Ngày 24/11, Hội nghị Cấp cao Thành phố thông minh 2020 (Smart City Summit) lần thứ 4 theo hình thức trực tuyến đã chính thức khai mạc thu hút khoảng 1.000 đại biểu theo dõi trên các nền tảng trực tuyến với 27 điểm cầu tại nhiều địa phương và kết nối các chuyên gia quốc tế đến từ Malaysia, Thailand. Chương trình do Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) điều phối, Bộ Thông tin và Truyền thông bảo trợ. Tại điểm cầu tỉnh Thừa Thiên Huế, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình đã tham dự cùng đại diện lãnh đạo các sở ngành có liên quan.
Đây là diễn đàn tạo điều kiện cho cơ quan quản lý, chuyên gia, học giả, cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số của Việt Nam và quốc tế chia sẻ, đóng góp kinh nghiệm trong việc xây dựng, phát triển đô thị thông minh.
Tại hội nghị, các đại biểu được cung cấp chương trình, kế hoạch xây dựng thành phố thông minh của Chính phủ; định hướng và tiêu chuẩn công nghệ thông tin trong xây dựng đô thị thông minh (ĐTTM) tại Việt Nam; những thực trạng, vướng mắc, chính sách trong triển khai xây dựng ĐTTM hiện nay. Đồng thời thảo luận, trao đổi, chia sẻ giải pháp chuyên sâu về hoàn thiện chính sách xây dựng ĐTTM; kinh nghiệm xây dựng và triển khai ĐTTM; hạ tầng số cho ĐTTM; thúc đẩy doanh nghiệp tham gia xây dựng ĐTTM tại Việt Nam; xây dựng và quản lý quy hoạch nguồn nhân lực công nghệ thông tin, đảm bảo đáp ứng yêu cầu khi triển khai thực hiện...
Ông Trương Gia Bình - Chủ tịch VINASA cho biết, Hội nghị Thành phố thông minh (Smart City Summit) là sự kiện quốc gia và quốc tế được tổ chức hàng năm nhằm thúc đẩy hợp tác, xây dựng và phát triển thành phố thông minh cho các thành phố tại Việt Nam và trên thế giới.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình đã có những phát biểu tại Hội nghị và chia sẻ về những kinh nghiệm triển khai các giải pháp Chính quyền số tại Thừa Thiên Huế.
Theo đó, trong thời gian qua, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế đã rất quan tâm và chỉ đạo các sở, ngành triển khai quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển và chuyển đổi từ Chính quyền điện tử sang Chính quyền số, cụ thể là đã xây dựng hạ tầng CNTT và truyền thông đồng bộ. Tỉnh Thừa Thiên Huế đã triển khai đồng bộ mạng truyền số liệu chuyên dùng cho 100% các cơ quan nhà nước từ tỉnh đến cấp xã nhằm thống nhất phương pháp kết nối mạng máy tính giữa các đơn vị nhằm triển khai ổn định, an toàn các hệ thống thông tin của tỉnh. Tỉnh cũng đã dần dần xây dựng hoàn thiện hạ tầng Trung tâm dữ liệu đặt tại Sở Thông tin và Truyền thông nhằm lưu trữ, xử lý dữ liệu lớn - BigData và triển khai các hệ thống thông tin dùng chung của tỉnh và các dịch vụ đô thị thông minh.
Tỉnh đã xây dựng và triển khai các ứng dụng từ tỉnh đến xã như các hệ thống ứng dụng phục vụ quản lý, điều hành. Bên cạnh đó, Dịch vụ đô thị thông minh đã đưa vào vận hành 10 dịch vụ gồm: Dịch vụ phản ánh hiện trường; Dịch vụ thông tin cảnh báo; Dịch vụ giám sát đô thị thông qua cảm biến camera; Dịch vụ giám sát thông tin báo chí; Dịch vụ giám sát hành chính công; Dịch vụ giám sát quảng cáo điện tử; Dịch vụ giám sát hồ đập, môi trường; Dịch vụ giám sát tàu cá; Dịch vụ thẻ điện tử; Dịch vụ giám sát an toàn thông tin mạng. Thực tiễn vận hành các dịch vụ đã và đang góp phần nâng cao chất lượng, đổi mới phương thức hoạt động quản lý nhà nước, cũng như gia tăng mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với hoạt động của chính quyền.
Tỉnh cũng đã xây dựng các quy định, quy chế. Thành lập Ban chỉ đạo xây dựng Chính quyền điện tử, Chuyển đổi số và đô thị thông minh tỉnh và tổ công tác giúp việc Ban chỉ đạo. Đã ban hành “Kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh Thừa Thiên Huế phiên bản 2.0” làm nền tảng để triển khai Chính quyền điện tử, hướng đến Chính quyền số trong tương lai. Ban hành các đề án, chương trình lớn để định hướng triển khai như: Chương trình Chuyển đổi số tỉnh Thừa Thiên Huế; Đề án phát triển dịch vụ đô thị thông minh...