Có dịp về Quảng Điền, cùng với các địa điểm di tích lịch sử văn hóa truyền thống như Khu lưu niệm Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Khu lưu niệm và công viên nhà thơ Tố Hữu và nhiều danh lam thắng cảnh khác, mời bạn ghé thăm làng chài Ngư Mỹ Thạnh – làng chài ven phá Tam Giang, xã Quảng Lợi - nơi có truyền thống đánh bắt nuôi trồng thủy sản lâu nay với nhiều đặc sản phong phú hấp dẫn cùng với việc tham quan, trải nghiệm du lịch đầm phá hết sức độc đáo.
Ngôi làng Ngư Mỹ Thạnh, xã Quảng Lợi hiện nay là một địa điểm du lịch thu hút du khách đến trải nghiệm đánh bắt thủy sản và tự tay mình chế biến các món ăn, chợ nổi, "check in" làng Bích Họa Ngư Mỹ Thạnh và các dịch vụ khác liên quan. Sau một hồi du thuyền dọc ngang phá Tam Giang, thăm thú và check in với không gian mênh mông sông nước, những rặng đước rừng ngập mặn, du khác tự mình trải nghiệm công việc đổ nò, sáo, đánh bắt trên phá Tam Giang, không gì thú vị bằng ghé lại một quán ăn nào đó nằm cạnh bến đò ngang, thưởng thức những đặc sản quý hiếm mà chỉ ở đầm phá Tam Giang mới có. Hoặc du khách có thể tự tay chế biến và thưởng thức các món dân dã theo sự hướng dẫn của ngư dân, như trìa hấp, cá dìa hấp, cá nướng, tôm đất nướng xiên. Cá, tôm, ghẹ tươi roi rói đặc biệt thơm ngọt chế biến thành những món ăn dân dã. Trong đó có những món ăn được hiệp hội du dịch cộng đồng Việt Nam đưa vào danh sách giới thiệu đặc sản vùng miền cả nước như tôm đất rang muối, trìa phá Tam Giang nướng mỡ hành, lệt cơm um măng.
Du khách trải nghiệm chèo thuyền sup trên phá Tam Giang Quảng Điền
Chị Nguyễn Như Hiếu, một người dân sống ven phá Tam Giang huyện Quảng Điền chia sẻ: “Những người dân sống ven phá Tam Giang như chúng tôi được thiên nhiên ưu đãi và ban tặng nhiều đặc sản có giá trị và người dân được hưởng lợi khá lớn từ nguồn đầm phá mang lại. Hiện nay, cùng với việc đánh bắt khai thác nguồn lợi thủy hải sản trên vùng đầm phá, tất cả người dân đều có ý thức bảo vệ tái tạo nguồn lợi để khai thác hợp lý và lâu dài kết hợp. Mỗi người dân ở làng Ngư Mỹ Thạnh đang phấn đấu là một hướng dẫn viên du lịch của làng để hướng dẫn du khách tham quan, trải nghiệm các hoạt động trên vùng đầm phá cũng như tự tay chế biến và thưởng thức các món ăn từ đặc sản của đầm phá mang lại”
Đầm phá Tam Giang có tới 163 loài cá, riêng ở vùng đầm phá Tam Giang của huyện Quảng Điền có hơn 100 loài tôm cua cá, bao gồm cả cá nước lợ lẫn cá nước ngọt và cả cá di cư theo mùa. Những loại cá ngon nổi tiếng của nơi đây như: cá dầy, cá đối, cá dìa, cá hanh, cá mú, cá nâu, cá bống, cá vược, cá chình… các loài thủy sản phong phú, tạo sinh kế cho bao gia đình từ xưa đến nay. Người dân vùng ven phá Tam Giang từ xưa đến nay chủ yếu sinh sống bằng nghề đánh bắt thủy – hải sản. Vì thế, những phiên chợ nổi trên phá luôn nô nức; nhộn nhịp tiếng người hòa với tiếng sông nước; ở nơi đây có phiên chợ nổi Ngư Mỹ Thạnh được xem là ngôi chợ nổi đặc sắc nhất Huế, là một trong những hoạt động mà khi đến với phá Tam Giang, mỗi du khách đều mong muốn được trải nghiệm.
Ông NguyễnVăn Ty – chi hội nghề cá Ngư Mỹ Thạnh cho biết: Khoảng 15 năm về trước, vùng đầm phá có nhiều loài thủy hải sản có giá trị kinh tế cao như các loại cá: đối, nâu, dìa. Do khai thác nguồn lợi thủy sản bằng các nghề cào, lừ, khiến nguồn lợi thủy sản cạn kiệt dần, các loài thủy sản nguy cơ tuyệt chủng cao. Đến nay, qua nhiều năm được tuyên truyền vận động và được sự hỗ trợ của cấp trên cùng chính quyền địa phương về thành lập các khu bảo vệ thủy sản cùng với việc tổ chức thả tái tạo nguồn thủy sản trên vùng đầm phá nên các chủng loại thủy sản vẫn phong phú sinh sôi, phát triển. Bà con ngư dân đã bỏ thói quen đánh bắt bằng lưới lừ chuyển sang nuôi trồng và đánh bắt gắn với bảo vệ môi trường đầm phá, cũng chính vì vậy, trong những năm gần đây, nhiều loại thủy sản có nguy cơ tận diệt đã quay trở lại đầm phá như cá ong bù, cá nâu, cá hanh, cá tràng.
Việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên phá Tam Giang trong nhiều năm qua đã tạo điều kiện các loại thảm thực vật, rong, cỏ... phát triển tốt, đây chính là nguồn thức ăn và là nơi trú ẩn của các loại cá. Ngư dân thôn ở các thôn vùng đầm phá của huyện Quảng Điềncòn đứng ra thành lập đội tự quản để bảo vệ bình yên và môi trường cho phá Tam Giang, xử lý nhiều trường hợp thuyền khai thác hủy diệt thủy sản từ nơi khác đến hoạt động trên phá Tam Giang. Điều này nhằm góp phần vào công tác bảo vệ môi trường sinh thái trên phá Tam Giang, đồng thời, người dân cũng được hưởng lợi phát triển kinh tế dựa trên nhu cầu đánh bắt nuôi trồng thủy sản và phát triển du lịch cộng đồng.
Cũng như dòng sông Hương, phá Tam Giang cũng là một địa danh từ lâu cũng đi vào thơ, nhạc, họa… Mặt nước mùa hè hiền hòa mênh mang một không gian rộng lớn hoang sơ tạo nên vô vàn cảnh đẹp ngoạn mục những sớm bình minh hay khi ráng chiều. Từ nhu cầu thực tế, gần đây dịch vụ cho thuê thuyền sup được phát triển ngay tại khu dịch vụ Cồn Tộc xã Quảng Lợi, huyện Quảng Điền. Với mỗi chiếc thuyền sup có thể chở từ 2-3 người, du khách mỗi người sẽ tự cầm mái chèo, tự mình xuôi thuyền ngắm bình minh hay hoàng hôn trên phá, tận hưởng cảm giác thoải mái, thoáng đãng nơi vùng phá Tam Giang này mang lại, đó cũng là một trải nghiệm tuyệt vời dành cho bất kỳ ai đến với phá Tam Giang mùa hè này. Đến nơi đây chắc chắn rằng mỗi người đều sẽ có cảm nhận riêng với cảnh sắc hữu tình và những món ngon đặc sản đậm chất đầm phá không nơi nào có được./.