Trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, huyện Quảng Điền đã có nhiều giải pháp nhằm phát triển văn hóa đọc trên địa bàn huyện nhằm xây dựng thói quen đọc sách của các tầng lớp nhân dân đồng thời xây dựng công cụ hữu ích để hướng tới đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập, xây dựng cuộc sống ý nghĩa, tốt đẹp và nhân văn hơn.
Trong những năm qua, việc xây dựng và phát triển hệ thống thư viện từ huyện đến cơ sở với nguồn sách phong phú, phù hợp với nhu cầu của bạn đọc cũng là một trong những hoạt động được huyện Quảng Điền quan tâm. Đến nay, toàn huyện có một thư viện cấp huyện, với trên 18.200 đầu sách báo, 15 máy tính có kết nối internet; hàng trăm tủ sách pháp luật, bố trí tại các nhà văn hóa thôn, tổ dân phố, với nhiều thể loại sách phục vụ cho nhân dân về kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, phát triển kinh tế và tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Để xây dựng nguồn sách phong phú, hàng năm, Trung tâm Văn hóa Thông tin và Thể thao huyện đã vận động các nguồn xã hội hóa đóng góp sách từ bạn đọc, công ty sách; phối hợp với Thư viện tỉnh thực hiện luân chuyển sách, thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, đáp ứng nhu cầu đọc sách của người dân địa phương. Nhiều địa phương đã chú trọng tuyên truyền vai trò của việc đọc sách trong các buổi sinh hoạt thôn, hội, nhóm để người dân biết và đến đọc, mượn sách tại thư viện và tủ sách tại các nhà văn hóa thôn, tổ dân phố. Tiêu biểu như tổ dân phố Thạch Bình thị trấn Sịa, hiện tại thư viện Thạch Bình có hơn 300 bản sách, hàng tuần thư viện mở cửa 2 ngày vào thứ 3 và thứ 6 để bạn đọc là những nông dân, cán bộ hưu trí và các em học sinh trong tổ dân phố đến đọc sách. Với hàng trăm đầu sách, báo thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau như: pháp luật, khoa học - kỹ thuật, văn học... thư viện tổ dân Thạch Bình ngày càng trở thành một phần không thể thiếu của người dân nơi đây.
Để xây dựng văn hóa đọc trong Nhân dân, cấp ủy, chính quyền huyện Quảng Điền đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động Nhân dân trên địa bàn huyện thường xuyên đọc sách, báo nhằm tạo thói quen, kỹ năng và phương pháp đọc hiệu quả. huyện Quảng Điền tổ chức nhiều hoạt động phong phú. Năm 2022, hưởng ứng “Ngày sách Việt Nam”, thư viện Nguyễn Chí Thanh, huyện Quảng Điền đã phối hợp khối trường học tổ chức Ngày hội đọc sách, trưng bày tranh ảnh, sách, báo, tổ chức chương trình kể chuyện theo sách; hướng dẫn kỹ năng đọc, chọn sách phù hợp cho từng đối tượng. Bên cạnh đó, thư viện cũng rất quan tâm tới ứng dụng khoa học công nghệ, hiện đại hóa dịch vụ, nhằm phục vụ nhu cầu đa dạng của bạn đọc trong nền tảng phát triển của công nghệ số. Qua đó, thu hút bạn đọc, nhất là giới trẻ đến với thư viện, hình thành nên thói quen đọc sách. Có thể thấy hoạt động văn hóa đọc trong thời gian qua được các ngành, các cấp đã quan tâm chỉ đạo thực hiện, nhằm nâng cao ý thức về văn hóa đọc trong cộng đồng xã hội. Các thiết chế văn hóa, hệ thống phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội... Trong đó hệ thống thư viện góp phần tích cực phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng. Hiện nay trên địa bàn huyện Quảng Điền, ngoài thư viện tổng hợp Nguyễn Chí Thanh, các trường học từ Tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học Phổ thông, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên đều có thư viện để phục vụ nhu cầu học tập và giải trí của các em học sinh. Và hơn 20 tủ sách Nhà Văn hóa, tủ sách Bưu điện Văn hóa các thôn, tổ dân phố, tủ sách tư nhân đang hoạt động có hiệu quả trên địa bàn huyện Quảng Điền.
Nhìn chung, các thiết chế, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ hoạt động văn hóa đọc trên địa bàn huyện trong thời gian qua được sửa chữa, nâng cấp và đầu tư xây dựng, các thư viện thường xuyên được trang bị bổ sung sách mới, góp phần nâng lên về số lượng, phong phú, đa dạng về hình thức và nội dung, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ cho đọc giả. Theo ông Nguyễn Đình Thông, Giám đốc Trung tâm Văn hóa Thông tin và Thể thao huyện Quảng Điền cho biết: Huyện Quảng Điền đã xây dựng và ban hành Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, tập trung vào một số giải pháp như: đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, gia đình, nhà trường, cộng đồng và toàn xã hội về tầm quan trọng của việc phát triển văn hóa đọc. Xây dựng thói quen, trang bị kỹ năng và phương pháp đọc phù hợp với từng nhóm đối tượng. Vận động, khuyến khích các tầng lớp nhân dân, nhất là học sinh, sinh viên, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức xây dựng, duy trì thói quen đọc tài liệu dạng giấy, tài liệu điện tử phù hợp với điều kiện thực tế. Đẩy mạnh phát triển thư viện tư nhân, tủ sách dòng họ, tủ sách gia đình. Hỗ trợ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong hệ thống tủ sách tư nhân và loại hình tủ sách.
Trong thời gian tới, các thư viện huyện Quảng Điền cần tiếp tục làm tốt công tác xây dựng và tổ chức các hoạt động thông tin, tuyên truyền, giới thiệu sách, báo để thu hút bạn đọc đến sử dụng vốn tài liệu tại thư viện. Trong thời kỳ 4.0, việc linh hoạt tìm hướng đi mới để phục vụ bạn đọc, trong đó ứng dụng công nghệ thông tin để đưa thư viện trở thành một địa chỉ tìm kiếm quen thuộc là kỳ vọng của nhiều người, xây dựng phong trào đọc và hình thành thói quen đọc sách, báo cho mọi tầng lớp nhân dân trên địa bàn huyện, góp phần xây dựng một xã hội học tập bền vững.