Chiều ngày 02/7, Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (địa chỉ tại số 144, Đường Đặng Thái Thân, phường Thuận Hòa, TP Huế) đã chính thức khánh thành và mở cửa phục vụ khách tham quan. Tham dự buổi lễ có các đồng chí: Thượng tướng Đỗ Căn, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị; Lê Trường Lưu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Phan Ngọc Thọ, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Nguyễn Văn Phương, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh.
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, tên khai sinh là Nguyễn Vịnh, sinh ngày 01 tháng 01 năm 1914, trong một gia đình nông dân nghèo ở thôn Niêm Phò, xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Đất nghèo nuôi những anh hùng, đồng chí sớm giác ngộ lý tưởng cách mạng và nhanh chóng trưởng thành. Tham gia cách mạng từ năm 1934, đến tháng 7 năm 1937, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam). Tháng 11 năm 1937, được cử làm Bí thư Chi bộ. Đầu năm 1938, được cử làm Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên.
Từ 1937 - 1938, chưa đầy hai năm, đồng chí từ một Bí thư Chi bộ được Đảng và Nhân dân giao trách nhiệm giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên. Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí nhiều lần bị thực dân Pháp bắt giam trong những nhà tù khắc nghiệt như Lao Thừa Phủ (Thừa Thiên Huế), nhà tù Lao Bảo (Quảng Trị), nhà tù Buôn Mê Thuột (Đắc Lắc), bị tra tấn dã man. Nhưng dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào, đồng chí vẫn giữ khí tiết người cộng sản dũng cảm, kiên trung, tìm cách vượt ngục về gây dựng phong trào cách mạng. Đồng chí Nguyễn Chí Thanh trở thành linh hồn của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của ba tỉnh Bình Trị Thiên.
Hơn 30 năm hoạt động cách mạng liên tục và vô cùng sôi nổi, đồng chí đã được Đảng giao nhiều chức vụ, trọng trách quan trọng: Bí thư Xứ ủy Trung Kỳ, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên, Bí thư Phân khu ủy Bình Trị Thiên, Bí thư Liên khu ủy Khu IV, Chủ tịch Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam, Bí thư Trung ương Cục miền Nam, Bí thư Quân ủy Miền - Chính ủy quân giải phóng miền Nam, Đại tướng Quân đội nhân dân Việt Nam, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam, Phó Bí thư Tổng Quân ủy Trung ương, Trưởng Ban Nông nghiệp Trung ương, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Bộ Chính trị. Ở bất cứ cương vị công tác nào, đồng chí Nguyễn Chí Thanh luôn kiên quyết, năng động, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Đồng thời, có những quyết sách đúng đắn trong những thời điểm khó khăn nhất của cách mạng.
Năm 1965, khi nghe báo cáo kinh nghiệm đánh Mỹ - ngụy ngay trên chiến hào chưa tan khói súng, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã khẳng định “Nắm thắt lưng địch mà đánh” và ngay lập tức đã trở thành phương châm khi giao chiến với quân Mỹ. Đó là sự ra đời của một trong những chiến thuật vĩ đại trong lịch sử chiến tranh nhân dân Việt Nam. Một chiến thuật được tổng kết từ thực tiễn, đây không còn là cách đánh của một trung đoàn, một quân khu, nó đã trở thành cách đánh của toàn miền, toàn quân, toàn dân.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương phát biểu tại buổi lễ
Nhằm ghi nhận những đóng góp to lớn của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh với quê hương và đất nước, đồng thời phát huy giá trị di sản văn hóa, phát triển hệ thống các bảo tàng trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, ngày 02 tháng 6 năm 2022, Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành Quyết định số 1325/QĐ-UBND về việc cho phép hoạt động bảo tàng ngoài công lập - Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tại địa chỉ số 144 Đặng Thái Thân, phường Thuận Hòa, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế. Tổng số tài liệu, hiện vật, hình ảnh trưng bày là 395, nội dung trưng bày phong phú, khoa học, hiện đại, Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh hứa hẹn sẽ là một điểm tham quan, học tập, nghiên cứu hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước.
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương cho biết, việc khánh thành Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh cùng hệ thống di tích lưu niệm liên quan đến Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tại Thừa Thiên Huế sẽ trở thành những địa chỉ để tham quan, du lịch hấp dẫn, là nơi giáo dục truyền thống, nâng cao lòng yêu nước và tinh thần cách mạng cho mọi thế hệ; đồng thời cụ thể hóa quan điểm xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan thân thiện môi trường và thông minh theo nội dung của Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 10 tháng 12 năm 2019 của Bộ Chính trị.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh tham quan bảo tàng