Tìm kiếm tin tức
Liên kết website
Sở, Ban, Ngành
UBND Huyện, Thị xã, Thành phố
Đoàn ĐBQH tỉnh tham gia thảo luận tại Tổ về Dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) và Luật Thực hiện dân chủ cơ sở
Ngày cập nhật 01/06/2022
Chiều 31/5, tổ 8 gồm Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) các tỉnh: Hà Giang, Hải Dương, Hậu Giang, Thừa Thiên Huế thảo luận về Dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) và Dự án Luật Thực hiện dân chủ cơ sở. Tại buổi thảo luận tổ này, các ĐBQH thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh đã có nhiều góp ý thiết thực, sát với thực tiễn.
ĐBQH, Giám đốc Bệnh viện TƯ Huế Phạm Như Hiệp đóng góp ý kiến tại buổi thảo luận
ĐBQH, Giám đốc Bệnh viện TƯ Huế Phạm Như Hiệp đóng góp ý kiến tại buổi thảo luận
 
 

Góp ý về Dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), ĐBQH, Giám đốc Bệnh viện TW Huế Phạm Như Hiệp cơ bản nhất trí với dự thảo luật. Song, ĐBQH Phạm Như Hiệp cho rằng, cơ sở khám chữa bệnh nhìn chung là nơi điều trị bệnh nhân và chăm sóc bệnh nhân bị bạo lực gia đình (BLGĐ), dù vậy ở Điều 19 nêu đơn vị tư vấn phòng chống BLGĐ có cơ sở khám chữa bệnh, đồng thời Điều 41, cơ sở khám chữa bệnh cũng là đơn vị hỗ trợ phòng chống BLGĐ sẽ tạo nên áp lực cho đội ngũ y bác sĩ nên cần rà soát để phù hợp hơn.

Liên quan đến dự thảo luật này, ĐBQH, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Nguyễn Thanh Hải đề nghị ban soạn thảo xem xét lại quy định về địa chỉ tiếp nhận tin báo tố giác BLGĐ tại khoản 2, Điều 27. “Trường hợp tin báo tố giác là tội phạm thì việc tiếp nhận tin báo tố giác được thực hiện theo quy định của Bộ Luật Tố tụng hình sự. Xác định vụ việc có tội phạm hay không phải có kết luận của cơ quan điều tra. Vì vậy, chỉ cần cơ quan, cá nhân khi tiếp nhận tin báo tố giác quy định từ điểm a đến điểm d, khoản 2 Điều 27 mà xác định có dấu hiệu tội phạm thì chuyển cho cơ quan điều tra có thẩm quyền thụ lý, giải quyết theo quy định của Bộ Luật Tố tụng hình sự để tiến hành điều tra”, ông Hải nói.

Từ những phân tích đó, ĐBQH Nguyễn Thanh Hải cho rằng, cụm từ “tội phạm” như trong dự thảo luật chưa phù hợp với các quy định của Bộ Luật Tố tụng hình sự về tiếp nhận, giải quyết tin báo tố giác tội phạm. Theo ông Hải cần sửa lại thành: “Trường hợp tin báo tố giác có dấu hiệu tội phạm thì việc tiếp nhận tin báo tố giác được thực hiện theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự”.

Tại khoản 2, Điều 28 quy định: “Chủ tịch UBND cấp xã khi tiếp nhận tin báo tố giác về BLGĐ theo quy định tại khoản 1 điều này có trách nhiệm phân công người xác minh”. ĐBQH Nguyễn Thanh Hải cũng đề nghị chỉnh sửa khoản này theo hướng: “Chủ tịch UBND cấp xã khi tiếp nhận tin báo tố giác về BLGĐ theo quy định tại khoản 1 điều này có trách nhiệm chuyển ngay cho Công an cấp xã xác minh vì Công an cấp xã có quyền thẩm tra và xác minh sơ bộ tin báo về tội phạm ban đầu, như vậy cũng phù hợp với Điều 32 của dự thảo luật BLGĐ”.

Về chính sách nhà nước trong phòng chống BLGĐ, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Thị Sửu góp ý cần đưa vào các điều luật những chế tài cụ thể để xử lý đối với hành vi BLGĐ. Ngoài ra, bà Sửu cũng đề nghị bổ sung 1 khoản vào Điều 2, đó là Chính phủ quy định chi tiết các khoản 1, 2, 3, 4 nhằm bảo đảm việc điều tiết, quản lý ngân sách nhà nước và các chính sách kèm theo.

Đối với Dự án Luật Thực hiện dân chủ cơ sở (DCCS), UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lê Trường Lưu bên cạnh đánh giá cao dự thảo luật đã có những góp ý tại Điều 7, Điều 9, Điều 10. Theo đó, ở mục 4, Điều 7 quy định về các hình thức bị nghiêm cấm: “Lợi dụng việc thực hiện DCCS để xuyên tạc vu khống gây thù hận, kích động bạo lực phân biệt vùng miền, giới tính, tôn giáo, gây thiệt hại cho cơ quan, đơn vị” cần bổ sung thêm nội dung đình công, lãng công bởi thực tế nhiều tổ chức lợi dụng việc thực hiện DCCS để gây đình công, lãn công, dẫn đến thiệt hại cho doanh nghiệp.

“Ở nội dung chính quyền địa phương cấp xã phải công khai không nên đưa phương án chuyển dịch cơ cấu kinh tế hàng năm của cấp xã vào khoản 1, Điều 9 vì không phù hợp với thực tế”, Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu góp ý.

Liên quan đến nội dung công khai DCCS ở doanh nghiệp, theo Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu m, cần nghiên cứu 1 chương riêng và có những quy định cụ thể hơn, hoàn thiện một số nội dung cần thiết.

Làm thế nào để luật đi vào cuộc sống cũng là trăn trở của ông Lê Trường Lưu, bởi về vấn đề tổ chức thực hiện dù đã có Pháp lệnh DCCS, Nghị quyết của UBTV Quốc hội, nhưng quá trình triển khai còn gặp rất nhiều vấn đề. “Chúng ta cần những chế tài mạnh mẽ hơn để đưa luật vào cuộc sống”, Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu nhấn mạnh tại buổi thảo luận.

Còn với Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Thị Sửu, khi nói đến câu chuyện DCCS, cần thay thế cụm từ “địa phương” bằng “cơ sở” tại Điều 9 và Điều 12 của dự thảo luật.

Về nguyên tắc thực hiện DCCS ở Điều 3, bà Nguyễn Thị Sửu đề nghị sắp xếp lại thứ tự của các khoản đúng theo thể thức trình bày văn bản quy phạm pháp luật được quy định ở Điều 17, Nghị quyết 351 năm 2017 của Quốc hội khóa XIV ban hành.

Trong nguyên tắc thực hiện DCCS, bà Sửu nêu về mối quan hệ giữa tập trung dân chủ và dân chủ tập trung. “Tôi đề nghị bổ sung 1 nguyên tắc, đó là giải quyết hài hòa giữa nguyên tắc tập trung dân chủ và dân chủ tập trung. Khi nói đến nguyên tắc tập trung dân chủ, xuất phát điểm là lãnh chỉ đạo, quản lý, điều hành; dân chủ tập trung trung tâm chủ đạo là từ người dân”, bà Sửu đề xuất. Ngoài ra, vị ĐBQH này cũng đề nghị ban soạn thảo bổ sung tiêu chí về số lượng cán bộ, công nhân viên chức trong một cơ quan, đơn vị khi muốn thành lập Ban Thanh tra nhân dân để tránh cồng kềnh trong bộ máy.

 

Nguồn: thuathienhue.gov.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 3.688.047
Truy cập hiện tại 1.851