I. Nghị định 137 ngày 27/11/2020 về quản lý, sử dụng pháo
1. Phân biệt pháo nổ, pháo hoa
Theo khoản 1 Điều 3 Nghị định 137/2020/NĐ-CP, pháo được quy định như sau:
Pháo là sản phẩm có chứa thuốc pháo, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện gây ra phản ứng hóa học nhành, mạnh, sinh khí, tạo ra hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian, gây ra tiếng nổ hoặc không gây ra tiếng nổ.
Pháo hoa gồm: Pháo nổ, pháo hoa.
- Pháo nổ là sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện gây ra tiếng nổ hoặc gây ra tiếng rít, tiếng nổ và hiệu ứng màu sắc trong không gian;
- Pháo nổ gây ra tiếng rít, tiếng nổ và hiệu ứng màu sắc trong không gian được gọi là pháo hoa nổ;
- Pháo hoa nổ tầm thấp là quả pháo có đường kính không lớn hơn 90 mm hoặc tầm bắn không vượt quá 120 m. Pháo hoa nổ tầm cao là quả pháo có đường kính trên 90 mm hoặc tầm bắn trên 120 m;
- Pháo hoa là sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện tạo ra các hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian, không gây ra tiếng nổ.
2. Người dân được phép sử dụng pháo hoa
Theo quy định tại Điều 17 Nghị định 137/2020/NĐ-CP, người dân được phép sử dụng pháo hoa, cụ thể:
- Cơ quan, tổ chức, cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ được sử dụng pháo hoa trong các trường hợp sau: Lễ, tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm và trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật.
- Cơ quan, tổ chức, cá nhân khi sử dụng pháo hoa chỉ được mua pháo hoa tại các tổ chức, doanh nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh pháo hoa.
Ngoài ra, tại khoản 1 Điều 5 Nghị định 137/2020/NĐ-CP quy định nghiêm cấm người dân nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng hoặc chiếm đoạt pháo nổ.
(Trừ trường hợp tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ nghiên cứu, sản xuất, nhập khẩu, xuất khẩu, cung cấp, vận chuyển, sử dụng pháo hoa nổ theo quy định tại Nghị định 137/2020/NĐ-CP).
3. Mức xử phạt hành chính đối với hành vi đốt pháo
Căn cứ Điều 10 Nghị định 167/2013/NĐ-CP, mức xử phạt hành chính đối với các hành vi về quản lý, sử dụng pháo được quy định như sau:
- Phạt tiền từ 500.000đ đến 1.000.000đ đối với hành vi lưu hành các loại giấy phép về quản lý, sử dụng pháo hoa không còn giá trị sử dụng.
- Phạt tiền từ 1.000.000đ đến 2.000.000đ khi sử dụng các loại pháo mà không được phép.
- Phạt tiền từ 2.000.000đ đến 4.000.000đ đối với hành vi:
+ Trao đổi, mua bán, làm giả, sửa chữa, tẩy xóa, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố, thế chấp, làm hỏng các loại giấy phép, giấy chứng nhận, giấy xác nhận về quản lý, sử dụng pháo hoa;
Đối với hành vi này còn có thể áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng các loại giấy phép, giấy chứng nhận, giấy xác nhận về quản lý, sử dụng pháo hoa trong thời hạn từ 09 tháng đến 12 tháng.
+ Không thông báo ngay cho cơ quan có thẩm quyền về việc mất các loại giấy phép, giấy chứng nhận, giấy xác nhận về quản lý, sử dụng pháo hoa.
- Phạt tiền từ 5.000.000đ đến 10.000.000đ nếu sản xuất, tàng trữ, mua, bán, vận chuyển trái phép pháo, thuốc pháo.
- Phạt tiền từ 20.000.000đ đến 40.000.000đ đối với hành vi mang vào hoặc mang ra khỏi lãnh thổ Việt Nam trái phép các loại pháo.
Mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân theo điểm e khoản 2 Điều 3 Luật Xử lý vi phạm hành chính.
4. Trách nhiệm hình sự với các hành vi vi phạm về sử dụng pháo
* Xử lý theo hành vi gây rối trật tự công cộng
Căn cứ Điều 318 Bộ luật hình sự 2015, người nào sử dụng pháo gây rối trật tự công cộng gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
Đối với tội danh này, người phạm tội có thể bị phạt cao nhất đến 07 năm tù.
* Xử lý theo hành vi chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ
Theo quy định tại Điều 305 Bộ luật hình sự 2015 người nào chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ có thể bị phạt tù từ 01 đến 05 năm, cao nhất có thể bị phạt tù từ 15 đến 20 năm hoặc tù chung thân.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm.
* Xử lý theo hành vi sản xuất, buôn bán hàng cấm
Đối với các hành vi sản xuất, buôn bán pháo nổ nếu không thuộc trường hợp theo quy định tại Điều 305 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) thì sẽ bị truy cứu TNHS theo Điều 190 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) về tội sản xuất, buôn bán hàng cấm.
- Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 232, 234, 244, 246, 248, 251, 253, 254, 304, 305, 306, 309 và 311 của Bộ luật hình sự 2015, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
+ Sản xuất, buôn bán thuốc bảo vệ thực vật mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng từ 50 kilôgam đến dưới 100 kilôgam hoặc từ 50 lít đến dưới 100 lít;
+ Buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu từ 1.500 bao đến dưới 3.000 bao;
+ Sản xuất, buôn bán pháo nổ từ 06 kilôgam đến dưới 40 kilôgam;
+ Sản xuất, buôn bán hàng hóa khác mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
+ Sản xuất, buôn bán hàng hóa chưa được phép lưu hành, chưa được phép sử dụng tại Việt Nam trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng;
+ Các hành vi sản xuất, buôn bán hàng hóa dưới mức quy định nêu trên nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc tại một trong các điều 188, 189, 191, 192, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật dân sự 2015 hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
Mức phạt đối với các hành vi nêu trên có thể lên đến 15 năm tù. Ngoài ra, Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Nội dung tham khảo tại Thông tư liên tịch 06/2008/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC ngày 25/12/2008 về hướng dẫn việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các hành vi đốt pháo nổ, mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép pháo nổ và thuốc pháo.
II. Quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ
1. Người đi xe máy không đội mũ bảo hiểm có thể bị phạt tới 600.000 đồng
Theo điểm b khoản 4 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP, người điều khiển xe có các hành vi sau đây sẽ bị phạt tiền từ 400.000 đến 600.000 đồng:
- Không đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” hoặc đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” không cài quai đúng quy cách khi điều khiển xe tham gia giao thông trên đường bộ;
- Chở người ngồi trên xe không đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” hoặc đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” không cài quai đúng quy cách, trừ trường hợp chở người bệnh đi cấp cứu, trẻ em dưới 06 tuổi, áp giải người có hành vi vi phạm pháp luật;
2. Xử phạt người đua xe trái phép, cổ vũ đua xe trái phép
Quy định tại Điều 34 Nghị định 100/2019 về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực đường bộ và đường sắt:
- Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Tụ tập để cổ vũ, kích động hành vi điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định, lạng lách, đánh võng, đuổi nhau trên đường hoặc đua xe trái phép;
b) Đua xe đạp, đua xe đạp máy, đua xe xích lô, đua xe súc vật kéo, cưỡi súc vật chạy đua trái phép trên đường giao thông.
- Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với người đua xe mô tô, xe gắn máy, xe máy điện trái phép.
3. Xử phạt với người điều khiển xe ô tô có nồng độ cồn vượt quá mức quy định
Đối với người sử dụng xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xa máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy vi phạm quy tắc giao thông đường bộ:
- Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng nếu trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở (Điểm c Khoản 6 Điều 6) (Hình phạt bổ sung: Tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 10 tháng đến 12 tháng (Điểm e Khoản 11 Điều 5 Nghị định 100)
- Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng nếu có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở (Điểm c Khoản 7 Điều 6) (Hình phạt bổ sung: Tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 16 tháng đến 18 tháng (Điểm g Khoản 11 Điều 5 Nghị định 100)
- Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng nếu có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở (Điểm e Khoản 8 Điều 6) ( Hình phạt bổ sung: Tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 22 tháng đến 24 tháng (Điểm h Khoản 11 Điều 5 Nghị định 100)
4. Đối với hành vi không mang giấy phép lái xe:
Quy định tại Điều 21 NĐ 100/2019: Xử phạt các hành vi vi phạm quy định về điều kiện của người điều khiển xe cơ giới
Khoản 5: Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.200.000 đồng đối với người điều khiển xe mô tô hai bánh có dung tích xi lanh dưới 175cm3 và các loại xe tương tự xe mô tô thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a, Không có giấy phép lái xe hoặc sử dụng Giấy phép lái xe không do cơ quan có thẩm quyền cấp, Giấy phép lái xe bị tẩy xóa
Khoản 7 Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với người điều khiển xe mô tô hai bánh có dung tích xi lanh dưới 175cm3 và các loại xe tương tự xe mô tô thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a. Có Giấy phép lái xe nhưng không phù hợp với loại xe đang điều khiển
b. Không có Giấy phép lái xe hoặc sử dụng Giấy phép lái xe không do cơ quan có thẩm quyền cấp, Giấy phép lái xe bị tẩy xóa
III. Các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế từ ngày 07/01/2022
1. Người đến/trở về từ các địa phương ngoại tỉnh cấp độ 3 (vùng cam) và cấp độ 4 (vùng đỏ)
a) Đối với người chưa tiêm vắc xin phòng COVID-19:
- Cách ly tại nhà/nơi lưu trú tối thiểu 14 ngày kể từ ngày về đến địa phương.
- Xét nghiệm: 03 lần vào các ngày thứ 01, ngày thứ 07 và ngày thứ 14 kể từ ngày về đến địa phương bằng test nhanh kháng nguyên hoặc RT-PCR.
b) Đối với người tiêm chưa đủ liều vắc xin phòng COVID-19:
- Cách ly tại nhà/nơi lưu trú tối thiểu 07 ngày kể từ ngày về đến địa phương.
- Xét nghiệm: 02 lần vào các ngày thứ 01 và ngày thứ 07 kể từ ngày về đến địa phương bằng test nhanh kháng nguyên hoặc RT-PCR.
- Sau đó, tiếp tục tự theo dõi sức khoẻ đủ 14 ngày kể từ ngày về đến địa phương.
c) Đối với người đã tiêm đủ liều vắc xin phòng COVID-19 hoặc người được công bố khỏi bệnh COVID-19 trong vòng 6 tháng:
- Tự theo dõi sức khỏe tối thiểu 07 ngày kể từ ngày về đến địa phương.
- Xét nghiệm: 02 lần vào các ngày thứ 01 và ngày thứ 07 kể từ ngày về đến địa phương bằng test nhanh kháng nguyên hoặc RT-PCR.
2. Người đến/trở về từ các địa phương ngoại tỉnh cấp độ 2 (vùng vàng)
a) Đối với người chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ liều vắc xin phòng COVID-19:
- Cách ly tại nhà/nơi lưu trú tối thiểu 07 ngày kể từ ngày về đến địa phương.
- Xét nghiệm: 02 lần vào các ngày thứ 01 và ngày thứ 07 kể từ ngày về đến địa phương bằng test nhanh kháng nguyên hoặc RT-PCR.
- Sau đó, tiếp tục tự theo dõi sức khoẻ đủ 14 ngày kể từ ngày về đến địa phương.
b) Đối với người đã tiêm đủ liều vắc xin phòng COVID-19 hoặc người được công bố khỏi bệnh COVID-19 trong vòng 6 tháng:
- Tự theo dõi sức khoẻ tại nhà/nơi lưu trú tối thiểu 07 ngày kể từ ngày về đến địa phương.
- Xét nghiệm: hướng dẫn công dân tự thực hiện test nhanh kháng nguyên sau 48-72 giờ kể từ ngày về đến địa phương và báo kết quả xét nghiệm cho cơ quan y tế địa phương.
3. Người đến/trở về từ các địa phương ngoại tỉnh cấp độ 1 (vùng xanh)
Tự theo dõi sức khoẻ tại nhà/nơi lưu trú tối thiểu 07 ngày kể từ ngày về đến địa phương.
- Xét nghiệm: khuyến cáo công dân tự thực hiện test nhanh kháng nguyên sau 48-72 giờ kể từ ngày về đến địa phương.
4. Đối với các trường hợp nhập cảnh
Người chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ liều vắc xin phòng COVID-19:
- Cách ly tại nhà/nơi lưu trú tối thiểu 07 ngày kể từ ngày nhập cảnh.
- Xét nghiệm: 02 lần vào các ngày thứ 03 và ngày thứ 07 kể từ ngày nhập cảnh bằng RT-PCR.
- Sau đó, tiếp tục tự theo dõi sức khoẻ đủ 14 ngày kể từ ngày nhập cảnh.
Đối với người đã tiêm đủ liều vắc xin phòng COVID-19 (liều cuối cùng tiêm trong thời gian ít nhất 14 ngày và không quá 12 tháng) hoặc đã được công bố khỏi bệnh COVID-19 trong vòng 06 tháng tính đến thời điểm nhập cảnh:
- Giám sát y tế tại nhà/nơi lưu trú tối thiểu 03 ngày kể từ ngày nhập cảnh.
- Xét nghiệm: 01 lần vào các ngày thứ 03 kể từ ngày nhập cảnh bằng RT-PCR.
- Sau đó, tiếp tục tự theo dõi sức khoẻ đủ 14 ngày kể từ ngày nhập cảnh.
Trên đây là hướng dẫn tuyên truyền một số quy định Nghị định 137/2020/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 27/11/2020 về quản lý, sử dụng pháo; một số quy định về Luật Giao thông đường bộ, các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Những nội dung tại văn bản này mang tính định hướng, khái quát do đó không thể bao quát hết các trường hợp phát sinh. UBND xã đề nghị các cá nhân, tổ chức có liên quan tập trung đẩy mạnh tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh, tuyên truyền lưu động và các hình thức thích hợp khác để Nhân dân tiện tiếp thu và thực hiện./.