Sáng ngày 15/7, HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế khóa VIII, nhiệm kỳ 2021 – 2026 tiếp tục với phiên thảo luận bàn các giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm nhằm thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch kinh tế - xã hội an ninh quốc phòng năm 2022. Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lê Trường Lưu; Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Quang Tuấn; Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thị Ái Vân chủ trì kỳ họp.
Tạo động lực phát triển kinh tế xã hội
Theo báo cáo của UBND tỉnh, 6 tháng đầu năm 2022, kinh tế tăng trưởng đạt 6,92%; thu ngân sách đạt 5.786 tỷ đồng, bằng 84,3% so với dự toán. Lĩnh vực du lịch - dịch vụ tăng trưởng 7,89%; khách du lịch tăng 44%; Doanh thu từ du lịch ước đạt 1.721 tỷ đồng, tăng 70% so với cùng kỳ, đạt 50% kế hoạch.
Đặc biệt, đã tổ chức thành công tuần lễ Festival Huế. Công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh đạt nhiều kết quả vượt bậc. Các lĩnh vực văn hoá - xã hội có nhiều khởi sắc; an sinh xã hội được đảm bảo; đời sống của nhân dân ngày một tốt hơn. An ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Thảo luận tại hội trường, ý kiến các đại biểu cơ bản thống nhất với các kết quả đạt được. Ngoài ra, nhiều ý kiến đóng góp nhằm hoàn thiện các khung chính sách, tháo gỡ các khó khăn nội tại.
Đại biểu Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao cho rằng, thời gian tới, tỉnh cần xem xét bổ sung đầu tư các thiết chế về văn hóa, thể thao, bởi hoạt động này sẽ góp phần vào việc tạo nên diện mạo mới cho đô thị di sản Huế trong tương lai.
Đại biểu Phan Thiên Định, UVTV Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Huế tham gia thảo luận tại kỳ họp
Các đại biểu cũng đề xuất tỉnh và các địa phương xem xét lại các phương án quy hoạch, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới tư duy, nhận thức để tạo động lực phát triển kinh tế xã hội.
Đại biểu Phan Thiên Định, UVTV Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Huế đề nghị tỉnh cần dành quỹ đất để xây dựng các khách sạn, trung tâm hội nghị lớn để có thêm cơ sở lưu trú phục vụ du lịch.
Đại biểu Nguyễn Đại Viên, Giám đốc Sở Xây dựng cũng thông tin một số khó khăn trong công tác lập quy hoạch. Đó là quy trình lựa chọn đơn vị tư vấn quy hoạch; vướng mắc trong lấy ý kiến người dân về lập đồ án quy hoạch; khó khăn về nguồn kinh phí. Giám đốc Sở Xây dựng kiến nghị các địa phương cần chủ động bố trí thêm nguồn vốn để đẩy nhanh việc lập đồ án quy hoạch, tỉ lệ quy hoạch,…
Đẩy nhanh tiến độ triển khai các chương trình, dự án trọng điểm
Phát biểu tiếp thu ý kiến và giải trình các nội dung HĐND tỉnh thảo luận, thay mặt UBND tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình xin tiếp thu các ý kiến của các đại biểu, các Ban HĐND tỉnh để bổ sung, hoàn chỉnh các báo cáo, chương trình, dự án đã đề ra và tập trung triển khai thực hiện các Nghị quyết của HĐND tỉnh và ý kiến của đại biểu HĐND tỉnh về nhiệm vụ phát triển KTXH năm 2022.
Nhằm phục hồi, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội theo kế hoạch đã đề ra, UBND tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị; hoàn thành xây dựng các đề án, quy hoạch quan trọng. Chủ động phối hợp với Bộ Tài chính tham mưu trình Chính phủ ban hành Nghị định thành lập Quỹ Bảo tồn di sản Huế. Sớm triển khai kết luận của Tỉnh ủy về thực hiện thí điểm chính sách hỗ trợ cho các hãng tàu biển mở tuyến vận chuyển container đi, đến cảng Chân Mây góp phần khai thác, phát huy tiềm năng, thế mạnh của cảng biển nước sâu cũng như phát triển sản xuất, kinh doanh, thu hút đầu tư, tăng thu ngân sách cho tỉnh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình phát biểu tại kỳ họp
Bên cạnh đó tập trung triển khai hiệu quả Đề án “Phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội tỉnh giai đoạn 2022 - 2025”, đặc biệt là lĩnh vực du lịch. Xây dựng các giải pháp phục hồi phát triển du lịch, kích cầu phát triển thị trường du lịch nội địa và thị trường khách quốc tế để thu hút du khách. Hỗ trợ phát triển mạnh các loại hình thương mại, dịch vụ, khuyến khích đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển mạnh thương mại điện tử,… Tăng cường công tác xúc tiến đầu tư, chuẩn bị hạ tầng kỹ thuật, có chính sách hỗ trợ tạo điều kiện để các doanh nghiệp, tập đoàn lớn tham gia đầu tư vào các lĩnh vực góp phần phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn tỉnh.
Chỉ đạo quyết liệt việc giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu giải ngân đạt 100% kế hoạch vốn được giao theo kế hoạch. Tăng cường kiểm tra, đôn đốc, xử lý các dự án đầu tư công chậm tiến độ, chậm giải ngân. Đẩy mạnh công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư. Kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án sử dụng ngân sách nhà nước và các dự án ngoài ngân sách nhà nước. Tập trung nguồn lực tiếp tục đẩy nhanh tiến độ triển khai các chương trình, dự án trọng điểm có vai trò quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Hỗ trợ, giám sát, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án đã được cấp chủ trương đầu tư.
Tập trung chỉ đạo xây dựng kế hoạch và triển khai đảm bảo tiến độ, hiệu quả 03 chương trình mục tiêu Quốc gia: Xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Phấn đấu cuối năm 2022 toàn tỉnh có số xã đạt chuẩn nông thôn mới, xã nông thôn mới nâng cao, xã nông thôn mới kiểu mẫu đạt theo kế hoạch. Đồng thời chỉ đạo các địa phương, cơ quan sớm hoàn thành phương án thoát nghèo cho từng hộ nghèo trên địa bàn toàn tỉnh.
Triển khai thực hiện nghiêm túc, đồng bộ, có hiệu quả chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ và của tỉnh; không chủ quan, lơ là đối với dịch bệnh Covid-19; đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin phòng Covid-19; chủ động bảo đảm thích ứng an toàn, linh hoạt trong điều kiện bình thường mới; tư vấn, hỗ trợ người dân về điều trị di chứng hậu Covid-19. Tập trung chỉ đạo các ngành, các cấp tăng cường công tác tuyên truyền về các giải pháp phòng, chống dịch, bệnh. Tiếp tục quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế cho các bệnh viện, trạm y tế để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho nhân dân.
Đồng thời đẩy nhanh tiến độ xây dựng và thực hiện các kế hoạch, đề án về phát triển văn hóa, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa; trong đó tập trung nguồn lực để triển khai một số đề án, chương trình trọng điểm, tránh dàn trải. Tăng cường các giải pháp xúc tiến kêu gọi đầu tư xã hội hóa vào khai thác, phát huy các giá trị di sản văn hóa, nghệ thuật trên địa bàn tỉnh. Xây dựng các chương trình, kế hoạch cụ thể để tổ chức tốt các hoạt động Festival 4 mùa./.