Đó là chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương tại cuộc họp trực tuyến toàn tỉnh Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 vào sáng nay (13/9).
Chủ tịch UBND tỉnh hoan nghênh các địa phương có điều kiện, sau khi công dân hoàn thành cách ly tập trung đã bố trí vị trí, khu vực riêng để cách ly cho công dân khi trở về địa phương, hạn chế việc lây lan cho người thân trong gia đình, hàng xóm, kiểm soát không để dịch bệnh lây lan trong cộng đồng. Đề nghị các địa phương phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo tùy theo tình hình thực tế địa phương để áp dụng các biện pháp cách ly, giám sát dịch bệnh có hiệu quả. Công tác xét nghiệm cho công dân cách ly tại nhà phải được thực hiện sau 3 ngày từ khi trở về từ khu cách ly tập trung hoặc muộn nhất thì sau 7 ngày để chúng ta chủ động trong công tác kiểm soát việc dịch bệnh, không để dịch bệnh bùng phát trong cộng đồng.
Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị các khu cách ly tập trung thực hiện nghiêm túc việc cách ly tập trung, “đây phải thật sự là môi trường sạch”, không để xảy ra việc lây nhiễm chéo trong khu cách ly. Chủ động các phương án cho những đợt cách ly tiếp theo khi bà con ở cách địa phương được công bố hết thời gian giãn cách xã hội trở về.
Phương pháp xét nghiệm nhanh góp phần tầm soát và “định vị” F0 trong tình hình diễn biến dịch phức tạp như hiện nay
Với chủ trương sẽ phổ biến rộng rãi xét nghiệm nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2, Ban Chỉ đạo phòng, chống bệnh COVID-19 tỉnh giao Sở Y tế chủ trì việc hướng dẫn, tập huấn kỹ thuật sử dụng test nhanh kháng thể SARS-CoV-2. Đồng thời, yêu cầu các địa phương cấp huyện có nhu cầu phải đăng ký mua số lượng cụ thể tại Sở Y tế để chuẩn bị nguồn cung. “Không lạm dụng xét nghiệm nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 nhưng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh xác định phương pháp xét nghiệm này là một chiến lược quan trọng hỗ trợ việc tầm soát và “định vị” F0 trong tình hình hiện nay. Trước đây, chúng ta không khuyến khích cộng đồng tự thực hiện xét nghiệm này do nhiều yếu tố rủi ro. Nhưng với tình hình dịch bệnh phức tạp như hiện nay, thì phương pháp xét nghiệm nhanh vô cùng ý nghĩa, giảm áp lực đáng kể cho ngành y tế”, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương nhấn mạnh.
Về công tác triển khai tiêm vắc-xin trên địa bàn, trong sáng ngày 13/9, UBND tỉnh đã có quyết định phân bổ 40.000 liều vắc-xin AstraZeneca phòng chống COVID-19 cho các đơn vị, địa phương trong tỉnh. Hiện nay, toàn tỉnh Thừa Thiên Huế có gần 42.000 người đã được tiêm 1 mũi vắc-xin phòng COVID-19 và gần 50.000 người đã tiêm 2 mũi. Với nguồn vắc-xin mới phân bổ Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị và các địa phương tăng tốc tiến độ tiêm chủng, vắc-xin, về đến đâu tiêm hết đến đó.
Liên quan đến hoạt động giáo dục đảm bảo an toàn phòng chống dịch, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương cho biết, tỉnh sẽ theo dõi tình hình dịch bệnh thêm 1 tuần nữa để có thể đưa ra quyết sách chung trong toàn tỉnh. Quan điểm của tỉnh là tạo điều kiện để những địa phương an toàn có thể từng bước triển khai việc dạy-học trực tiếp.
Riêng với khối đại học, lãnh đạo tỉnh tạo mọi điều kiện thuận lợi để Đại học Huế có thể đón sinh viên năm 1 và sinh viên năm cuối về trường. Đại học Huế cần tiếp tục phối hợp với các ngành liên quan để tầm soát chặt chẽ các nhóm sinh viên có liên quan đến vùng dịch.