Tìm kiếm tin tức
Liên kết website
Sở, Ban, Ngành
UBND Huyện, Thị xã, Thành phố
Dấu ấn chính quyền điện tử & đô thị thông minh
Ngày cập nhật 04/12/2020

TTH - Là tỉnh dẫn đầu cả nước về ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong quản lý nhà nước, Thừa Thiên Huế đã và đang triển khai nhiều giải pháp xây dựng một chính quyền phục vụ, đô thị thông minh. Phấn đấu đến năm 2025 tiếp cận trình độ quản lý của các thành phố thông minh hiện đại trong khu vực và thế giới trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, du lịch.

 
Các đoàn khách nước ngoài đến tham quan mô hình đô thị thông minh tại Huế
Đi đầu xây dựng chính quyền điện tử
 
Những lúc thiên tai, dịch bệnh xảy ra, vai trò của Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh (IOC) tỉnh được phát huy. Trong các đợt phòng chống dịch bệnh COVID-19, IOC được xem là sở chỉ huy tiền phương, dựa trên những ứng dụng có sẵn và những ứng dụng mới phát triển, đồng loạt kích hoạt các ứng dụng để phòng, chống dịch. Những ứng dụng của IOC giúp cơ quan chức năng thực hiện tốt việc truy vết, ngăn chặn đối tượng nghi ngờ vào địa bàn, giúp chính quyền địa phương thu thập được tình trạng sức khỏe người dân, kiểm soát dịch tễ.
 
Những ngày mưa lũ vừa qua, IOC đã góp phần cùng cả tỉnh tích cực phòng chống, giảm nhẹ thiên tai thông qua việc cập nhật, đăng tải các điểm ngập lụt, phát đi những thông tin cảnh báo, ứng phó với thời tiết nguy hiểm để người dân biết, phòng tránh. Đồng thời, thông qua số điện thoại đường dây nóng, IOC điều phối kịp thời các thông tin cần ứng cứu, giúp đỡ của người dân vùng thấp trũng đến cơ quan chức năng. “Nếu như không có đường dây nóng 19001075 của IOC thì không biết bao giờ lực lượng chức năng mới đến đưa được vợ chồng chúng tôi đến nơi khô ráo trước khi mưa lũ ập đến”- cụ ông Nguyễn Đình Sang ở phường An Tây (TP. Huế) chia sẻ.
 
Thực hiện đề án xây dựng đô thị thông minh (ĐTTM), tỉnh đã triển khai ứng dụng dịch vụ ĐTTM Hue-S với “trái tim” điều hành là IOC. Giám đốc Trung tâm IOC Nguyễn Dương Anh cho biết: Trung tâm đi vào hoạt động từ tháng 8/2018 và là đầu mối triển khai các hệ thống dịch vụ ĐTTM theo cơ chế dùng chung, phân quyền chia sẻ. Trung tâm có nhiệm vụ triển khai các dịch vụ, tiếp nhận thông tin đầu vào từ xã hội, phân tích, xác minh và chuyển thông tin đến các cơ quan chức năng theo thẩm quyền. Hiện, Trung tâm đã đưa vào vận hành 10 dịch vụ và có 150 cơ quan chức năng của tỉnh tham gia các dịch vụ này.
 
Trung tâm IOC hình thành đã giúp chính quyền đô thị các cấp giám sát, xử lý giao thông hiệu quả; giám sát, quản lý hình ảnh phục vụ xử phạt vi phạm hành chính thông qua hình ảnh; quản lý các phương tiện công cộng; giám sát an ninh, an toàn trật tự tại các khu vực trung tâm, khu vực trọng yếu, khu di tích; tiếp nhận thông tin ý kiến phản ánh, đánh giá chất lượng dịch vụ hành chính công của người dân; tiếp nhận, hỗ trợ, giải đáp, tư vấn cho du khách về các vấn đề gặp phải khi du lịch trên địa bàn tỉnh.
 
Từ khi đi vào hoạt động đến nay, Trung tâm IOC đã xử lý gần 20.000 phản ánh của người dân và nhận được những phản hồi tích cực từ cộng đồng, góp phần đẩy mạnh quá trình xây dựng ĐTTM tại Thừa Thiên Huế.
 
Với những hiệu quả thực tế, Hue-S đã được Ban tổ chức Giải thưởng Viễn thông châu Á năm 2019 (Telecom Asia Awards 2019) vinh danh với hạng mục giải pháp thành phố thông minh sáng tạo châu Á và đoạt giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam năm 2019 ở hạng mục cơ quan Nhà nước chuyển đổi số xuất sắc.
 
Nâng cao chất lượng phục vụ người dân
 
Thừa Thiên Huế là một trong những địa phương đầu tiên xây dựng kiến trúc chính quyền điện tử (CQĐT) sau khi khung Chính phủ điện tử (CPĐT) được ban hành. Triển khai CQĐT, năm 2017, tỉnh đưa vào hoạt động Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, đồng thời đưa 9 trung tâm hành chính công cấp huyện vào hoạt động. Đây là nơi duy nhất tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) cho người dân, giúp người dân có thể đăng ký các TTHC, thực hiện thanh toán trực tuyến, đồng thời đăng ký tiếp nhận, trả kết quả giải quyết TTHC qua bưu điện.
 
Hệ thống quản lý văn bản và hồ sơ công việc đã liên thông được bốn cấp, trong đó có ba cấp ở địa phương và hệ thống cấp quốc gia; chữ ký số đã được cấp phát đến cơ quan hành chính cấp xã, đạt tỷ lệ gần 100%. Hệ thống cổng dịch vụ công đã được triển khai đến 100% cơ quan hành chính nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp huyện và cơ quan cấp xã; trong đó đã tích hợp các dịch vụ công ích, dịch vụ sự nghiệp, dịch vụ thanh toán trực tuyến và các dịch vụ ĐTTM.
 
Theo đánh giá của Bộ Thông tin và Truyền thông về mô hình CPĐT, chỉ số phát triển CPĐT cấp tỉnh của Thừa Thiên Huế luôn nằm trong tốp dẫn đầu toàn quốc, năm 2019 xếp thứ nhất toàn quốc về ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của chính quyền. Với những kết quả đó, năm 2019, tỉnh được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc biểu dương là một trong những địa phương đi đầu trong việc xây dựng CQĐT, ứng dụng CNTT vào công tác điều hành, quản lý cũng như công tác cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận các nguồn thông tin, thực hiện các dịch vụ công ngay từ cấp cơ sở.
 
Phát triển ĐTTM đã và đang trở thành xu thế tất yếu, là một cuộc cách mạng về quản lý đô thị. Quan điểm và định hướng của Thừa Thiên Huế là xây dựng CQĐT phải song hành với ĐTTM, do đó, tỉnh đã triển khai những bước đi ban đầu để phát triển ĐTTM. Theo đó, tỉnh xây dựng Đề án “Phát triển dịch vụ ĐTTM trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2025” với mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân và hoạt động của các doanh nghiệp thông qua việc áp dụng CNTT và truyền thông để hỗ trợ giải quyết kịp thời, hiệu quả các vấn đề được người dân, doanh nghiệp quan tâm.
 
Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ cho rằng, để có ĐTTM phải có mô hình quản lý điều hành hệ thống tốt. Thừa Thiên Huế đang thúc đẩy triển khai CQĐT hiện đại, ĐTTM một cách thực chất nhằm phục vụ người dân và doanh nghiệp, phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương, bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng. Lợi thế của Thừa Thiên Huế trong thời gian xây dựng CQĐT và ĐTTM là có một mô hình quản trị tốt, chuẩn hóa các hoạt động dịch vụ. Để nâng cao hiệu quả xây dựng CQĐT và phát triển dịch vụ ĐTTM, Thừa Thiên Huế rất quan tâm vấn đề hạ tầng kỹ thuật CNTT.
 
“Hiện tỉnh đã có chủ trương triển khai theo hướng hạ tầng dùng chung, tuy nhiên chỉ đầu tư đối với những hạ tầng có tính chất cốt lõi, còn lại sẽ thực hiện thuê dịch vụ trong phát triển hạ tầng CNTT. Việc này nhằm giảm gánh nặng ngân sách đầu tư, thuận tiện trong quản lý và bảo đảm an toàn, an ninh hệ thống; phấn đấu đến năm 2025 tiếp cận các thành phố thông minh hiện đại trong khu vực và thế giới trong các lĩnh vực y tế, giáo dục và du lịch. Để làm được việc này, đòi hỏi có sự tham gia từ nhiều thành phần, trong đó sự tham gia tích cực của xã hội, nhất là người dân, doanh nghiệp”- Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ nhấn mạnh.
www.thuathienhue.gov.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 3.786.665
Truy cập hiện tại 2.740