Chiều ngày 22/4, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cùng Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham) và các Nhóm công tác Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) tổ chức Hội nghị "Gặp gỡ Thừa Thiên Huế xanh: Xác định tương lai tăng trưởng kinh tế xanh". Hội nghị có sự tham dự của Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao kiêm Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế - Bà Nguyễn Minh Hằng; Chủ tịch AmCham - Ông John Rockhold; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh - Ông Nguyễn Văn Phương; Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Ông Hoàng Hải Minh; cùng nhiều doanh nghiệp quốc tế, Lãnh đạo các sở ban ngành, đối tác trong nước và quốc tế, đơn vị hỗ trợ doanh nghiệp, các chuyên gia kinh tế, các nhà đầu tư.
Ưu tiên phát triển mô hình kinh tế xanh
Phát biểu tại phiên cấp cao, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương cho biết, những năm gần đây là khoảng thời gian đầy khó khăn và thách thức đối với công cuộc phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Thừa Thiên Huế, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát và lan rộng, tác động trực tiếp đến mọi mặt của đời sống kinh tế, xã hội. Tuy nhiên, quán triệt chỉ đạo của Trung ương và Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Thừa Thiên Huế đã triển khai đồng bộ, quyết liệt và hiệu quả các nhóm giải pháp nhằm đảm bảo hài hòa 3 mục tiêu: phòng chống dịch, đảm bảo an sinh xã hội và sẵn sàng thúc đẩy phát triển kinh tế.
Những kết qủa mà tỉnh Thừa Thiên Huế đạt được trong thời gian qua phải kể đến những đóng góp quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp nói chung và của doanh nghiệp từ Hoa Kỳ nói riêng, không chỉ trong lĩnh vực đầu tư, thương mại mà còn hỗ trợ nâng cao vị thế, hình ảnh của tỉnh Thừa Thiên Huế đến bạn bè quốc tế.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương phát biểu tại hội nghị
Chủ tịch UBND tỉnh thông tin thêm, ngày 10 tháng 12 năm 2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 54-NQ/TW về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó xác định đến năm 2025, Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường và thông minh. Do đó, tỉnh luôn xác định việc áp dụng các giải pháp mô hình kinh tế xanh thay thế cho mô hình kinh tế truyền thống, vừa phát triển kinh tế nhưng vẫn bảo vệ được môi trường, là một hướng tiếp cận quan trọng trong tăng trưởng kinh tế nhằm đạt được sự phát triển một cách toàn diện, bền vững tại địa phương.
Thông qua Hội nghị này, tỉnh Thừa Thiên Huế mong muốn không chỉ giới thiệu những tiềm năng, cơ hội đầu tư vào các lĩnh vực du lịch; nông nghiệp, môi trường; điện và năng lượng mà còn xác định đây là dịp để giới thiệu, quảng bá hình ảnh tỉnh Thừa Thiên Huế, một địa phương có thế mạnh về văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, xanh và thông minh.
Năng lượng xanh - Du lịch xanh -Nông nghiệp xanh
Tỉnh Thừa Thiên Huế còn rất nhiều tiềm năng to lớn về hợp tác đầu tư, phát triển. Chúng tôi cũng rất mong muốn có những ý kiến trao đổi, đóng góp thiết thực để chúng tôi có thể hiện thực hóa thành công mục tiêu tăng trưởng kinh tế xanh trên địa bàn tỉnh nhà. Sau Hội nghị, sẽ có nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư Hoa Kỳ và các nước quan tâm, đến tìm hiểu và đầu tư tại địa phương cũng như giới thiệu với các bạn bè đối tác để thực hiện đầu tư những dự án có hiệu quả", Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương chia sẻ.
Sau 01 buổi làm việc với 03 phiên thảo luận theo các chuyên đề và 01 phiên cấp cao tại hội trường; với tinh thần làm việc hết sức tích cực, trách nhiệm và hiệu quả, Hội nghị “Gặp gỡ Thừa Thiên Huế xanh: xác định tương lai tăng trưởng kinh tế xanh” đã hoàn thành tốt các nội dung theo chương trình đề ra.
Hội nghĩ đã được nghe nhiều tham luận và ý kiến phát biểu trao đổi trực tiếp trong các phiên thảo luận chuyên đề của nhiều nhà khoa học, chuyên gia trong nước và quốc tế; lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế trong và ngoài nước.
Phiên thảo luận Điện và Năng lượng
Đối với chuyên đề về Điện và Năng lượng, các nội dung thảo luận xoay quanh các vấn đề về giảm thiểu biến đổi khí hậu, các chính sách và định hướng phát triển trong thời gian đến. Các ý kiến cho rằng, tỉnh cần xây dựng kế hoạch với lộ trình cụ thể nhằm giảm thiểu phát thải các-bon; tập trung vận động các doanh nghiệp cam kết sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả và đảm bảo chứng nhận Quản lý môi trường ISO 14001:2015; ngoài ra, tổ chức rà soát các vị trí có khả năng khai thác tiềm năng phát triển về điện và năng lượng để đưa vào danh mục bổ sung quy hoạch và kêu gọi đầu tư; trong đó, ưu tiên kêu gọi đầu tư các nguồn năng lượng sạch, tái tạo như: điện gió, điện mặt trời, điện khí…để phát triển các nguồn năng lượng sạch, tái tạo hướng đến phát triển đô thị xanh, không gian khu công nghiệp xanh và bền vững.
Đối với chuyên đề về Du lịch, các đại biểu tập trung đưa ra các giải pháp để phát huy, khai thác hiệu quả lợi thế về tiềm năng, thế mạnh du lịch, tỉnh Thừa Thiên Huế, trong đó tập trung làm tốt công tác quy hoạch; ưu tiên xúc tiến, kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư phát triển hệ thống khách sạn 5 sao, dịch vụ nghỉ dưỡng cao cấp, khai thác hiệu quả du lịch vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai và Vườn Quốc gia Bạch Mã,…hướng đến du lịch xanh với mục tiêu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Các đại biểu tham luận tại hội nghị
Đối với chuyên đề về Nông nghiệp và môi trường, nội dung thảo luận xoay quanh việc tập trung đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu; nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng và thương hiệu nông sản. Tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất, chế biến. Ưu tiên kêu gọi đầu tư nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, an toàn sinh học trong chăn nuôi và chế biến; tập trung trồng rừng gỗ lớn và chú trọng công tác trồng rừng phòng hộ, duy trì và phát triển các chuỗi giá trị trong nông nghiệp, phát triển sản phẩm OCOP, gắn phát triển nông nghiệp với du lịch, đây chính là định hướng phát triển nông nghiệp sạch của tỉnh trong thời gian tới, góp phần giảm thiểu phát thải các-bon và thực hiện thành công chiến lược phát triển nông nghiệp xanh và bền vững.
Đồng hành cùng doanh nghiệp đến nghiên cứu, tìm kiếm cơ hội đầu tư
Hội nghị "Gặp gỡ Thừa Thiên Huế xanh: Xác định tương lai tăng trưởng kinh tế xanh" là sự kiện quan trọng trong việc xúc tiến, kêu gọi đầu tư nước ngoài vào các lĩnh vực Du lịch, Nông nghiệp, Môi trường, Điện và Năng lượng của cộng đồng doanh nghiệp. Triển khai các nội dung trao đổi giữa UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham) với các nội dung như: Đẩy mạnh liên kết giữa doanh nghiệp Thừa Thiên Huế và doanh nghiệp Mỹ góp phần đưa Thừa Thiên Huế trở thành trung tâm kinh tế của khu vực miền Trung, tiếp cận với các nguồn lực, nguồn vốn đầu tư và công nghệ quốc tế để giới thiệu và kết nối đến cộng đồng địa phương và ngược lại; Giới thiệu tiềm năng, cơ hội đầu tư và các chính sách ưu đãi đầu tư vào Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô, các khu công nghiệp và tiềm năng cơ hội đầu tư vào các lĩnh vực du lịch, nông nghiệp, môi trường, năng lượng và điện trên địa bàn. Tạo cơ hội gặp gỡ trực tiếp giữa các nhà đầu tư; hỗ trợ, thúc đẩy hoạt động hợp tác, giao lưu, cung cấp cho nhà đầu tư các thông tin, danh mục các dự án kêu gọi đầu tư tại các khu kinh tế, công nghiệp trên địa bàn tỉnh; Giới thiệu quảng bá hình ảnh tỉnh Thừa Thiên Huế, tranh thủ nguồn đầu tư của Hoa Kỳ trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; góp phần thực hiện hiệu quả kế hoạch phát triển Thừa Thiên Huế thành một thành phố văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, xanh và thông minh trực thuộc Trung ương theo Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Tại hội nghị
Phát biểu bế mạc hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương khẳng định, Hội nghị lần này có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của tỉnh Thừa Thiên Huế, với khát vọng vươn lên mạnh mẽ và đổi mới toàn diện về mọi mặt; chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế mong muốn và cam kết sẵn sàng tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để đồng hành cùng với các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài nói chung và Hoa Kỳ nói riêng đến nghiên cứu, tìm kiếm cơ hội đầu tư trên địa bàn tỉnh.
Trên cơ sở Bản ghi nhớ hợp tác được ký kết tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh hy vọng và tin tưởng rằng AmCham tiếp tục đồng hành và hỗ trợ tỉnh Thừa Thiên Huế trong kết nối, kêu gọi và quan tâm giới thiệu các nhà đầu tư lớn, uy tín đến từ Hoa Kỳ đầu tư vào tỉnh Thừa Thiên Huế, nhất là tại Khu Kinh tế Chân Mây - Lăng Cô và các Khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Chủ tịch AmCham - Ông John Rockhold và Chủ tịch UBND tỉnh - Ông Nguyễn Văn Phương Ký kết thỏa thuận hợp tác