Sáng ngày 12/1, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã tổ chức dự Hội nghị tổng kết năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021. Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng; Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam dự Hội nghị. Tham dự tại điểm cầu tỉnh Thừa Thiên Huế có UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương và lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông.
Sứ mệnh lớn
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, sự di chuyển từ thế giới thực vào thế giới số là sự di chuyển vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại. Trong cuộc di chuyển này, thách thức lớn và cơ hội lớn luôn đi song hành. Công nghệ số, chuyển đổi số và báo chí truyền thông có vai trò đặc biệt quan trọng trong sự chuyển đổi này. Ngành TT&TT chưa bao giờ có sứ mệnh lớn lao như bây giờ. Và đây cũng là cơ may hiếm có để ngành TT&TT định vị lại mình, nhìn rõ các thách thức và xác định đúng không gian sống mới đóng vai trò quyết định cho mọi sự phát triển.
Nếu bưu chính là chuyển phát thư và bưu kiện thì bưu chính sẽ vẫn là bưu chính. Nhưng nếu bưu chính là bảo đảm dòng chảy vật chất bên cạnh dòng chảy dữ liệu, là nền tảng để hỗ trợ mọi cá nhân, mọi hộ gia đình có thể kinh doanh, có thể tiếp cận thị trường toàn quốc và toàn cầu, thì bưu chính là nền tảng giúp người dân kinh doanh làm giàu và thoát nghèo. Và vì thế, không gian sống của bưu chính, sứ mệnh mới của bưu chính là vô cùng lớn lao.
Nếu viễn thông vẫn tiếp tục là hạ tầng thông tin liên lạc thì viễn thông sẽ vẫn là viễn thông. Nhưng nếu viễn thông là hạ tầng của nền kinh tế số, là hạ tầng của lưu trữ và xử lý dữ liệu, là hạ tầng cung cấp công nghệ như dịch vụ tới mọi người, mọi doanh nghiệp để giúp họ sáng tạo sản phẩm thì viễn thông đã trở thành hạ tầng SXKD của nền kinh tế số. Không gian mới, sứ mệnh mới của viễn thông đã và đang dần hình thành.
Nếu ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vẫn tiếp tục là tự động hoá các hoạt động cũ thì sẽ vẫn là ứng dụng CNTT. Nhưng nếu ứng dụng CNTT là sử dụng công nghệ số để chuyển đổi số, để thay đổi mô hình vận hành thì CNTT thực sự là một cuộc cách mạng giúp nhân loại di chuyển từ thế giới thực vào thế giới số.
Nếu lĩnh vực công nghiệp ICT (công nghệ thông tin, điện tử viễn thông) vẫn là lắp giáp, gia công, làm thuê thì lĩnh vực này cẫn như cũ. Nhưng nếu công nghiệp ICT là Make in Viet Nam, là phát triển các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, là làm chủ công nghệ, là thiết kế, là sáng tạo và làm ra tại Việt Nam, là giải bài toán giúp Việt Nam phát triển và từ đây đi ra chinh phục thế giới, là biến Việt Nam thành quốc gia công nghệ, là tăng trưởng gấp 2-4 lần tăng trưởng GDP cả nước, là động lực, là lời giải đưa Việt Nam thành hùng cường thịnh vượng, trở thành nước phát triển thu nhập cao vào năm 2045, thì lĩnh vực công nghiệp ICT đã nhận về mình một sứ mệnh hoàn toàn mới, hoàn toàn không như cũ nữa.
Nếu báo chí vẫn tiếp tục là đưa tin ai, ở đâu, làm gì, khi nào thì báo chí vẫn như cách đây hàng trăm năm. Nhưng nếu báo chí là phản ánh trung thực dòng chảy chính của xã hội, tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước ngấm sâu vào từng người dân, lan toả năng lượng tích cực, tạo đồng thuận và niềm tin xã hội, khơi dậy khát vọng Việt Nam hùng cường thịnh vượng, góp phần tạo ra sức mạnh tinh thần cho Việt Nam bứt phá vươn lên trở thành nước phát triển thu nhập cao, thì báo chí đã nhận về mình một sứ mệnh mới. Bất kỳ quốc gia nào đã hoá rồng, hoá hổ thì đều là dựa vào sức mạnh tinh thần là chính. Mà sức mạnh này chỉ được kích hoạt khi quốc gia có một giấc mơ lớn, một khát vọng lớn. Dự thảo Đại hội XIII của Đảng đã đặt ra khát vọng này. Nhiệm vụ của báo chí là khơi dậy khát vọng này ở tất cả mọi người dân Việt Nam và từ khát vọng này thành sức mạnh tinh thần, và từ sức mạnh tinh thần này thành hành động phát triển đất nước.
Công nghiệp ICT trở thành ngành xuất siêu lớn nhất của nền kinh tế
Theo báo cáo của Bộ TT&TT, trong năm qua, tất cả gần 60.000 các đơn vị trong ngành, trên 1 triệu cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong toàn ngành đã làm việc ngày đêm, góp phần vào sự phát triển đất nước.
Trong giai đoạn 2016-2020, ngành TT&TT đã đạt được nhiều kết quả minh chứng bằng nhưng con số thật sự ấn tượng, khẳng định tinh thần “Nói được là Làm được”, góp phần tạo nên tự hào Việt Nam, nâng thứ hạng Việt Nam trên trường quốc tế. Đó là, bưu chính tăng hạng từ thứ 57 lên thứ 49; ICT tăng hạng từ thứ 108 lên thứ 77; Chính phủ điện tử tăng hạng từ thứ 89 lên thứ 86. Đặc biệt, an toàn, an ninh mạng tăng hạng đột phá từ thứ 100 lên thứ 50. Tổng số nhân lực tham gia hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp ICT tăng từ 780.000 lên hơn 1 triệu người.
Lĩnh vực bưu chính luôn có mức tăng trưởng cao, tăng trưởng doanh thu trung bình trên 30%/năm. Năm 2020 vừa qua, chúng ta đã thử nghiệm thành công thương mại mạng và dịch vụ viễn thông 5G.
Việt Nam trong nhóm 10 quốc gia có mức độ triển khai địa chỉ Internet thế hệ mới cao nhất toàn cầu. Thứ hạng viễn thông Việt Nam đã nâng 31 hạng, từ 108 năm 2018 lên 77 năm 2020.
Đặc biệt trong giai đoạn 2016-2019, Việt Nam đã vươn lên trở thành một trong những nước dẫn đầu thế giới về sản xuất công nghiệp phần cứng, điện tử - viễn thông; đứng thứ 2 về sản xuất điện thoại và linh kiện, thứ 10 thế giới về sản xuất điện tử và linh kiện, vượt qua nhiều cường quốc như Hoa Kỳ, Đức, Ấn Độ, Brazil, Singapore. Đây cũng là 2 mặt hàng chiếm vị trí số 1 và 3 trong danh sách 10 sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, đưa ngành công nghiệp ICT Việt Nam trở thành ngành xuất khẩu và xuất siêu lớn nhất của nền kinh tế.
Năm 2020 đánh dấu mốc lần đầu tiên Việt Nam công bố chính thức về định hướng phát triển doanh nghiệp công nghệ số, chiến lược Make in Viet Nam. Số doanh nghiệp công nghệ số tăng 28%, đạt gần 60.000 doanh nghiệp.