Tìm kiếm tin tức
Liên kết website
Sở, Ban, Ngành
UBND Huyện, Thị xã, Thành phố
Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết năm học 2020-2021, triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022
Ngày cập nhật 30/08/2021
 
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị
Ngày 28/8/2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết năm học 2020-2021, triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022 do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức. Tham dự Hội nghị trực tuyến tại điểm cầu tỉnh Thừa Thiên Huế có Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ; UVTV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình cùng đại diện các sở, ban, ngành có liên quan.
 
 

Hoàn thành mục tiêu kép trong năm học đặc biệt

Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, năm học 2020-2021, đứng trước những yêu cầu và thách thức mới, ngành đã linh hoạt ứng phó, chuyển trạng thái hoạt động, hoàn thành cơ bản các nhiệm vụ. Báo cáo nêu một số kết quả nổi bật như đã hoàn thành mục tiêu kép, vừa bảo đảm an toàn phòng chống dịch, vừa hoàn thành kế hoạch năm học và bảo đảm chất lượng giáo dục.

Từ kinh nghiệm của năm học trước, Bộ đã kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương và cơ sở giáo dục đại học triển khai nhiệm vụ trong điều kiện dịch bệnh. Các địa phương, các cơ sở giáo dục đã điều chỉnh linh hoạt kế hoạch dạy học, tổ chức dạy học qua internet và trên truyền hình; điều chỉnh hình thức kiểm tra, đánh giá; bảo đảm an toàn cho học sinh, sinh viên. Nhiều cơ sở giáo dục đại học đã tích cực tham gia cùng địa phương và cả nước trong các hoạt động phòng chống dịch.

Báo cáo của Bộ cũng nhấn mạnh những kết quả về tiếp tục hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước; sắp xếp, quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục, đào tạo hợp lý hơn. Chất lượng giáo dục các cấp học và hiệu quả hoạt động giáo dục được nâng lên. Đẩy mạnh thực hiện tự chủ đại học, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp. Tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, bảo đảm chất lượng các hoạt động giáo dục và đào tạo. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục, đào tạo. Nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo và hội nhập quốc tế.

Nêu rõ những vướng mắc, hạn chế, Bộ GD&ĐT xác định các phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm học 2021-2022, theo đó, tập trung thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển giáo dục đào tạo. Đổi mới quản lý nhà nước theo hướng tăng phân cấp, phân quyền, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, bảo đảm vai trò kiến tạo để phát triển giáo dục.

Chuyển đổi trạng thái hoạt động của ngành giáo dục thích ứng với tình hình mới, gắn với đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản lý giáo dục, nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động dạy học và kiểm tra, đánh giá theo hình thức trực tuyến. Chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch năm học 2021-2022 linh hoạt, phù hợp với thực tế địa phương. Phối hợp với ngành y tế chủ động xây dựng các kịch bản, giải pháp cho tình huống dịch COVID-19 kéo dài và diễn biến phức tạp.

Tại Hội nghị, lãnh đạo các địa phương nhắc lại những khó khăn rất lớn trong năm học vừa qua, nhất là do tác động của dịch bệnh và thiên tai nặng nề cuối năm 2020. Tuy nhiên, các cấp, các ngành, đội ngũ giáo viên, học sinh và toàn xã hội đã nỗ lực, cố gắng vượt qua những khó khăn, thách thức, hoàn thành năm học theo phương châm “tạm dừng đến trường, không dừng học”…

Các ý kiến đều khẳng định quyết tâm cao để vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ quản lý nhà nước, nâng cao chất lượng giáo dục – đào tạo. Rà soát, hoàn thiện cơ chế chính sách trong việc xã hội hóa giáo dục, tháo gỡ các nút thắt, tạo hành lang pháp lý cho việc thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư cho phát triển giáo dục và đào tạo. Đổi mới phương pháp và đa dạng hóa hình thức dạy học theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực cho học sinh. Đa dạng hóa các chương trình giáo dục thường xuyên đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng của người dân…

Nhiều khó khăn, vướng mắc được nêu ra tại Hội nghị đã được lãnh đạo các bộ ngành và đích thân Thủ tướng Chính phủ giải đáp, gợi ý hướng giải quyết.


 

 

Tại điểm cầu Thừa Thiên Huế

Giáo dục và Đào tạo của tỉnh Thừa Thiên Huế đạt được nhiều kết quả

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Thanh Bình đã báo cáo một số kết quả thực hiện nhiệm vụ năm học 2020-2021 và phương hướng nhiệm vụ năm học 2021-2022 trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế cũng như có một số đề xuất kiến nghị với Chính phủ và Bộ GD&ĐT.

Theo đó, năm học 2020-2021, chất lượng giáo dục mầm non, phổ thông của tỉnh nhà đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ; các cơ sở giáo dục đào tạo trên toàn tỉnh đã hoàn thành chương trình và kết thúc năm học 2020-2021 đúng theo kế hoạch. Công tác đổi mới giáo dục từ việc chọn SGK và tổ chức dạy học, công tác đào tạo, tập huấn bồi dưỡng giáo viên đáp ứng đảm bảo chương trình đổi mới phổ thông 2018; việc tổ chức thực hiện chương trình sách giáo khoa lớp 1 đạt kết quả chất lượng tốt. Tổ chức dạy học linh hoạt bằng nhiều hình thức, hoàn thành năm học đúng kế hoạch và có nhiều thành tích trên nhiều lĩnh vực, học sinh đạt giải quốc gia, quốc tế tăng về cả số lượng và chất lượng (đạt Huy chương Bạc Châu Á Thái Bình Dương và Huy chương Bạc Quốc tế bộ môn Tin), học sinh tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT đạt 98, 52% và không có học sinh phải thi đợt hai vì ảnh hưởng của dịch Covid - 19. Tỉnh đã phối hợp Bộ Giáo dục và Đào tạo đăng cai tổ chức thành công cuộc thi sáng tạo Khoa học kỹ thuật Quốc gia trong điều kiện dịch bệnh COVID-19 phức tạp. Và có sản phẩm tham dự thi quốc tế tại Hoa Kỳ đạt giải khuyến khích đặc biệt thuộc lĩnh vực Toán học do Hiệp hội Toán Hoa kỳ trao tặng. Nhiều chương trình dạy học trên truyền hình được tổ chức thực hiện đã góp phần vào hình thành kho học liệu bài giảng Internet được Bộ sử dụng cho dạy học từ xa trong điều kiện tăng cường các hình thức dạy học khi học sinh không đến trường. Công tác chuyển đổi số trong giáo dục triền khai hiệu quả, phù hợp với tình hình hiện nay. Tỉnh Thừa Thiên Huế có 66,7% trường học đạt chuẩn quốc gia, cao hơn mặt bằng chung toàn quốc gần 10%.

Năm học mới 2021-2022, Tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban ngành thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để đảm bảo các điều kiện triển khai dạy học năm học mới và hướng tới đảm bảo thực hiện các mục tiêu theo chỉ đạo của Bộ GD&ĐT. Trong đó linh hoạt chủ động thực hiện Kế hoạch giáo dục năm học 20201-2022. Chủ động tổ chức dạy học ngay từ đầu năm học nhưng phải chú ý các giải pháp an toàn trong điều kiện dịch bệnh Covid – 19 diễn biến phức tạp. Tỉnh đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục phối hợp với cơ quan y tế tổ chức khử khuẩn, đảm bảo vệ sinh môi trường; kiểm tra, soát xét cơ sở vật chất, thiết bị dạy học... lên các phương án chuẩn bị sẵn sàng đón học sinh và giáo viên trở lại trường; thực hiện việc chuẩn bị triển khai dạy học trên truyền hình đối với các khối lớp thực hiện chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới (lớp 1, lớp 2 và lớp 6); dạy online đối với các khối và các vùng bị giãn cách phong tỏa và dạy trực tiếp đối với các vùng an toàn theo phương châm tranh thủ thời gian vàng để dạy học trực tiếp.

Bên cạnh đó, Tỉnh tiếp tục chú trọng quan tâm chương trình đổi mới phổ thông, chuẩn bị các điều kiện tiếp tục thực hiện sách giáo khoa mới với các khối 3, 7 và 10. Tổ chức rà soát quy hoạch mạng lưới trường lớp phù hợp với quy hoạch tỉnh và đảm bảo ổn định phát triển giáo dục trên địa bàn. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tiếp tục quan tâm xây dựng hoàn chỉnh cơ sở dữ liệu ngành, kết nối liên thông phục vụ phát triển kinh tế số, xã hội số mà trước hết đáp ứng nâng cao hiệu quả ứng dựng công nghệ thông tin vào quản lí, tổ chức dạy học kiểm tra đánh giá, góp phần vào thực hiện thành công đổi mới giáo dục. Tập trung các nguồn lực để chủ động triển khai thực hiện các nhiệm vụ về đổi mới chương trình, sách giáo khoa lớp 2, lớp 6 năm học 2021 - 2022. Chú trọng điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị và đội ngũ giáo viên đáp ứng nhu cầu đổi mới Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Tiếp tục tăng cường đầu tư cơ sở vật chất trường lớp cho các cấp học, trong đó đặc biệt chú trọng đầu tư các hạng mục công trình nhà vệ sinh văn minh, hiện đại; xây dựng cảnh quan môi trường; hệ sinh thái giáo dục thông minh, xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia.

Tỉnh Thừa Thiên Huế cũng kiến nghị Chính phủ và Bộ GD&ĐT một số vấn đề liên quan đến Chiến lược phát triển giáo dục và đào tạo giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn đến 2045; về cơ chế tuyển dụng đặc thù áp dụng riêng cho Ngành giáo dục để tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp loại giỏi vào Ngành giáo dục và thu hút học sinh giỏi vào Ngành sư phạm... Bên cạnh đó là đề nghị quan tâm hỗ trợ nguồn lực phát triển cơ sở vật chất; hỗ trợ nguồn lực giúp tỉnh có điều kiện đi tiên phong xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ thông tin (chuyển đổi số) trong giáo dục hiệu quả. Quan tâm hỗ trợ cơ sở vật chất và tạo điều kiện để Đại học Huế phát triển thành Đại học Quốc gia. Và xây dựng Huế thành thành phố Giáo dục theo mô hình của thành phố Di sản.

Vượt qua nghịch cảnh của dịch bệnh để vươn lên

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các ý kiến phát biểu rất tâm huyết, trách nhiệm, sát thực tế, đầy bản lĩnh về những kết quả chủ yếu đạt được, những vướng mắc, hạn chế trong triển khai nhiệm vụ năm học 2020-2021 và những việc cần làm trong thời gian tới. Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp thu để hoàn chỉnh báo cáo, triển khai nhiệm vụ trên tinh thần nghiêm túc, cầu thị lắng nghe, phát huy những kết quả đã đạt được, kịp thời phát hiện, thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, khuyết điểm và tập trung khắc phục.

Thủ tướng bày tỏ vui mừng khi giáo dục Việt Nam ngày càng khẳng định vị thế như cải thiện vị trí xếp hạng các trường đại học trong các bảng xếp hạng quốc tế, tham gia các kỳ thi Olympic quốc tế và khu vực đạt được thứ hạng cao, thể hiện được trí tuệ và sức sáng tạo của người Việt Nam ta. 

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng biểu dương những thành tựu của toàn ngành năm học vừa qua. Thủ tướng cũng mong muốn các đồng chí dự Hội nghị truyền tải thông điệp về sự ghi nhận, đánh giá cao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đến toàn thể thầy cô giáo, các nhà quản lý giáo dục trên toàn quốc đã vượt qua nghịch cảnh của dịch bệnh để thực hiện tốt sự nghiệp “trồng người”.

Năm học mới và những năm học tới còn rất nhiều khó khăn, thách thức, nhiều vấn đề mới, phức tạp chưa thể hình dung hết. Do đó, cần nhìn nhận khách quan tình hình, không chủ quan, lơ là, thỏa mãn, phải xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, bám sát thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo, thống nhất nhận thức, quyết liệt hành động để thực hiện các nhiệm vụ.

Bên cạnh những kết quả tích cực, cũng cần nhìn thẳng vào những hạn chế để có giải pháp trong thời gian tới. Thủ tướng đề nghị lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu, có giải pháp tháo gỡ những yếu kém, khuyết điểm, bất cập trong những lĩnh vực, ngành mình, địa phương mình phụ trách. Những vấn để vượt thẩm quyền thì báo cáo đề xuất, kiến nghị cấp có thẩm quyền, trong đó có Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, xem xét giải quyết.

Nhân dịp này, Thủ tướng kêu gọi các thầy cô, phụ huynh, học sinh và toàn thể nhân dân nêu cao tinh thần chống dịch “mình vì mọi người, mọi người vì mỗi người " và thông điệp “tất cả vì tương lai con em chúng ta”.

 

www.thuathienhue.gov.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 3.736.824
Truy cập hiện tại 2.565