Tìm kiếm tin tức
Liên kết website
Sở, Ban, Ngành
UBND Huyện, Thị xã, Thành phố
Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác Tài chính – Ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm 2022
Ngày cập nhật 11/07/2022
Chiều ngày 07/7, Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác Tài chính – Ngân sách Nhà nước (NSNN) 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ Tài chính – NSNN 6 tháng cuối năm 2022 của ngành Tài chính”. Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái dự và chỉ đạo hội nghị. Tại điểm cầu tỉnh Thừa Thiên Huế tham dự hội nghị có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Quý Phương cùng lãnh đạo các sở, ngành liên quan.
Tại điểm cầu trực tuyến tỉnh Thừa Thiên Huế
Tại điểm cầu trực tuyến tỉnh Thừa Thiên Huế
 

Trong 6 tháng đầu năm 2022, công tác điều hành chính sách tài khóa được Bộ Tài chính triển khai chủ động, tập trung chỉ đạo triển khai tốt các luật thuế; chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương làm tốt công tác quản lý thu; xử lý nợ đọng thuế; đẩy mạnh chống thất thu, buôn lậu, gian lận thương mại, trốn thuế.

Tại Hội nghị trực tuyến với các địa phương, Chính phủ đã thống nhất đánh giá các kết quả phát triển kinh tế - xã hội đạt được là rất tích cực. Số doanh nghiệp thành lập mới tăng 13,6% so với cùng kỳ; xuất khẩu tăng 17,3%; GDP quý II tăng 7,72% - mức tăng cao nhất kể từ 10 năm trở lại đây, GDP 6 tháng tăng 6,42%, cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2021 (2,04%); lãi suất, tỷ giá cơ bản ổn định; các cân đối lớn của nền kinh tế được đảm bảo; thu ngân sách nhà nước đạt 66,7% dự toán, tăng 19,9% so cùng kỳ; kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 371 tỷ USD; an ninh, quốc phòng được giữ vững; các chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, chăm lo, bảo vệ sức khỏe người dân được quan tâm thực hiện tốt.

Nhờ các kết quả đạt được trong quá trình khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội, Việt Nam đã trở thành 1 trong 2 nền kinh tế trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương được Tổ chức S&P nâng mức xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn lên mức BB+ "Triển vọng Ổn định"; chỉ số chất lượng sống của người Việt Nam năm 2022 tăng 39 bậc so với năm 2021.

Để hoàn thành cao nhất nhiệm vụ Tài chính - Ngân sách Nhà nước năm 2022, Bộ Tài chính sẽ tập trung triển khai kịp thời, trọng tâm, trọng điểm các giải pháp chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu hoàn thành và vượt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2022 đã đề ra. Đồng thời, tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế, các đề án tài chính - NSNN theo chương trình công tác của Chính phủ và yêu cầu thực tế, đảm bảo yêu cầu về thời hạn, chất lượng, khả thi.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái phát biểu chỉ đạo tại hội nghị (Ảnh VGP/Quang Thương)

Sau khi lắng nghe các báo cáo và ý kiến của Bộ Tài Chính, các ngành, địa phương, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đánh giá cao và biểu dương những nỗ lực của ngành Tài chính trong thực hiện nhiệm vụ điều hành chính sách tài khóa thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế.

Phó Thủ tướng lưu ý, mặc dù các kết quả đạt được trong nửa đầu năm 2022 là rất tích cực, đất nước vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức cả từ bên trong lẫn bên ngoài, đòi hòi chúng ta phải tập trung theo dõi, đánh giá, để có những giải pháp ứng phó phù hợp.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chỉ đạo, để hoàn thành mục tiêu của cả năm 2022, các bộ, ngành, địa phương cần phải tập trung vào các giải pháp sau:

Một là, tiếp tục nghiên cứu các chính sách tài khóa về thuế, phí để trình cấp có thẩm quyền quyết định nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Phối hợp hiệu quả chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ để kịp thời tham mưu, tăng cường phân tích dự báo, rà soát, cập nhật các kịch bản tăng trưởng và các giải pháp chỉ đạo điều hành trên các lĩnh vực được giao. Kịp thời đề xuất các giải pháp để giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế.

Hai là, tập trung rà soát những điểm chồng chéo ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh; huy động và khơi thông nguồn lực đưa đất nước phát triển bền vững. Tiếp tục rà soát, cắt giảm các thủ tục hành chính, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh, nhất là các lĩnh vực về thuế, hải quan. Đề xuất sửa đổi, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật để tháo gỡ khó khăn, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để phát triển mô hình kinh tế số, mở rộng ứng dụng CNTT trong dịch vụ công, xử lý hồ sơ nghiệp vụ, thủ tục hành chính trên môi trường mạng. Định kỳ đối thoại với doanh nghiệp, tạo điều kiện cho người nộp thuế.

Ba là, Bộ Tài chính cần phối hợp với các bộ ngành, địa phương để làm tốt công tác thu ngân sách; rà soát, nắm chắc các nguồn thu, tiếp tục mở rộng cơ sở thuế, chủ động đề ra các giải pháp phù hợp với từng lĩnh vực, địa bàn, đối tượng thu; tăng cường chống thất thu, chống chuyển giá, đẩy mạnh ứng dụng CNTT, hiện đại hóa phương thức quản lý thuế, cắt giảm hơn nữa thời gian giải quyết các thủ tục hành chính thuế; chủ động đề xuất ban hành, thí điểm các thể chế chính sách đáp ứng yêu cầu phát triển trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 như kinh tế số, giao dịch xuyên biên giới…

Các đồng chí lãnh đạo địa phương, lãnh đạo các ngành, các cấp cần vào cuộc chỉ đạo sát sao thực hiện các giáp pháp triển khai nhiệm vụ tài chính ngân sách đã được Quốc hội, Chính phủ quyết định; phối hợp chặt chẽ với cơ quan thuế, hải quan tăng cường quản lý thu, chống thất thu thuế, chống chuyển giá, xử lý và thu hồi nợ đọng thuế trên địa bàn…

Bốn là, trong phạm vi dự toán được giao, đẩy mạnh phân cấp phân quyền, phân công, phân nhiệm đi đôi với tăng cường công tác phối hợp, kiểm tra, đánh giá việc thực hiện, linh hoạt, kịp thời, tháo gỡ khó khăn vướng mắc nhất là thể chế, thủ tục hành chính; rà soát, sắp xếp các nhiệm vụ chi, cắt giảm tối đa các khoản chi thực sự không cần thiết theo đúng quy định; triển khai thực hành tiết kiệm chống lãng phí trong các cơ quan nhà nước; ưu tiên nguồn lực cho các nhiệm vụ quan trọng cấp bách, nhất là phòng chống Covid-19, chương trình phục hồi kinh tế - xã hội, phòng chống khắc phục bão lũ, thiên tai.

Năm là, tiếp tục theo dõi diễn biến thị trường, nhất là các mặt hàng quan trọng thiết yếu để kịp thời đề xuất các giải pháp cân đối cung cầu, bình ổn giá. Tăng cường công tác kiểm tra pháp luật về giá để phát hiện xử lý những trường hợp sai phạm. Bộ Tài chính với vai trò là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo điều hành giá cần quán triệt tinh thần quyết tâm thực hiện điều hành giá đúng mục tiêu từ đầu năm đã đề ra.

Sáu là, đẩy mạnh tái cấu trúc, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, đổi mới đơn vị sự nghiệp công lập; nâng cao hiệu quả hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, bảo đảm dự toán thu và giảm áp lực chi NSNN.

Bảy là, siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và công khai, minh bạch; Đẩy mạnh hoạt động kiểm tra chống buôn lậu, gian lận thương mại của Ban chỉ đạo 389 quốc gia để chống buôn lậu, gian lận thương mại; thực hiện nghiêm các kết luận thanh tra, kiểm toán.

 

Nguồn: thuathienhue.gov.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 3.681.668
Truy cập hiện tại 676