Chiều ngày 23/5, đồng chí Phan Ngọc Thọ, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy đã có buổi làm việc với Thường trực Ban Chỉ đạo giảm nghèo và một số cơ quan liên quan về phân bổ chỉ tiêu giảm nghèo bền vững toàn tỉnh, mẫu phương án thoát nghèo và kế hoạch xóa nhà tạm.
Tham dự buổi làm việc có đồng chí Nguyễn Thanh Bình, UVTVTU, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và đại diện lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và xã hội, Sở Thông tin và truyền thông; Sở Xây dựng, Sở Nông nghiệp phát triển nông thôn; Ban Dân tộc tỉnh và Văn phòng Tỉnh ủy.
Báo cáo tại buổi làm việc, đại diện Sở Lao động thương binh - xã hội cho biết, kết quả rà soát năm 2021 theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025, số hộ và tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh là 16.002 hộ, tỷ lệ 4,93%; địa phương có số hộ nghèo nhiều nhất là huyện A Lưới 7.022 hộ, tỷ lệ 49,98%. Số hộ không có khả năng lao động là 4903 hộ. Số hộ nghèo thiếu hụt về chất lượng nhà ở là 3059 hộ. Phấn đấu đến 2025, tổng số hộ nghèo toàn tỉnh còn lại là 6.450 hộ, tỷ lệ 1,84%; A Lưới tổng số hộ nghèo còn lại 1.826 hộ, tỷ lệ 12,1%. Số hộ không có khả năng lao động là 4801 hộ… Hỗ trợ sinh kế, nhà ở cho hộ nghèo góp phần từng bước nâng cao mức sống, đảm bảo an sinh xã hội, đẩy nhanh quá trình giảm nghèo, góp phần giảm nghèo bền vững.
Tại buổi làm việc nhiều ý kiến đã bàn bạc, phân tích về nhu cầu và khả năng về việc làm, về vấn đề sinh kế, về phương án xóa nhà tạm cũng như làm sáng tỏ hơn những vướng mắc và bổ sung thống nhất trong chỉ tiêu phân bổ giảm nghèo bền vững toàn tỉnh, mẫu phương án thoát nghèo và kế hoạch xóa nhà tạm.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy thống nhất các ý kiến về chỉ tiêu đề xuất, tỷ lệ hộ nghèo đến năm 2024 còn lại 2,2% và đến năm 2025 còn lại 1,84%. Thống nhất phân bổ chỉ tiêu giảm nghèo toàn tỉnh, đồng chí nêu lên quan điểm việc phân bổ chỉ tiêu giảm nghèo theo từng địa phương và phân bổ theo từng giá trị tuyệt đối. Tập trung giảm nghèo cho 11.103 hộ nghèo. Đối với huyện A Lưới phấn đấu đến cuối năm 2023 giảm tỷ lệ tuyệt đối để đạt tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 28%. Rà soát lại, để phân bổ thêm chỉ tiêu giảm nghèo cho thành phố Huế; phấn đấu trong tháng 6 vừa phân bổ tỷ lệ hộ nghèo cho từng huyện, vừa xây dựng được 16.002 phương án thoát nghèo cho từng hộ và đến tháng 7 triển khai báo cáo số cho đến tận cấp xã; đối với 4093 hộ không có khả năng lao động cần xem xét, nghiên cứu để huy động nguồn lực hỗ trợ đúng và kịp thời… Sở Lao động - thương binh và xã hội, Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn rà soát, đánh giá nhu cầu việc làm, sinh kế của người dân để hỗ trợ; Sở Xây dựng tiến hành xây dựng hồ sơ xóa nhà tạm cho 3095 hộ gia đình; căn cứ vào biểu mẫu thoát nghèo của từng hộ gia đình, Sở Thông tin và truyền thông xây dựng hoàn thiện cơ sở dữ liệu về hộ nghèo trên toàn tỉnh…
Theo Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, “đến năm 2025 Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương”. Để đạt được điều này, “Đến năm 2025: tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều còn 2 - 2,2%”; Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 03/10/2021 của Tỉnh ủy về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025: Phấn đấu đến cuối năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo bình quân toàn tỉnh giảm còn 2,0 - 2,2%. Trong đó, khu vực nông thôn có tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 1,5%, khu vực miền núi giảm còn dưới 5%; khu vực thành thị (gồm các phường, thị trấn) không còn hộ nghèo (trừ hộ nghèo không có khả năng lao động); các xã có tỷ lệ nghèo cao trên 25% giảm bình quân từ 3,5 - 4,0%/năm; tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số mỗi năm giảm trên 3%; không có hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng. Đến cuối năm 2025, tỷ lệ hộ cận nghèo của tỉnh đảm bảo giảm thấp hơn tỷ lệ hộ cận nghèo chung của cả nước.
Giảm tỷ lệ hộ nghèo trong tỉnh là là điều kiện trước tiên, là yếu tố quyết định trong việc phấn đấu đưa tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ nhấn mạnh.