Sáng chủ nhật (14/03), tại làng cổ Phước Tích, huyện Phong Điền đã diễn ra lễ phát động hưởng ứng phong trào “Mai vàng trước ngõ”. Đến dự và tham gia lễ phát động, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ nhấn mạnh, huyện Phong Điền sẽ là một trong những địa phương trọng điểm của tỉnh trong việc khôi phục, phát triển mai vàng xứ Huế; Phong trào “Ngày Chủ nhật xanh”, “Mai vàng trước ngõ” sẽ đi sâu vào trong mỗi tiềm thức, suy nghĩ của người dân và du khách gần xa. Qua đó, góp phần đưa Thừa Thiên Huế trở thành xứ sở mai vàng của Việt Nam, tạo điểm nhấn về cảnh quan sinh thái nhân văn truyền thống của vùng đất Cố đô.
Ngay từ sáng sớm, tại làng cổ Phước Tích, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ cùng với lãnh đạo UBND huyện Phong Điền, người dân đã trồng 2000 cây mai vàng một năm tuổi nhằm xây dựng cảnh quan sinh thái, hình thành rừng mai trong thời gian tới, từ đó tạo điểm nhấn cho du khách mỗi khi đến làng cổ Phước Tích tham quan du lịch vào những ngày tết đến xuân về.
Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ hoan nghênh sự hưởng ứng của chính quyền huyện Phong Điền và người dân làng cổ Phước Tích trong việc thực hiện Phong trào “Ngày Chủ nhật xanh”, “Mai vàng trước ngõ”. Từ đó hướng đến mục tiêu bảo tồn phát huy giá trị vốn có của làng cổ Phương Tích, một làng cổ cảnh quan, sinh thái, thân thiện với môi trường. Đồng thời, mỗi người dân Phước Tích không ngừng bảo vệ và phát huy di sản, làm cho cảnh quan làng cổ ngày càng xanh – sạch – sáng; điểm nhấn độc đáo cho du khách gần xa.
Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ phát biểu tại buổi lễ
Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ chia sẻ, cây mai vàng không còn xa lạ với mỗi người dân. Tuy nhiên, một thời gian dài, do ảnh hưởng của thị hiếu, sự phát triển đô thị nên loài hoa này dần mai một. Vì vậy, việc khôi phục được cây Mai vàng trong mỗi cơ quan, gia đình, làng xóm là một việc làm vô cùng cấp thiết. Bên cạnh đó, phát triển mai Huế còn giúp tạo thêm thu nhập cho nông dân và người trồng hoa.
“Mỗi độ tết đến xuân về, các gia đình có trồng mai lại chăm chút lặt từng lá để hoa mai nở rộ đúng vào dịp tết; cùng với việc quây quần bên nồi bánh trưng, bánh tét đã trở thành nét văn hóa truyền thống độc đáo. Đặc biệt, truyền thống đó đã có sẵn, hun đúc trong mỗi gia đình, mỗi con người. Vì vậy, tại sao chúng ta không khơi dậy, phát huy nét đẹp văn hóa vốn có đấy!” – Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ nói.
Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ tham gia trồng cây mai vàng
Để làm được những vấn đề nêu trên, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ nhấn mạnh, trong thời gian tới, các đơn vị, địa phương sẽ tập trung thực hiện vào 7 nhiệm vụ trọng tâm gồm: mỗi cơ quan, nhà dân trồng từ 1- 2 cây Mai vàng; nghiên cứu đề án về giống Mai tiến tới xây dựng những vườn ươm giống mai Huế; xây dựng và phát triển thương hiệu Mai Huế và đề tài nghiên cứu khoa học về khai thác và phát triển nguồn Gen giống Hoàng mai Huế; xây dựng đường (vườn) mai, rừng mai; hình thành câu lạc bộ “Những người yêu Mai Huế”; tổ chức “Festival Mai Huế” vào mùa xuân hàng năm; hướng đến Huế là xứ sở Mai Vàng của Việt Nam.
Trên cơ sở đặc thù về lịch sử, văn hóa di sản, mô hình thành phố trực thuộc Trung ương Thừa Thiên Huế đang được đề xuất có nét riêng biệt trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị cố đô và bản sắc văn hóa Huế; là sự phát triển tiếp nối, bảo đảm hài hòa và cân bằng giữa quá khứ và hiện tại, bảo tồn và phát triển, truyền thống và hiện đại, nông thôn và thành thị…Vì vậy, môi trường sẽ một mục tiêu quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của Thừa Thiên Huế trong giai đoạn tới, hướng đến môi trường, cảnh quan xanh – sạch – đẹp.
Người dân hưởng ứng phong trào trồng cây mai vàng