Chiều ngày 29/3, UBND tỉnh đã tổ chức Hội nghị tổng kết, đánh giá tình hình, kết quả hoạt động của Ban Chỉ đạo PCCC&CNCH tỉnh năm 2021, đề ra phương hướng, nhiệm vụ năm 2022. Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo PCCC&CNCH tỉnh Hoàng Hải Minh chủ trì Hội nghị.
Theo Ban Chỉ đạo PCCC&CNCH tỉnh, toàn tỉnh có hơn 15.706 cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC với khoảng 547 cơ sở nguy hiểm về cháy, nổ, trong đó có 6 khu công nghiệp, 1 khu kinh tế và 11 cụm công nghiệp; 90 chợ; 179 trung tâm thương mại, siêu thị điện máy; 295 cửa hàng bách hoá; 610 cơ sở kinh doanh lưu trú; 185 cửa hàng xăng dầu và 1 kịp xăng dầu…
Thừa Thiên Huế là địa bàn có khí hậu khắc nghiệt nên luôn tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cũng như sự cố, tai nạn. Theo đó, năm 2021 xảy ra 23 vụ cháy dân sự thiệt hại hơn 12,5 tỷ đồng; 77 vụ cháy rừng thiệt hại 501,655 ha, 2 người chết; 37 vụ sự cố, tai nạn có yêu cầu lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH tham gia xử lý.
Tại hội nghị, đại diện các địa phương, sở, ngành đã đóng góp ý kiến, đưa ra nhiều giải pháp, rút kinh nghiệm liên quan đến an toàn PCCC&CNCH nhằm hạn chế tối đa các nguyên nhân, điều kiện dẫn đến phát sinh cháy, nổ; kịp thời điều tra và xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm quy định về bảo đảm an toàn PCCC&CNCH.
Năm 2022, để tiếp tục làm tốt công tác PCCC&CHCN, Ban chỉ đạo PCCC&CHCN tỉnh tiếp tục quán triệt và tổ chức thực hiện các Chỉ thị của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội và các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Tỉnh ủy, UBND tỉnh về công tác PCCC&CNCH; hoàn thiện chính sách, quy hoạch về PCCC&CNCH; tuyên truyền , phổ biến pháp luật, kiến thức và xây dựng phong trào toàn dân tham gia PCCC&CNCH; nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước và hiệu quả trong công tác PCCC&CNCH.
Phát biểu kết luận tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo PCCC&CNCH tỉnh Hoàng Hải Minh ghi nhận và biểu dương các địa phương, sở, ban ngành đã vào cuộc hết sức quyết liệt, đồng bộ trong công tác PCCC và CNCH, đạt nhiều kết quả nổi bật. Trong thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Hải Minh đề nghị các đơn vị, lực lượng chức năng và chính quyền địa phương phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, tăng cường phối hợp trong công tác PCCC&CNCH khi có tình huống xảy ra để nâng cao hiệu quả; nhất là tập trung thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm đã được đề ra trong kế hoạch. Đồng thời các sở, ngành địa phương cần hoàn thiện chính sách pháp luật về PCCC, xây dựng quy hoạch, đảm bảo các điều kiện hạ tầng phục vụ công tác PCCC; trong đó cần tiến hành rà soát các trụ cấp nước chữa cháy, phương tiện, hạ tầng và sẵn sàng ứng phó, dập lửa ngay khi có sự cố cháy xảy ra, bảo vệ tính mạng và tài sản cho người dân.
Dịp này, 5 tập thể, 5 cá nhân được UBND tỉnh tặng Bằng khen; 10 tập thể, 15 cá nhân được Giám đốc Công an tỉnh tặng Giấy khen vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thực hiện chuyên đề “Thực hiện công tác PCCC&CNCH” năm 2021.