Theo Kế hoạch 243/KH-UBND về “Triển khai đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh các sở, ban, ngành và địa phương thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2022” (DDCI) vừa được UBND tỉnh ban hành thì trong năm 2022, đối tượng đánh giá DDCI là các nhà đầu tư, doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hợp tác xã đang nghiên cứu, đầu tư và hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Đối tượng được đánh giá DDCI gồm 34 cơ quan, đơn vị do cộng đồng doanh nghiệp đề xuất.
Cụ thể, nhóm các sở, ban, ngành có 18 đơn vị gồm Văn phòng UBND tỉnh; Sở Kế hoạch và Đầu tư; Sở Tài chính; Sở Tư pháp; Sở Xây dựng; Sở Tài nguyên và Môi trường; Sở Du lịch; Sở Văn hoá và Thể thao; Sở Lao động Thương binh và Xã hội; Sở Công Thương; Sở Y tế; Sở Giáo dục và Đào tạo; Sở Giao thông vận tải; Sở Nông nghiệp và PTNT; Sở Khoa học và Công nghệ; Sở Thông tin và Truyền thông; Sở Ngoại vụ và BQL Khu Kinh tế công nghiệp.
Nhóm UBND cấp huyện có 09 đơn vị UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế.
Nhóm các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn có 06 đơn vị gồm: Phòng Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy; Cục Thuế tỉnh; Cục Hải quan tỉnh; Bảo hiểm xã hội tỉnh; Kho bạc nhà nước tỉnh và Cục Quản lý thị trường tỉnh.
Đơn vị cung cấp dịch vụ hạ tầng có 01 đơn vị là Cảng hàng không quốc tế Phú Bài.
Việc đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh năm 2022 nhằm tạo động lực phấn đấu, thi đua về công cuộc cải cách hành chính, nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến nhà đầu tư, doanh nghiệp, chú trọng cải thiện các thủ tục hành chính thuộc các chỉ số thành phần có vị trí xếp hạng thấp, góp phần tăng vị trí xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); phấn đấu năm 2022 tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp tục duy trì và nâng cao vị thứ xếp hạng PCI nằm trong TOP 5 và thuộc vào “Nhóm tốt” của cả nước...
Kết quả của Bộ chỉ số DDCI tiếp tục được dùng làm thước đo để UBND tỉnh đánh giá năng lực điều hành kinh tế của chính quyền các huyện, thị xã, thành phố, các sở, ban, ngành thuộc tỉnh và chấm điểm thi đua vào cuối năm.