Tìm kiếm tin tức
Liên kết website
Sở, Ban, Ngành
UBND Huyện, Thị xã, Thành phố
CÔNG ĐIỆN KHẨN SỐ 17/CĐ-UBND NGÀY 26/10/2020 CỦA CHỦ TỊCH UBND TỈNH Về việc triển khai ứng phó với bão số 9
Ngày cập nhật 27/10/2020

Theo tin từ Đài Khí tượng thủy văn tỉnh, sáng nay (26/10), bão Molave đã đi vào Biển Đông và trở thành cơn bão số 9 trong năm 2020.
Hồi 07 giờ, vị trí tâm bão ở khoảng 13,3 độ Vĩ Bắc, 120,3 độ Kinh Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (115-135km/giờ), giật cấp 14. Hồi 08 giờ, vị trí tâm bão ở khoảng 13,2 độ Vĩ Bắc; 119,9 độ Kinh Đông, cách đảo Song Tử Tây khoảng 650km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (115-135km/giờ), giật cấp 14. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 250km tính từ tâm bão; bán kính gió mạnh từ cấp 10, giật từ cấp 12 trở lên khoảng 100km tính từ tâm bão.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20-25km và tiếp tục mạnh thêm. Đến 07 giờ ngày 27/10, vị trí tâm bão ở khoảng 13,7 độ Vĩ Bắc, 115,0 độ Kinh Đông, cách đảo Song Tử Tây khoảng 270km về phía Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12-13 (115-150km/giờ), giật cấp 15. Vùng nguy hiểm do bão trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): từ Vĩ tuyến 11,0 đến 17,0 độ Vĩ Bắc; từ kinh tuyến 112,0 đến 120,0 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió giật mạnh.

Tại tỉnh Thừa Thiên Huế dự báo từ ngày 27/10 đến ngày 29/10, bão số 9 có thể gây mưa to đến rất to (200-350mm/đợt). Hoàn lưu sau bão kết hợp với không khí lạnh có thể gây mưa lớn kéo dài, cần đề phòng lũ quét, sạt lở đất. Vùng ven biển có gió mạnh cấp 7, cấp 8, giật cấp 9, sóng cao từ 2-4m. Biển động mạnh. Tình hình thời tiết trong những ngày cuối tháng 10 còn diễn biến phức tạp.  

Để chủ động ứng phó với bão số 9, mưa lớn diện rộng hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản và tính mạng của nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu:

1. Các địa phương, cơ quan, đơn vị tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão số 9 và tình hình mưa lũ để chủ động ứng phó kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra. Rà soát phương án, sẵn sàng lực lượng, phương tiện ứng phó với các tình huống, sự cố bất thường; chủ động chỉ đạo triển khai các biện pháp ứng phó theo chức năng, nhiệm vụ được giao. 

Đình hoãn các cuộc họp không liên quan đến công tác chỉ đạo phòng, chống bão, lũ cho đến khi bão tan. Lãnh đạo các sở, ban, ngành và các thành viên Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các cấp tổ chức đi kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo công tác ứng phó theo địa bàn đã được phân công.

2. Tiếp tục hướng dẫn neo đậu và có phương án đảm bảo an toàn cho tàu, thuyền tại các khu neo đậu, các cảng Thuận An, Chân Mây. Tạm dừng việc xử lý tràn dầu tàu JAKARTA mắc cạn, bị gãy tại bãi Chuối dưới chân đèo Hải Vân; tàu Công Thành 27 đang chìm tại vùng biển xã Vinh Hiền, huyện Phú Lộc; có phương án tổ chức tìm kiếm các nạn nhân thủy điện Rào Trăng 3 đảm bảo an toàn cho toàn bộ lực lượng, phương tiện cứu nạn khu vực này.

3. Ủy ban nhân dân các huyện thị xã và thành phố Huế.
- Khẩn trương khắc phục hậu quả các đợt mưa lũ vừa qua.
- Tổ chức tiếp nhận phân bổ hàng hóa, vật tư hỗ trợ mưa lũ cho nhân dân.
- Tiếp tục thực hiện phương châm 4 tại chỗ trong ứng phó mưa bão.
- Tổ chức sơ tán dân vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở ở vùng núi, vùng gò đồi, vùng ven sông suối, ven biển, các vùng thấp trũng, ngập úng đô thị để bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của Nhân dân và Nhà nước. Việc sơ tán dân hoàn thành trước 15h ngày 27/10/2020.
- Chỉ đạo các phòng ban chức năng, các địa phương rà soát các đối tượng dễ bị tổn thương: trẻ em, người cao tuổi, phụ nữ đang mang thai hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi, người khuyết tật, người bị bệnh hiểm nghèo để chủ động sơ tán đến nơi an toàn trước thời điểm bão vào. 
- Triển khai cắt tỉa cây xanh; đảm bảo an toàn hệ thống lưới điện, cơ sở hạ tầng trong điều kiện gió bão mạnh. 
- Khẩn trương gia cố đảm bảo an toàn nhà ở, cơ sở giáo dục, trường học, y tế, công sở, các khu công nghiệp; đảm bảo an toàn hệ thống cần cẩu đang thi công; hệ thống thông tin liên lạc, các cột anten trên địa bàn tỉnh.

4. Sở Giáo dục và Đào tạo theo dõi sát diễn biến mưa bão thực tế tại địa phương để chủ động cho học sinh nghỉ học đảm bảo an toàn.

5. Sở Y tế chỉ đạo các phòng ban chức năng hướng dẫn các địa phương, đơn vị tiêu độc khử trùng, phòng chống dịch bệnh; tổ chức dự trữ đầy đủ thuốc chữa bệnh, hóa chất xử lý môi trường, trang thiết bị, phương tiện, dụng cụ cấp cứu; phòng ngừa dịch bệnh Covid 19.

6. Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức kiểm tra, vận hành thử hệ thống thông tin liên lạc vô tuyến điện dự phòng phục vụ công tác Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn giữa các đơn vị trên địa bàn; tiếp tục chỉ đạo điều hành hệ thông tổng đài 19001075 hỗ trợ nhân dân.

7. Công an tỉnh, Sở Giao thông vận tải rà soát, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường hàng không; bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông các khu vực ngập sâu, nước chảy xiết; sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính; nghiêm cấm các phương tiện giao thông lưu thông khi mưa lũ, gió mạnh xảy ra.  

8. Ban Quản lý khu kinh tế công nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế chủ động theo dõi tình hình diễn biến mưa bão đặc biệt là khu vực Chân Mây - Lăng Cô để thông báo, hướng dẫn cho các công nhân viên các khu công nghiệp nghỉ làm việc để đảm bảo an toàn. 

9. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Công ty TNHH Nhà nước 1 Thành viên quản lý khai thác công trình thủy lợi tỉnh, các chủ đập, chủ đầu tư, nhà thầu thi công triển khai phương án đảm bảo hồ chứa và vùng hạ du, hồ đang thi công và hồ chứa nhỏ; chỉ đạo Ban quản lý đầu tư và xây dựng thủy lợi 5 kiểm tra đảm bảo an toàn công trình đầu mối đập Tả Trạch. 

Chỉ đạo Chi cục Thủy sản, Ban Quản lý cảng cá tỉnh phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh quản lý các tàu thuyền đã vào bờ neo đậu an toàn tại bến, hướng dẫn neo đậu an toàn và quản lý chặt ghe thuyền bãi ngang ven biển. 

Gia cố đảm bảo an toàn cho các lồng, bè trên sông, đầm phá và các ao, hồ nuôi thủy sản cao triều, hạ triều ven biển, ven sông, suối. Kiên quyết không để người ở lại trên tàu, thuyền, lồng bè. Hoàn thành trước 18 giờ ngày 27/10/2020.

Chi cục Chăn nuôi thú y có phương án bảo vệ, di chuyển các trang trại chăn nuôi an toàn; bảo đảm an toàn cho các trạm kiểm lâm khu vực miền núi.

 10. Sở Công Thương và các địa phương khẩn trương tổ chức kiểm tra các vật tư, thiết bị vận hành cửa van, hệ thống điện dự phòng, thông tin liên lạc, lương thực, thực phẩm, y tế các công trình hồ thủy điện trên địa bàn tỉnh như: Bình Điền, Hương Điền, Bitexco Tả Trạch, A Lưới, A Roàng, Thượng Lộ, A Lin Thượng, A LinB2.  

Đối với các công trình thuỷ điện đang thi công dở dang, công trình chưa được phép tích nước, các công trình không đảm bảo điều kiện vận hành an toàn không được vận hành phát điện, duy trì cửa van ở trạng thái mở hoàn toàn (Rào Trăng 4, Thượng Nhật, cụm dự án A Lin B1, Sông Bồ); kiểm tra các công trình thủy điện đang thi công thực hiện các nội dung phương án đảm bảo vận hành an toàn công trình và an toàn vùng hạ du theo quy định tại Nghị định số 114/2018/NĐ-CP ngày 04/9/2018 của Chính phủ về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước. 

11. Các chủ công trình hồ chứa nước thuỷ lợi, thuỷ điện (đặc biệt là các hồ vùng cát, hồ đang thi công dỡ dang và hồ thủy điện mới tích nước) tổ chức trực ban theo dõi diễn biến của mưa lũ, thực hiện nghiêm túc Quy trình vận hành đã được phê duyệt đảm bảo vận hành an toàn công trình và an toàn vùng hạ du; phải thông báo sớm cho các địa phương cảnh báo nhân dân vùng hạ du khi vận hành điều tiết xả lũ.

Các chủ đập thực hiện nghiêm túc vận hành các hồ chứa nước để đưa dần về mực nước đón lũ theo quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hương đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tránh gây lũ đột biến cho vùng hạ du. Thủy điện A Lưới sớm thông báo điều tiết về hạ du huyện Kà Lừm, tỉnh Sê Kông, Nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào. 

12. Chủ đầu tư các công trình đang thi công có phương án đảm bảo an toàn cho người, phương tiện, thiết bị, vật tư thi công; rút toàn bộ người, phương tiện ra khỏi khu vực nguy cơ sạt lở đất, vùng ngập úng; đảm bảo an toàn công trình kiểm tra phương án chống va trôi đảm bảo công trình vùng hạ du, bố trí biển báo tại các khu vực có nguy cơ sạt lở đất, đá để hướng dẫn đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông đi qua khu vực hiện trường thi công dở dang.  

13. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh, Công an tỉnh, các địa phương sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để kịp thời triển khai ứng cứu khi có yêu cầu. 

14. Tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 giờ sẵn sàng ứng phó với mọi diễn biến xấu của thời tiết có thể xảy ra./.

 

www.thuathienhue.gov.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 3.657.850
Truy cập hiện tại 1.516