Tìm kiếm tin tức
Liên kết website
Sở, Ban, Ngành
UBND Huyện, Thị xã, Thành phố
Công điện khẩn về việc khắc phục hậu quả mưa lũ đặc biệt lớn và triển khai ứng phó với mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất
Ngày cập nhật 20/10/2020
Công điện khẩn về việc khắc phục hậu quả mưa lũ đặc biệt lớn và triển khai ứng phó với mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất
     
 
Các lực lượng chức năng phối hợp với người dân tiến hành gia cố đê bao, đắp bao cát tại các vị trí xâm thực
Các lực lượng chức năng phối hợp với người dân tiến hành gia cố đê bao, đắp bao cát tại các vị trí xâm thực
Ngày 20/10, UBND tỉnh đã ban hành Công điện số 15/CĐ-UBND ngày 20/10/2020 về việc khắc phục hậu quả mưa lũ đặc biệt lớn và triển khai ứng phó với mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất.
 
 

Công điện nêu rõ, từ ngày 06/10 đến 18/10, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện một tổ hợp hình thế thời tiết vô cùng cực đoan, ảnh hưởng hoàn lưu của 2 cơn bão và áp thấp nhiệt đới gây ra một đợt mưa lũ đặc biệt lớn. Lượng mưa trung bình toàn tỉnh trong đợt mưa vừa qua đạt 2.182 mm, có nơi cao hơn, Bạch Mã trên 3.000mm; A Lưới 2.757mm, bằng 78% tổng lượng mưa trung bình hàng năm. Mực nước trên sông Bồ tại Phú Ốc: +5,24m vượt đỉnh lũ lịch sử 1999 là 0,06m, sông Hương tại Kim Long + 4,17m trên báo động III là 0,67m; ngập lụt xảy ra trên diện rộng, ngập sâu, kéo dài.

Những ngày tới, mưa lũ còn diễn biến phức tạp, nguy cơ sạt lở đất, lũ quét tại các vùng miền núi ở mức cao tại các huyện: A Lưới, Nam Đông, Phú Lộc, Phong Điền, thị xã Hương Thủy, thị xã Hương Trà; sạt lở bờ biển, bờ sông, tình trạng ngập lụt sâu diện rộng, kéo dài xảy ra. Để hạn chế thiệt hại, bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu:

1. UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế

- Tổ chức cứu trợ lương thực, nước uống, nhu yếu phẩm cho người dân, nhất là đối với những hộ dân bị mất nhà cửa, những hộ ở vùng ngập sâu chia cắt dài ngày; tuyệt đối không để người dân thiếu đói, thiếu nước uống, không có chỗ ở.

- Kịp thời triển khai công tác khắc phục hậu quả sau mưa lũ, trong đó tập trung hỗ trợ người dân sửa chữa, dọn dẹp nhà cửa; dọn vệ sinh môi trường; tiêu độc khử trùng, không để dịch bệnh bùng phát sau mưa lũ.

- Tổ chức tốt việc thăm hỏi, động viên, hỗ trợ người dân vùng lũ, nhất là các gia đình bị thiệt hại do mưa lũ, gia đình cán bộ, chiến sỹ đã hy sinh, gia đình có người không may bị tử nạn, mất tích. Khẩn trương thực hiện các chế độ, chính sách tốt nhất đối với các gia đình chính sách, gia đình người bị nạn trong khi thực thi nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn, phòng chống thiên tai; hỗ trợ cứu chữa người bị thương; hỗ trợ tổ chức an táng chu đáo theo phong tục địa phương đối với những người không may bị tử nạn.

- Khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lũ vừa qua theo “phương châm 4 tại chỗ”, trong đó tập trung khôi phục công trình hạ tầng bị hư hỏng, đặc biệt là công trình hạ tầng dân sinh thiết yếu giao thông, thủy lợi, điện, nước, y tế, giáo dục để phục vụ sinh hoạt cho người dân.

- Tiếp tục duy trì thực hiện phương châm 4 tại chỗ, trong đó tập trung vào nội dung lương thực, thực phẩm, nước uống, phương tiện, thông tin liên lạc, thuốc chữa bệnh.

- Kiểm tra, rà soát ngay các khu dân cư, trụ sở cơ quan, nơi làm việc, nơi đóng quân của các đơn vị, kiên quyết di dời, sơ tán người, phương tiện và tài sản ra khỏi các khu vực nguy hiểm, nhất là những khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, ngập lụt sâu để bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân và nhà nước.

2. Sở Giao thông vận tải, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh huy động tối đa các phương tiện máy móc, trang thiết bị, nhân lực, phối hợp với Bộ Quốc phòng, Quân khu 4 khẩn trương tìm kiếm các nạn nhân đang còn mất tích tại khu vực Nhà máy thủy điện Rào Trăng 3 bảo đảm khẩn trương nhất và an toàn cho lực lượng cứu hộ cứu nạn.

3. Sở Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và thành phố Huế chỉ đạo dọn vệ sinh trường lớp; đồng thời theo dõi diễn biến mưa lũ để xử lý việc nghỉ học, đi học trở lại đảm bảo an toàn cho học sinh, cán bộ, giáo viên.

4. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các chủ đập, chủ đầu tư, nhà thầu thi công triển khai phương án đảm bảo an toàn hồ chứa và vùng hạ du, đặc biệt là các hồ chứa xung yếu, hồ đang thi công và hồ chứa nhỏ; chuẩn bị các điều kiện để phục vụ sản xuất vụ Đông Xuân 2020-2021.

5. Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh tổ chức mua bổ sung vật tư dự trữ để điều động khi có yêu cầu.

6. Sở Y tế chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương, đơn vị tiêu độc khử trùng, phòng chống dịch bệnh; tổ chức đảm bảo cung ứng, dự trữ đầy đủ thuốc chữa bệnh, hóa chất xử lý môi trường, trang thiết bị, phương tiện cấp cứu.

7. Sở Thông tin và Truyền thông kiểm tra, bảo đảm hệ thống thông tin liên lạc vô tuyến điện, điện thoại vệ tinh phục vụ công tác Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn giữa các đơn vị trên địa bàn; tiếp tục chỉ đạo điều hành hệ thông tổng đài 19001075 hỗ trợ nhân dân.

8. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Tỉnh đoàn Thừa Thiên Huế, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Hội Chữ thập đỏ các cấp, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp phát động tổng vệ sinh môi trường theo phương châm “nước xuống đến đâu làm vệ sinh đến đó”.

9. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh, Công an tỉnh, các địa phương sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để kịp thời triển khai ứng cứu khi có yêu cầu.

10. Đối với sự cố tràn dầu tàu JAKARTA, giao Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chủ trì chỉ huy điều hành, phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường, Công an tỉnh, Sở Công Thương, UBND huyện Phú Lộc và các sở, ban, ngành liên quan triển khai các biện pháp ngăn ngừa ô nhiễm môi trường, huy động lực lượng, trang thiết bị  tham gia ứng cứu. Phối hợp với Trung tâm Ứng phó sự cố tràn dầu khu vực miền Trung để xử lý tràn dầu trong trường hợp xảy ra sự cố.

11. Công ty Cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Huế huy động tối đa lực lượng, phương tiện, phối hợp với lực lượng địa phương thu gom rác thải, dọn sạch bùn đất, đảm bảo vệ sinh môi trường; nạo vét hố ga khơi thông dòng chảy.

12. Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế tổ chức kiểm tra gia cố hệ thống điện và có phương án đảm bảo an toàn lưới điện cấp điệp trở lại; có phương án đảm bảo nguồn điện phục vụ chỉ đạo phòng chống thiên tai.

13. Chủ công trình các hồ chứa nước thuỷ lợi, thuỷ điện tổ chức trực ban theo dõi, quan trắc diễn biến của mưa lũ, thực hiện nghiêm túc Quy trình vận hành đơn hồ và liên hồ chứa đã được phê duyệt đảm bảo vận hành tuyệt đối an toàn công trình và an toàn vùng hạ du.

14. Chủ đầu tư các công trình đang thi công có phương án đảm bảo an toàn cho người, phương tiện, thiết bị, vật tư thi công; rút toàn bộ người, phương tiện ra khỏi khu vực nguy cơ sạt lở đất, vùng ngập úng; đảm bảo an toàn công trình kiểm tra phương án chống va trôi đảm bảo công trình vùng hạ du, bố trí biển báo tại các khu vực có nguy cơ sạt lở đất, đá để hướng dẫn đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông đi qua khu vực hiện trường thi công dở dang. 

15 . Các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 giờ sẵn sàng ứng phó với mọi diễn biến xấu của thời tiết có thể xảy ra.

Yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức triển khai thực hiện các nội dung nêu trên. Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp chịu trách nhiệm toàn diện về công tác phòng chống mưa lũ trong cơ quan, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp của mình./.

www.thuathienhue.gov.vn
Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 3.785.806
Truy cập hiện tại 2.454