Ngày 03 tháng 9 năm 2020, UBND xã ban hành Kế hoạch số 269/KH-UBND về việc xây dựng đề án sáp nhập thôn trên địa bàn xã Quảng Vinh.
I. Mục đích, yêu cầu
1. Mục đích
Đánh giá thực trạng tổ chức và hoạt động của thôn trên địa bàn từ đó phát huy những ưu điểm, khắc phục những tồn tại, hạn chế nhằm tinh gọn bộ máy, nâng cao chất lượng của những người hoạt động không chuyên trách ở thôn.
2. Yêu cầu
Việc rà soát, đánh giá thực trạng tổ chức thôn phải cụ thể, chính xác, khách quan làm cơ sở cho việc kiện toàn bộ máy và các tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở;
Quá trình triển khai thực hiện các nội dung kế hoạch và việc xây dựng phương án sáp nhập thôn phải đảm bảo khoa học, phù hợp với điều kiện tại địa phương, tôn trọng phong tục tập quán và nguyện vọng chính đáng của nhân dân;
Cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể từ xã đến thôn phải nhận thức chủ trương, quan điểm đúng đắn của Trung ương, của tỉnh, huyện đề từ đó có trách nhiệm tuyên truyền, vận động nhân dân đồng thuận trong việc thực hiện đề án sáp nhập thôn trên địa bàn xã quy định tại Thông tư số 01/VBHN-BNV ngày 16 tháng 4 năm 2019 của Bộ Nội vụ.
II. Nội dung, phương pháp thực hiện.
1. Xây dựng Đề án sáp nhập các thôn trên địa bàn xã để thành lập thôn mới.
Qua rà soát, hiện trạng trên địa bàn toàn xã có 14 thôn trong đó có 07 thôn có dưới 250 hộ theo quy định (thôn Đức Trọng; thôn Đồng Bào; thôn Ô Sa; thôn Lai Lâm, thôn Trọng Đức; thôn Cao Xá; thôn Phe Ba). Tuy vậy qua xem xét về mặt địa lý hành chính, cộng đồng dân cư các thôn có khả năng phát triển dân cư trên 250 hộ đó là thôn Đồng Bào hiện nay 147 hộ/552 khẩu, có điều kiện phát triển hộ dân tăng lên do hiện trạng hàng năm hộ đấu đất tăng theo tuyến tỉnh lộ 11A và trong nhân dân; Thôn Đức Trọng hiện nay 178 hộ/754 khẩu, có điều kiện phát triển hộ dân tăng lên do khu trung tâm thương mại dịch vụ xã đã được quy hoạch hàng năm số hộ dân đấu đất tăng; thôn Ô Sa hiện nay 173 hộ/696 khẩu là thôn có mặt địa lý độc lập xa với các thôn trên địa bàn xã, thôn Đông Lâm hiện nay 291 hộ/1060 khẩu. Còn lại có 06 thôn có đủ điều kiện để lập Đề án sáp nhập thôn và thành lập 03 thôn mới đó là:
- Đề án sáp nhập thôn Sơn Tùng (452 hộ, 1664 khẩu) và Thôn Phe Ba ( 71 hộ, 273 khẩu) thành lập thôn mới: Sơn Tùng-Phe Ba; tổng số 523 hộ, 1937 khẩu.
- Đề án sáp nhập thôn Lai Trung (225 hộ, 817 khẩu ) và Thôn Cao Xá (65 hộ, 272 khẩu) thành lập thôn mới: Lai Trung-Cao Xá; tổng số 290 hộ, 1089 khẩu.
- Đề án sáp nhập thôn Cổ Tháp (191 hộ, 781 khẩu) và Thôn Lai Lâm ( 87 hộ, 287 khẩu) thành lập thôn mới: Cổ Tháp - Lai Lâm tổng số 278 hộ, 1068 khẩu.
2. Hoàn thành Dự thảo Đề án.
Chậm nhất đến ngày 05/09/2020, UBND xã phải hoàn thành Dự thảo đề án để tổ chức lấy ý kiến nhân dân các thôn vào cuối tháng 9/2020.
3. Tổ chức lấy ý kiến nhân dân
3.1. UBND tổ chức triển khai kế hoạch tại xã
Thành phần mời:
- Đại diện Thường vụ Đảng ủy, Thường trực HĐND và đại diện TT.UBMTTQVN xã; đại diện Thường trực các hội, đoàn thể của xã.
- Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn, Trưởng Ban Công tác mặt trận thôn.
- Thời gian thực hiện: từ ngày 05/9/2020 đến ngày 25/9/2020.
3.2. Tổ chức lấy ý kiến nhân dân các thôn liên quan
Phân công các đồng chí phụ trách ở 03 tổ chỉ đạo dự họp các thôn:
Bước 1: Họp hệ thống chính trị ở thôn
Thành phần:
Ở xã: Tổ chỉ đạo được phân công
Ở thôn: Chi uỷ, Trưởng thôn, Phó trưởng thôn, Trưởng ban công tác mặt trận thôn, Chi hội trưởng các hội đoàn thể, Bí thư đoàn thanh niên, đại diện những người có uy tín trong thôn.
Chủ tọa hội nghị: Đại diện lãnh đạo xã ( Được phân công) và Trưởng thôn là người được UBND xã ủy quyền để trình bày Dự thảo Đề án sáp nhập, thành lập thôn mới.
Bước 2: Họp từng thôn để lấy ý kiến nhân dân từng thôn.
+ Thành phần:
Ở xã: Tổ chỉ đạo được phân công
Ở thôn:
- Chi uỷ, Trưởng thôn, Phó trưởng thôn, Trưởng ban công tác mặt trận thôn, Chi hội trưởng các hội đoàn thể, Bí thư đoàn thanh niên, đại diện những người có uy tín trong thôn.
- Toàn thể cử tri hoặc đại diện hộ gia đình trong thôn;
Chủ tọa hội nghị: Trưởng thôn là người được UBND xã ủy quyền để trình bày Dự thảo Đề án sáp nhập, thành lập thôn mới.
Lấy phiếu ý kiến đại diện hộ gia đình
Bước 3: Báo cáo kết quả việc triển khai tổ chức thực hiện cho UBND xã.
- Nếu kết quả lấy ý kiến nhân dân lần 1 có trên 50% số cử tri hoặc cử tri đại diện hộ gia đình trong thôn tán thành thì UBND xã hoàn chỉnh hồ sơ để trình Hội đồng nhân dân xã thông qua tại kỳ họp gần nhất.
- Trường hợp nếu kết quả lấy ý kiến nhân dân lần 1 không được trên 50% số cử tri hoặc cử tri đại diện hộ gia đình trong thôn tán thành thì UBND xã tổ chức lấy ý kiến nhân dân lần 2; nếu vẫn không được trên 50% số cử tri hoặc cử tri đại diện hộ gia đình trong thôn tán thành thì trong thời hạn 05 ngày làm việc, UBND xã có văn bản báo cáo UBND huyện xem xét, quyết định.
4. Trình Hội đồng nhân dân xã thông qua
Khi việc lấy ý kiến nhân dân các thôn đều được trên 50% số cử tri hoặc cử tri đại diện hộ gia đình trong thôn tán thành thì UBND xã hoàn chỉnh hồ sơ để trình Hội đồng nhân dân xã thông qua (trước HĐND xã kỳ họp gần nhất).
5. Hoàn chỉnh Hồ sơ trình UBND huyện
Sau khi được Hội đồng nhân dân xã thông qua, UBND xã có trách nhiệm hoàn chỉnh hồ sơ theo quy định để trình UBND huyện.
III. Tổ chức thực hiện
1. Ủy ban nhân dân xã
Giao trách nhiệm cho Văn phòng UBND xã tham mưu các văn bản, kế hoạch triển khai thực hiện và Dự thảo Đề án sáp nhập các thôn nêu trên để thành lập thôn mới.
Tổng hợp kết quả lấy ý kiến nhân dân về việc sáp nhập thôn trên địa bàn xã, thành lập thôn mới và các hồ sơ thủ tục liên quan để trình HĐND xã thông qua củng như báo cáo UBND huyện xem xét, giải quyết.
Tham mưu phân công lãnh đạo xã trực tiếp chủ trì Hội nghị lấy ý kiến nhân dân các thôn liên quan về Dự thảo Đề án sáp nhập thôn có dưới 250 hộ và thành lập thôn mới.
2. Trưởng thôn các thôn liên quan
Trưởng thôn có trách nhiệm báo cáo với Bí thư Chi bộ, phối hợp với Ban Công tác Mặt trận thôn phân công để làm tốt công tác tuyên truyền, vận động; chuẩn bị các nội dung để tổ chức hội nghị lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo Để án sáp nhập các thôn nêu trên để thành lập thôn mới đảm bảo thời gian. Chú trọng việc vận động cử tri của thôn tham gia hội nghị.
3. Báo cáo với Đảng ủy, Thường trực HĐND xã, Thường trực UBMTTQVN xã chỉ đạo các Chi bộ, Ban Công tác mặt trận các thôn liên quan trong việc chỉ đạo, phối hợp thực hiện tốt kế hoạch.
Trên đây là kế hoạch triển khai thực hiện Đề án sáp nhập thôn trên địa bàn xã Quảng Vinh để thành lập thôn mới của UBND xã./.
Nội dung có trong File đính kèm