Ngày 28.3, tại Quảng Ninh diễn ra Hội thảo khoa học quốc gia “Nguồn lực và động lực cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 – tầm nhìn quốc gia và hành động địa phương” do Hội đồng Lý luận Trung ương tổ chức.
Tại Hội thảo, ông Nguyễn Đình Khang - Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN đã có bài phát biểu tham luận với chủ đề “Công đoàn với công tác chăm lo đời sống công nhân, lao động khu công nghiệp góp phần đảm bảo lực lượng lao động ổn định cho khôi phục, duy trì và phát triển chuỗi cung ứng”.
Trong bài tham luận, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Nguyễn Đình Khang nhận định, có thể nói, nhân lực, trong đó có công nhân, lao động là một nhân tố động lực quan trọng cho phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, nhất là trong bối cảnh thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.
Tuy nhiên, trong hơn 2 năm vừa qua, đại dịch COVID-19 đã có tác động rất lớn đến tính mạng, sức khỏe, việc làm, thu nhập, đời sống của công nhân, lao động. Theo nghiên cứu của tổ chức Công đoàn, năm 2020, có hơn 30 triệu người lao động bị mất việc làm, nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập do dịch COVID-19. Chỉ tính đến quý III/2021, con số này cũng đã là hơn 28 triệu người.
Trong khi đó, năm 2020 và 2021, lương tối thiểu của người lao động không tăng khi chỉ số giá tiêu dùng tăng dẫn đến thu nhập thực tế của người lao động giảm khoảng 10% so với năm 2019. Người lao động đã phải tiết kiệm triệt để các khoản chi tiêu, sử dụng đến khoản tiền tích lũy ít ỏi để đương đầu với những khó khăn, thiếu thốn của cuộc sống hàng ngày. Cùng với những lo lắng về bữa cơm, manh áo hàng ngày, công nhân, lao động còn lo lắng, bất an, sợ hãi trước nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh khi phải sống trong những khu nhà trọ chật chội, không đảm bảo điều kiện sống và điều kiện an ninh, an toàn, phòng, chống dịch; lo lắng về việc học hành, an toàn, chăm sóc con cái; lo lắng về nhiều khoản chi phí phát sinh như khám chữa bệnh, xét nghiệm, phòng dịch cho cá nhân, gia đình… Bối cảnh khó khăn chồng chất khó khăn đó đã làm cho xuất hiện trường hợp người lao động buộc phải chọn các hành vi tiêu cực như: Tham gia vào tín dụng đen, cầm cố sổ BHXH, rút BHXH một lần… Nhiều người lao động sau khi về quê tránh dịch đã không trở lại thành phố, khu công nghiệp. Tất cả những lý do trên đã tác động tiêu cực đến nguồn nhân lực, gián tiếp ảnh hưởng đến việc phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
“Trong bối cảnh đó, với vai trò, trách nhiệm của mình, tổ chức Công đoàn đã chủ động, tích cực vào cuộc tuyên truyền nâng cao nhận thức, triển khai các biện pháp phòng, chống dịch trong đoàn viên, người lao động, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp. Tham gia xây dựng, kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ các chính sách hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp. Kịp thời ban hành hàng chục chính sách hỗ trợ đoàn viên, người lao động, lực lượng tuyến đầu chống dịch, chia sẻ với doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch như: Hỗ trợ người lao động bị tử vong, F0, F1, bị cách ly, phong tỏa, giãn việc, mất việc do COVID-19; hỗ trợ tăng cường dinh dưỡng cho lực lượng y tế, người lao động tại các doanh nghiệp thực hiện “ba tại chỗ”, “một cung đường hai điểm đến”; tặng sổ tiết kiệm cho con đoàn viên, người lao động tử vong do COVID-19; lùi thời điểm đóng kinh phí công đoàn với doanh nghiệp, miễn đóng đoàn phí công đoàn với đoàn viên khó khăn; phát động chương trình “Vaccine cho công nhân”… Những nỗ lực chăm lo của tổ chức Công đoàn đã giúp đoàn viên, người lao động vượt qua khó khăn của đại dịch, góp phần đảm bảo nguồn nhân lực duy trì chuỗi cung ứng, phục hồi sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp” - Chủ tịch Tổng LĐLĐVN cho hay.
Ông Nguyễn Đình Khang cho rằng, trong điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, để phục hồi và phát triển kinh tế theo chủ chương của Đảng, Nhà nước, bên cạnh các chính sách, gói hỗ trợ, các chính sách tài khóa, rất cần các giải pháp thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực, trực tiếp là chăm lo, hỗ trợ công nhân, lao động.
Theo Chủ tịch Tổng LĐLĐVN, trước mắt, các cơ quan chức năng cần tập trung giải quyết thật thuận lợi những chính sách trực tiếp hỗ trợ người lao động đã được ban hành như chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà, chi trả các chế độ, quyền lợi cho người lao động liên quan đến COVID-19… Trong điều kiện nền kinh tế bắt đầu hồi phục, Hội đồng Tiền lương Quốc gia cần sớm thống nhất, đề xuất Chính phủ tăng lương tối thiểu vùng, đồng thời có giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định giá cả các mặt hàng thiết yếu tác động trực tiếp đến đời sống nhân dân và công nhân, lao động; xây dựng và thực hiện các chính sách đào tạo, bồi dưỡng, chuyển đổi nghề nhằm bổ sung nguồn nhân lực thiết hụt cho thị trường lao động.
Về lâu dài, nhà nước cần xây dựng, thực thi pháp luật về lao động phù hợp, thể hiện sự tiến bộ, ưu việt của thể chế Nhà nước ta. Việc tăng thời giờ làm thêm theo Nghị quyết số 17/2022/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ là giải pháp tình huống, tạm thời. Chính phủ và các địa phương cần xây dựng, sửa đổi, bổ sung và có giải pháp triển khai quyết liệt, hiệu quả các chính sách bảo đảm ổn định việc làm, đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động như chính sách thu hút việc xây dựng nhà ở cho công nhân, nhất là nguồn cung nhà cho thuê; nhà gửi trẻ, trường học, mạng lưới y tế cơ sở, thiết chế văn hóa phục vụ công nhân lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất…
Chính phủ và chính quyền các cấp cần quan tâm chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra việc xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ tại doanh nghiệp theo tinh thần Chỉ thị số 37-CT/TW ngày 3/9/2019 của Ban Bí thư Trung ương Đảng; đảm bảo hài hòa lợi ích Nhà nước, doanh nghiệp và người lao động. Việc quan tâm chăm lo ổn định việc làm, đời sống vật chất, tinh thần sẽ giúp công nhân, lao động yên tâm gắn bó với doanh nghiệp, gắn bó với địa phương nơi làm việc, lao động với tinh thần trách nhiệm, sáng tạo, năng suất cao, chất lượng tốt. Đó chính là động lực rất quan trọng để phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội…