
Cùng dự có Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông; đại diện các Cục, Vụ, đơn vị chức năng thuộc Bộ VHTTDL; về phía tỉnh Thừa Thiên Huế có Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình và lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh.
Trình bày báo cáo, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình cho biết, HĐND, UBND tỉnh xác định lĩnh vực văn hoá giữ vai trò nền tảng tinh thần, động lực quan trọng để phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế. Văn hóa luôn được tỉnh quan tâm đầu tư, duy trì nhịp độ tăng trưởng, đạt kết quả tích cực. Sự gắn kết giữa du lịch với văn hoá ngày càng chặt chẽ, trở thành nét đặc sắc của du lịch Huế.
Thời gian qua, tỉnh Thừa Thiên Huế đã nỗ lực xây dựng và quảng bá hình ảnh di sản, văn hóa, ẩm thực, con người Huế; khai thác, phát huy các lễ hội, loại hình văn hóa truyền thống phục vụ nhân dân. Đồng thời, phát triển du lịch thông qua hình thức Festival Bốn mùa với chuỗi hoạt động trải đều trong năm, tập trung vào từng chủ đề.
Các đại biểu dự buổi làm việc
Cũng tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình đã đề xuất một số vấn đề cụ thể. Trong đó, Thừa Thiên Huế mong muốn được đăng cai Năm Du lịch quốc gia – Huế 2025. Tỉnh xác định đây là sự kiện quan trọng, gắn với kỷ niệm 50 năm giải phóng quê hương Thừa Thiên Huế, đồng thời chào mừng tỉnh Thừa Thiên Huế chính thức trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Các hoạt động nhằm giới thiệu, quảng bá các giá trị văn hoá vật thể, phi vật thể, tài nguyên và sản phẩm du lịch đặc sắc của Việt Nam nói chung và tỉnh Thừa Thiên Huế nói riêng; giúp thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế, tạo sự phát triển đột phá về du lịch, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Năm Du lịch Quốc gia - Huế 2025 sẽ thúc đẩy mạnh mẽ liên kết phát triển du lịch giữa các địa phương trong cả nước; phát huy thế mạnh, tiềm năng để phát triển du lịch trong vùng, liên vùng; góp phần nâng cao hình ảnh, vị thế, thương hiệu du lịch Việt Nam nói chung và Thừa Thiên Huế nói riêng trong những năm tiếp theo.
Tỉnh cũng đề xuất Bộ VHTTDL tiếp tục xem Festival Huế là một trong những hoạt động trọng điểm về văn hóa của quốc gia năm 2024; hỗ trợ công tác quảng bá cho Festival Huế tại các hội chợ, liên hoan nghệ thuật, sự kiện lớn do Bộ chủ trì; xem xét đưa một số hoạt động VHTTDL về tổ chức tại Huế….Bên cạnh đó, tỉnh cũng mong muốn Bộ VHTTDL quan tâm, ủng hộ tỉnh Thừa Thiên Huế trong công tác xây dựng các hồ sơ di sản, di tích.
Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình trình bày báo cáo tại buổi làm việc
Phát biểu tại buổi làm việc, Bí Thư Tỉnh ủy tỉnh Thừa Thiên Huế Lê Trường Lưu cho biết trong thời gian qua, được sự quan tâm, hỗ trợ của Bộ VHTTDL, tỉnh đã tập trung mọi nguồn lực để phát triển VHTTDL. Nhận thấy tầm quan trọng của công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa, di tích, tỉnh đã tập trung đầu tư để thực hiện tu bổ, tôn tạo, phát huy giá trị các di tích, di sản trên địa bàn. Các dự án nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa được tập trung thực hiện.
Liên quan đến đăng cai Năm Du lịch quốc gia – Huế 2025, Bí Thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu nhấn mạnh, tỉnh rất mong muốn được đăng cai sự kiện lần này. Ngay sau khi nhận được sự đồng ý của Bộ VHTTDL, tỉnh sẽ tập trung mọi nguồn lực để đăng cai Năm Du lịch quốc gia 2025; đảm bảo sự kiện diễn ra thành công, là “cú hích” để phát triển du lịch tỉnh cũng như cả nước.
Bí Thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu phát biểu tại buổi làm việc
Trao đổi tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông đánh giá, thời gian qua, các hoạt động văn hoá, nghệ thuật diễn ra trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế thường xuyên được tổ chức đã giúp tuyên truyền, quảng bá hình ảnh, văn hoá, điểm đến du lịch với bạn bè trong nước, quốc tế; góp phần làm phong phú đời sống văn hoá tinh thần, phục vụ tốt nhu cầu thưởng thức văn hoá của mọi tầng lớp nhân dân.
Nhiều sự kiện chính trị, văn hóa, nghệ thuật được tổ chức sôi nổi đã giúp quảng bá văn hóa – du lịch của địa phương, hấp dẫn du khách. Đặc biệt với việc tổ chức thành công nhiều kỳ Festival Huế, sự kiện đã góp phần phục vụ công tác mở rộng quan hệ ngoại giao và hợp tác quốc tế, nâng cao vị thế văn hóa Huế, văn hóa quốc gia.
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông phát biểu tại buổi làm việc
Kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng đánh giá, Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã có sự quan tâm sâu sắc, cụ thể về phát triển VHTTDL trên địa bàn tỉnh. Đây là việc làm nhằm cụ thể hoá triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, trong đó có Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đại hội Đảng bộ của tỉnh; cũng như Thông báo số 137/TB-VPCP của Văn phòng Chính phủ về Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế.
Theo Bộ trưởng, qua theo dõi địa bàn, Bộ VHTTDL nhận thấy Thừa Thiên Huế đã có bước phát triển khá nhanh về VHTTDL. Những thành công chung trong phát triển VHTTDL của tỉnh cũng chính là thành công chung của ngành; đến từ sự vào cuộc hiệu quả của đội ngũ lãnh đạo tỉnh, sự đồng hành của Bộ VHTTDL và đặc biệt là đóng góp của nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế.
Cũng theo Bộ trưởng, Thừa Thiên Huế đã quán triệt, triển khai nghiêm túc, có hiệu quả các Nghị quyết chuyên đề của Trung ương, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về phát triển văn hóa. Trong đó, tỉnh đã có những đề án nhằm phát huy giá trị văn hóa truyền thống, phẩm chất tốt đẹp của con người Huế; thể hiện rõ trong văn hóa, nhân dân là chủ thể sáng tạo, đội ngũ văn nghệ sĩ giữ vai trò quan trọng. Nhờ đó, môi trường văn hóa trong khu dân cư, cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đều mang đậm “chất Huế”, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng – an ninh trên địa bàn.
Trong du lịch, Thừa Thiên Huế được xác định là một trong những cực tăng trưởng khu vực Bắc miền Trung. Nhận thức rõ vấn đề này, tỉnh đã chủ động liên kết trong phát triển du lịch với Nghệ An, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Bình, Quảng Trị… Việc liên kết đã cụ thể hóa quan điểm phát triển du lịch phải bắt đầu từ sự liên kết; tạo nên một cung đường, nhiều điểm đến. Sản phẩm du lịch được phát triển phong phú, đa dạng theo hướng con đường di sản.
Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng phát biểu tại buổi làm việc
Đặc biệt, hướng đi được Bộ trưởng gợi mở là tỉnh tập trung phát triển du lịch y tế: “Vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dự lễ khởi công Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở mới, hướng tới tầm quốc tế. Đây là một trong 5 bệnh viện hạng đặc biệt được Chính phủ và Bộ Y tế lựa chọn để nâng cấp trở thành bệnh viện ngang tầm quốc tế. Hiện nay, nhu cầu nghỉ dưỡng kết hợp khám chữa bệnh của du khách trên thế giới ngày càng cao. Cộng với việc thành tựu y học của Việt Nam đang được quốc tế đánh giá cao, đây sẽ là lợi thế để tỉnh phát triển du lịch y tế. Bộ VHTTDL sẵn sàng đồng hành với tỉnh, cùng Bộ Y tế phát triển du lịch y tế trên địa bàn Thừa Thiên Huế”.
Đối với văn hóa, Bộ trưởng nhấn mạnh, gốc của sự phát triển vẫn nằm ở xây dựng môi trường văn hóa. Vì vậy, Thừa Thiên Huế cần đẩy mạnh xây dựng các hương ước, quy ước, quy định của cơ quan, đơn vị để tạo lập môi trường văn hóa lành mạnh. Việc xây dựng hương ước, quy ước, quy định phải trên cơ sở do nhân dân đề xuất, người dân tự nguyên. Được sống trong môi trường văn hóa tiến bộ, văn minh, mỗi người dân sẽ được nuôi dưỡng tình yêu với quê hương, đất nước; trở thành đại sứ văn hóa – du lịch, trực tiếp tham gia quảng bá văn hóa – du lịch của địa phương bằng tất cả sự tự hào.
Về hệ thống di tích, di sản của tỉnh, Bộ trưởng nêu không thể chạy theo số lượng, tiến hành kiểm kê, xếp hạng, xây dựng hồ sơ theo kiểu “ồ ạt” để rồi khi được công nhận lại không có nguồn lực thực hiện tu bổ, phục hồi, phát huy các giá trị.
“Ở đây, cần có sự nhận diện trước rồi mới tiến hành kiểm kê, thực hiện xếp hạng, xây dựng hồ sơ. Cần xác định di tích, di sản nào cần bảo tồn, phục hồi khẩn cấp; di tích, di sản nào có thể thực hiện theo lộ trình. Bộ VHTTDL sẽ tạo điều kiện, hỗ trợ cho tỉnh hết sức trong vấn đề này”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho hay.
Một hướng đi khác được Bộ trưởng gợi mở là TP Huế cần phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan của Bộ VHTTDL, sớm triển khai các hoạt động cụ thể, xây dựng hồ sơ gia nhập Mạng lưới thành phố sáng tạo của UNESCO. Ngoài ẩm thực, Thừa Thiên Huế có thể trở thành thành phố sáng tạo về văn hóa truyền thống, cụ thể là áo dài. Việc có thêm thành phố gia nhập mạng lưới sẽ góp phần khẳng định thương hiệu quốc gia; đóng góp hiệu quả vào quảng bá văn hoá Việt Nam.
Bí Thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu tặng quà lưu niệm cho Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng