Qua 01 tháng triển khai, với tinh thần khẩn trương, quyết liệt, BHXH tỉnh Thừa Thiên Huế đã triển khai các chính sách hỗ trợ đến với người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, đến nay, nhiều người lao động (NLĐ) và người sử dụng lao động (SDLĐ) trên địa bàn đã được thụ hưởng chính sách hỗ trợ về BHXH, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) và các chính sách hỗ trợ khác theo tinh thần Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 07/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ. Cổng Thông tin điện tử UBND tỉnh có bài phỏng vấn ông Nguyễn Xuân Tiếu, Phó Giám đốc BHXH tỉnh về nội dung này.
PV: Để tiếp tục đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp và NLĐ giảm bớt khó khăn, cùng chung tay thực hiện thắng lợi mục tiêu kép vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội vừa phòng, chống dịch hiệu quả, BHXH Thừa Thiên Huế đã có những giải pháp gì để thực hiện các nội dung nêu trên, thưa ông?
Ông Nguyễn Xuân Tiếu, Phó Giám đốc BHXH tỉnh:
Ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP và Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg, thực hiện chỉ đạo của BHXH Việt Nam, BHXH Thừa Thiên Huế đã khẩn trương, quyết liệt triển khai nhiều giải pháp thực hiện các công việc liên quan. Với tinh thần chủ động, kịp thời để đạt được mục tiêu cao nhất là đưa chính sách hỗ trợ của Nhà nước đến từng người tham gia, thụ hưởng chính sách BHXH, BHTN nên việc triển khai đảm bảo trong thời gian nhanh nhất, tạo thuận lợi tối đa nhất cho người SDLĐ và NLĐ, góp phần tháo gỡ khó khăn cho đơn vị, doanh nghiệp, bảo đảm an sinh xã hội, ứng phó với đại dịch Covid-19 theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
BHXH tỉnh đã quán triệt công chức, viên chức, NLĐ tuân thủ các quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và BHXH Việt Nam trong việc thực hiện các chính sách hỗ trợ của Chính phủ đối với doanh nghiệp và NLĐ. Coi đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, quan trọng, cần tập trung ưu tiên thực hiện trong giai đoạn hiện nay. Việc áp dụng công nghệ thông tin đã kịp thời đưa các chính sách hỗ trợ thiết thực của Chính phủ đến với NLĐ, người SDLĐ gặp khó khăn do đại dịch một cách thuận lợi, đơn giản nhất.
Ngoài việc phân công, theo dõi nắm bắt, đôn đốc, cán bộ BHXH đã nhiệt tình hướng dẫn các doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 sớm lập hồ sơ để được giải quyết việc tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất theo quy định. BHXH tỉnh quán triệt viên chức, nhân viên tuyệt đối không phát sinh thêm thủ tục, hồ sơ ngoài quy định tại Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg; không để hồ sơ quá hạn. Trường hợp hồ sơ còn thiếu, có sai sót, cán bộ BHXH kịp thời hướng dẫn, không để tình trạng hồ sơ chuyển đi, chuyển lại nhiều lần.
Trên cơ sở hướng dẫn của BHXH Việt Nam tại Công văn số 1988/BHXH-TST, ngày 08/7/2021, BHXH Thừa Thiên Huế đã ban hành Công văn số 648/BHXH-QLT hướng dẫn thực hiện giảm mức đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp; tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất; lập, xác nhận danh sách lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương hoặc ngừng việc do đơn vị gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 tại địa phương. Đến ngày 20/7, BHXH tỉnh đã hoàn tất các thủ tục, gửi thông báo đến 1.633 đơn vị sử dụng lao động, tương ứng 113.076 lao động với số tiền tạm tính được điều chỉnh giảm vào quỹ BHTNLĐ, BNN 36 tỷ 273 triệu đồng (từ tháng 7/2021 đến tháng 6/2022).
Khi nhận được quyết định về việc hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho NLĐ của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội theo quy định tại Điều 12 Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg, BHXH tỉnh thực hiện chuyển ngay kinh phí để doanh nghiệp hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho NLĐ, nhằm duy trì việc làm bền vững của đơn vị, doanh nghiệp. Về vấn đề này, BHXH tỉnh cũng đã chủ động phối hợp chặt chẽ với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội giải quyết các thủ tục liên quan theo đúng quy định.
BHXH tỉnh cũng đã kịp thời thực hiện xác nhận và trả ngay hồ sơ trong ngày danh sách NLĐ tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương; danh sách NLĐ ngừng việc; danh sách lao động ngừng việc do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và danh sách NLĐ được người SDLĐ đề nghị vay vốn để trả lương phục hồi sản xuất theo quy định tại Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg để đơn vị, doanh nghiệp, NLĐ có đủ hồ sơ đề nghị cơ quan có thẩm quyền thực hiện các chính sách hỗ trợ nhằm ổn định đời sống, hoặc vay vốn để duy trì, phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị, doanh nghiệp.
Việc giảm thời gian giải quyết hồ sơ; đơn giản hoá thủ tục; đa dạng hình thức nộp hồ sơ; tăng cường giao dịch điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin, làm thêm giờ… được áp dụng triệt để nhằm góp phần đưa các chính sách hỗ trợ thiết thực của Chính phủ đến với NLĐ và doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất. BHXH tỉnh chỉ đạo phòng nghiệp vụ khi nhận được hồ sơ đề nghị giải quyết các chính sách của đơn vị thì thực hiện giải quyết trong thời gian ngắn nhất có thể, có những hồ sơ giải quyết không quá 01 ngày làm việc. Trường hợp hồ sơ còn thiếu, có sai sót thì chuyển lại ngay để đơn vị bổ sung, hoàn thiện.
Bên cạnh đó, BHXH tỉnh cũng đã chú trọng đẩy mạnh công tác truyền thông nhằm thông tin kịp thời, đầy đủ kết quả thực hiện các chính sách hỗ trợ thuộc thẩm quyền của cơ quan BHXH; tăng cường công tác tư vấn, hướng dẫn, giải đáp vướng mắc của NLĐ và doanh nghiệp trong việc thụ hưởng các chính sách hỗ trợ của Chính phủ.
BHXH tỉnh cũng đã chú trọng đẩy mạnh công tác truyền thông nhằm thông tin kịp thời, đầy đủ kết quả thực hiện các chính sách hỗ trợ thuộc thẩm quyền của cơ quan BHXH; tăng cường công tác tư vấn, hướng dẫn, giải đáp vướng mắc của NLĐ và doanh nghiệp trong việc thụ hưởng các chính sách hỗ trợ của Chính phủ.
PV: Thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, BHXH Thừa Thiên Huế đã triển khai đồng loạt các giải pháp để hỗ trợ tốt nhất các doanh nghiệp, người lao động như đơn giản hoá tối đa các thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ trong ngày... Một trong các giải pháp quyết liệt, hiệu quả được ngành BHXH tập trung đẩy mạnh triển khai đó là ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong hàng loạt dịch vụ công (DVC) và các quy trình, phần mềm nghiệp vụ của Ngành. Ông có thể chia sẻ thêm về nội dung này không ạ?
Ông Nguyễn Xuân Tiếu, Phó Giám đốc BHXH tỉnh:
Giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin đặc biệt phát huy hiệu quả, góp phần hạn chế tiếp xúc, tránh lây lan dịch trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp như hiện nay. Không những vậy, việc thực hiện các thủ tục hành chính thông qua Cổng DVC BHXH Việt Nam và Cổng DVC Quốc gia đã giải quyết nhanh chóng, kịp thời, công khai, minh bạch, chính xác, đúng người hưởng, không bị trùng lặp, không có tình trạng trục lợi chính sách; giảm việc đi lại, tiếp xúc của người dân và doanh nghiệp với cơ quan BHXH trong việc giải quyết chế độ, chính sách, nhằm hạn chế khả năng lây lan dịch.
Ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP, BHXH Việt Nam đã kịp thời bổ sung, điều chỉnh quy trình, chức năng trên phần mềm nghiệp vụ, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, bao gồm: Quản lý đơn vị giảm mức đóng bảo hiểm TNLĐ-BNN; Xác nhận danh sách NLĐ tham gia theo hồ sơ quy định tại Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg do đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân gửi qua Cổng DVC Quốc gia; Quản lý đơn vị tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất; Chuyển kinh phí hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề;... Đồng thời, đẩy mạnh triển khai cung cấp các DVC trên Cổng DVC BHXH Việt Nam, tại địa chỉ https://dichvucong.baohiemxahoi.gov.vn và yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ kê khai BHXH điện tử (I-VAN) cung cấp trên các phần mềm của I-VAN, gồm 6 DVC đó là: Tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất (đã cung cấp từ tháng 4/2020 theo quy định của Nghị quyết số 42/NQ-CP về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19). Hỗ trợ NSDLĐ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho NLĐ. Hỗ trợ NLĐ tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động (HĐLĐ), nghỉ việc không hưởng lương. Hỗ trợ NLĐ ngừng việc. Hỗ trợ NSDLĐ vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất. Giải quyết giảm mức đóng bảo hiểm TNLĐ-BNN.
Nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho NLĐ và NSDLĐ trong việc tiếp cận các chính sách hỗ trợ theo tinh thần Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, BHXH Việt Nam đã phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các đơn vị liên quan, kết nối, tích hợp cung cấp 5/7 DVC trực truyến hỗ trợ NLĐ, NSDLĐ gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 trên Cổng DVC Quốc gia. Cụ thể: Hỗ trợ NLĐ tạm hoãn HĐLĐ, nghỉ việc không hưởng lương; Hỗ trợ NSDLĐ vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất; Hỗ trợ NLĐ ngừng việc; Hỗ trợ NLĐ chấm dứt HĐLĐ nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; Tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí tử tuất. Để sử dụng các DVC này: NLĐ và người SDLĐ đăng nhập Cổng DVC Quốc gia tại địa chỉ https://www.dichvucong.gov.vn, vào mục “Hỗ trợ các đối tượng gặp khó khăn do đại dịch COVID-19” và làm theo hướng dẫn.
PV: Xin ông cho biết kết quả sau 01 tháng triển khai thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg tại Thừa Thiên Huế.
Ông Nguyễn Xuân Tiếu, Phó Giám đốc BHXH tỉnh:
Sau khi BHXH tỉnh thực hiện xong việc gửi thông báo điều chỉnh mức đóng 0% vào quỹ bảo hiểm TNLĐ, BNN cho 1.633 đơn vị SDLĐ, tương ứng 113 nghìn lao động với số tiền tạm tính được điều chỉnh giảm vào quỹ bảo hiểm TNLĐ, BNN (từ tháng 7/2021 đến tháng 6/2022) khoảng 36 tỷ đồng. Đến nay, BHXH tỉnh đã thực hiện rà soát, đối chiếu và giảm số tiền đóng vào quỹ TNLĐ-BNN là 473,438 triệu đồng cho 79.568 NLĐ ở 2.482 đơn vị; Đã tiếp nhận, rà soát và xác nhận cho 23 NLĐ ở 01 đơn vị được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí tử tuất với số tiền là 21,8 triệu đồng; Đã xác nhận danh sách lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương, lao động ngừng việc cho 104 NLĐ ở 12 đơn vị; Đã xác nhận cho 379 NLĐ ở 01 đơn vị để người SDLĐ đề nghị vay vốn để trả lương phục hồi sản xuất.
Hy vọng với những cố gắng, tinh thần trách nhiệm, sự chủ động của lãnh đạo, viên chức toàn đơn vị trong việc hỗ trợ NLĐ, người SDLĐ, sẽ góp phần tháo gỡ khó khăn cho NLĐ, giúp doanh nghiệp có thêm điều kiện để phục hồi, duy trì hoạt động sản xuất, đẩy lùi dịch Covid-19, sớm ổn định kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân./.