Sáng ngày 9/6, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị sơ kết 05 năm thực hiện Nghị định số 83/2017/NĐ-CP ngày 18/7/2017 của Chính phủ quy định về công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy và chữa cháy. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Hải Minh dự và phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.
Trong 05 năm qua, trên địa bàn tỉnh xảy ra 511 vụ việc có liên quan đến công tác chữa cháy (CC) và cứu hộ cứu nạn (CNCH). Cụ thể, xảy ra 416 vụ cháy, nổ; 95 vụ sự cố, tai nạn làm chết 53 người; mất tích 11 người, bị thương 12 người.
Trong hầu hết các vụ cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn tỉnh, lực lượng trực tiếp thực hiện công tác cứu nạn, cứu hộ là lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH. Tổng số lượt cán bộ chiến sỹ của lực lượng Công an nhân dân tham gia cứu nạn, cứu hộ là 16.255 lượt cán bộ chiến sỹ. Tổng số người cứu được là 146 người; số người được hướng dẫn thoát nạn là 37 người; tìm được 53 nạn nhân.
Tham gia thảo luận tại hội nghị, nhiều ý kiến nhận định rằng, tình hình cháy, sự cố, tai nạn trên địa bàn tỉnh những năm vừa qua có chiều hướng diễn biến phức tạp, khó lường, đặc biệt là các vụ cháy, sự cố tai nạn gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản có xu hướng gia tăng. Đa số các vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản tập trung tại các nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh và tại các cơ sở tại các Khu công nghiệp. Qua những thiệt hại này, cũng cho thấy công tác ứng phó, CNCH của lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH còn nhiều khó khăn, bất cập; kỹ năng xử lý và khả năng thoát nạn của người dân khi xảy ra cháy, sự cố, tai nạn còn nhiều hạn chế. Vì vậy cần có giải pháp đồng bộ nhằm nâng cao nhận thức của quần chúng nhân dân trong công tác CC và CNCH, nâng cao hiệu quả công tác ứng phó ban đầu cho lực lượng PCCC tại chỗ nhằm hạn chế đến mức thấp nhất các thiệt hại về người và tài sản.
Tại hội nghị
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Hải Minh khẳng định, công tác PCCC và CNCH phải được xác định là nhiệm vụ hết sức quan trọng. Các cấp, các ngành cần quan tâm hơn nữa đến công tác cứu nạn, cứu hộ, nhất là những chính sách đồng bộ từ trung ương xuống địa phương. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nâng cao ý thức cho toàn thể Nhân dân trong công tác PCCC và CNCH; cần phát huy và thực hiện nghiêm túc phương châm “4 tại chỗ” để phát huy tối đa hiệu quả trong việc xử lý các tình huống đột xuất khi có cháy, sự cố, tai nạn xảy ra.
Tăng cường công tác đầu tư, mua sắm các trang thiết bị, phương tiện phục vụ công tác CC và CNCH. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm và có biện pháp giải quyết, khắc phục kịp thời sơ hở, bất cập trong công tác PCCC và CNCH nhằm phòng ngừa, ngăn chặn triệt để các nguyên nhân, điều kiện dẫn đến cháy, sự cố, tai nạn.
Thường xuyên tiến hành rà soát, đánh giá các cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ trên địa bàn quản lý để tham mưu, đề xuất các biện pháp đảm bảo an toàn PCCC và CNCH; Phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu ban hành các quy định, biện pháp xử lý đối với các nhà chuyển đổi công năng vừa ở, vừa sản xuất, kinh doanh, làm kho… không đảm bảo các điều kiện về kinh doanh, ô nhiễm môi trường và PCCC và CNCH. Thường xuyên tổ chức mở các lớp tập huấn, tuyên truyền, phổ biến pháp luật, kiến thức về PCCC và CNCH; huấn luyện các thao tác, kỹ năng, biện pháp thoát nạn khi có cháy, sự cố, tai nạn xảy ra.
Dịp này, 3 tập thể và 5 cá nhân đã vinh dự nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác cứu hộ, cứu nạn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017 – 2022. (Ảnh dưới)