Chiều ngày 2/8, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đã đến thăm Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế. Tại buổi đến thăm Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đã tặng quà, biểu dương, động viên CBVC và người lao động Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đoàn kết, nỗ lực vượt qua khó khăn sau ảnh hưởng của Đại dịch Covid 19 để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Báo cáo với Phó Chủ tịch nước, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế Hoàng Việt Trung cho biết, sau 40 năm xây dựng, phấn đấu và trưởng thành, đến nay, trên tất cả các lĩnh vực công tác của đơn vị đều có sự đổi mới và phát triển, đạt được nhiều thành quả nổi bật.
Đặc biệt, sau gần 30 năm được UNESCO công nhận là di sản văn hoá thế giới (từ năm 1993), với 2 đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong lĩnh vực bảo tồn các giá trị văn hoá vật thể đã có tổng cộng gần 200 công trình và hạng mục công trình thuộc Quần thể di tích Cố đô Huế được bảo tồn tu bổ, phục hồi, tôn tạo. Trong đó, từ năm 2019 đến nay đã phối hợp với Thành phố Huế để thực hiện dự án Bảo tồn, tu bổ và tôn tạo hệ thống Kinh thành Huế - hợp phần di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực I hệ thống di tích Kinh thành Huế thuộc quần thể di tích Cố đô Huế. Theo đó, thực hiện di dời hơn 4914 hộ dân (giai đoạn 1), đến nay đã di dời được hơn 3.000 hộ.
Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân phát biểu
Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân bày tỏ vui mừng và phấn khởi trước những đổi mới của Thừa Thiên Huế, trong đó có những đổi mới của của Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế. Để góp phần thúc dẩy công cuộc bảo tồn và phát huy giá trị Di sản văn hoá nhân loại của Cố đô Huế lên một tầm cao mới, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đề nghị Tỉnh Thừa Thiên Huế nói chung và Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế nói riêng tiếp tục quán triệt niềm tự hào về các di sản đang được bảo tồn giữ gìn và phát huy có hiệu quả. Cần đẩy mạnh phát triển văn hóa, con người Việt Nam, văn hóa Huế trong tiến trình xây dựng Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Phó Chủ tịch nước cũng lưu ý thêm, tỉnh Thừa Thiên Huế phải phát triển nguồn nhân lực văn hoá, trong đó chú ý đến nguồn nhân lực quản lý nhà nước về văn hóa và nguồn lực lao động trực tiếp là các nghệ sĩ nghệ nhân. Tiếp tục nghiên cứu khoa học kỹ thuật trong bảo tồn di tích, gắn kết giữa phát triển văn hoá với kinh tế.