Sáng 9/8, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số chủ trì Hội nghị sơ kết 6 tháng năm 2022 thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06). Tham dự Hội nghị có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn; Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương.
Hội nghị do Bộ Công an phối hợp với Văn phòng Chính phủ tổ chức, được kết nối tới UBND 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, UBND các quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn trên cả nước. 130.700 đại biểu tham dự Hội nghị qua gần 11.000 điểm cầu trên cả nước. Tại điểm cầu tỉnh Thừa Thiên Huế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án 06 tỉnh Nguyễn Thanh Bình, cùng đại diện các sở, ban, ngành tham dự Hội nghị.
Báo cáo của Bộ Công an và các phát biểu, tham luận của các bộ, ngành, địa phương tại Hội nghị đã đánh giá kết quả, những hạn chế, khó khăn, vướng mắc, phân tích nguyên nhân, đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để thúc đẩy mạnh mẽ hơn việc triển khai Đề án 06 nói riêng và công cuộc chuyển đổi số quốc gia thời gian tới.
Theo đó, nhận thức của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và người dân về chuyển đổi số quốc gia, trong đó có việc thực hiện Đề án 06 ngày càng đầy đủ, toàn diện, sâu sắc. Người dân, doanh nghiệp dần nhận thấy những tiện ích do chuyển đổi số mang lại. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Đề án được tiến hành quyết liệt, thường xuyên, liên tục. Trong 6 tháng đầu năm 2022, Lãnh đạo Chính phủ đã chủ trì 16 cuộc họp chỉ đạo các nội dung của Đề án; ban hành 01 Chỉ thị, 01 Công điện, 07 Thông báo liên quan; 04 Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ có nội dung chỉ đạo về Đề án. Bên cạnh đó, việc hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách được triển khai tích cực, đồng bộ ở cả Trung ương và địa phương.
Việc triển khai dịch vụ công trực tuyến trên nền tảng cơ sở dữ liệu quốc gia (CSDLQG) về dân cư được đẩy mạnh, đem lại hiệu quả thiết thực. Đến nay, đã có gần 125 triệu hồ sơ xử lý trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Hoàn thành 21/25 dịch vụ công mức độ 3, 4 đúng lộ trình Đề án 06; ngoài ra, riêng Bộ Công an đã hoàn thành mức độ 3, 4 đối với 187/224 dịch vụ công của toàn ngành công an. Việc kết nối, chia sẻ giữa CSDLQG về dân cư với các CSDL các bộ, ngành, địa phương được đẩy mạnh; tích hợp, kết nối và mở rộng thu thập dữ liệu dân cư, từng bước hình hành các CSDL lớn, hệ sinh thái công dân số, phục vụ quản trị quốc gia, phát triển kinh tế-xã hội. Đến nay, CSDLQG về dân cư đã kết nối, chia sẻ dữ liệu với 11 bộ, ngành, 14 địa phương và 04 doanh nghiệp Nhà nước; đồng thời, hỗ trợ các tổ chức đoàn thể xây dựng CSDL về hội viên, đoàn viên... Tạo lập những nền tảng, cơ sở quan trọng để thúc đẩy các ứng dụng công dân số, kinh tế số, xã hội số. Bộ Công an đã cấp trên 67 triệu thẻ căn cước có gắn chíp điện tử; đồng thời, bước đầu thí điểm triển khai một số ứng dụng của thẻ căn cước tích hợp thẻ bảo hiểm y tế khi đi khám chữa bệnh, thẻ ATM rút tiền tại ngân hàng, sử dụng thẻ căn cước để kiểm soát an ninh, an toàn các sự kiện lớn... Hệ thống định danh và xác thực điện tử đi vào hoạt động chính thức từ ngày 18/7/2022, hình thành hệ sinh thái công dân số…
Về kết quả triển khai các nhiệm vụ của Đề án 06, trong năm 2022, tổng số nhiệm vụ được giao tại Đề án 06 và các nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao là 126 nhiệm vụ. Số nhiệm vụ giao hoàn thành trong 6 tháng đầu năm 2022 là 46/126 nhiệm vụ, trong đó, các bộ, ngành, địa phương đã hoàn thành được 21/46 nhiệm vụ (45,7%), hiện nay còn lại 25 nhiệm vụ chưa hoàn thành (chiếm 54,3%).
Tại điểm cầu trực tuyến tỉnh Thừa Thiên Huế
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương những nỗ lực, cố gắng và kết quả đạt được, với sự chỉ đạo quyết liệt của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; vai trò nòng cốt của lực lượng công an nhân dân, sự tham gia, phối hợp chặt chẽ của bộ, ngành, địa phương; sự nỗ lực, chung tay đồng hành, tham gia có hiệu quả của doanh nghiệp công nghệ; sự đồng lòng, ủng hộ, tham gia tích cực của người dân, doanh nghiệp.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các cấp, các ngành cần thống nhất nhận thức, quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, khắc phục mọi tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức để triển khai hiệu quả Đề án 06 rất quan trọng này, với một số quan điểm, định hướng chỉ đạo lớn. Theo đó, phải liên tục đổi mới, có tư duy đột phá và tầm nhìn chiến lược để vừa triển khai các nhiệm vụ trước mắt, cấp bách, vừa hướng tới mục tiêu lâu dài, để tránh lãng phí nguồn lực.
Phát huy tính chủ động, tính sáng tạo; huy động mọi nguồn lực, sự tham gia xây dựng và phát triển của cả hệ thống chính trị và của người dân và cộng đồng doanh nghiệp. Việc thực hiện chuyển đổi số quốc gia nói chung, Đề án 06 nói riêng không phải nhiệm vụ riêng lẻ của bộ, ngành, địa phương nào, mà cần huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự tham gia và hưởng ứng của người dân và cộng đồng doanh nghiệp. "Chúng ta phải phát triển bằng được hệ sinh thái công dân số để người dân, doanh nghiệp hiểu, sử dụng nó, làm giàu thông tin và là một bộ phận không thể tách rời khỏi đời sống kinh tế, xã hội của người dân", Thủ tướng nhấn mạnh.
Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm, đề cao trách nhiệm người đứng đầu đi đôi với phân bổ nguồn lực phù hợp, nâng cao năng lực cán bộ thi và tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực, khen thưởng, động viên và kỷ luật nghiêm minh, kịp thời. Hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân; triển khai một cách hợp lòng dân để người dân và cộng đồng doanh nghiệp ủng hộ, tham gia tích cực. Khẩu hiệu: "Đúng, đủ, sạch, sống" dành cho cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong thời gian qua đã phát huy hiệu quả, song Thủ tướng đề nghị các cơ quan nghiên cứu thêm trên quan điểm "thuận lợi, công khai, minh bạch, đồng thuận xã hội, bảo đảm được an ninh, an toàn cho người dân".
Thủ tướng một lần nữa nhấn mạnh yêu cầu triển khai công việc thực chất, tránh hình thức, để người dân và doanh nghiệp thấy được sự thiết thực, hiệu quả, tiện ích, tiết kiệm và bảo mật thông tin, từ đó đồng tình ủng hộ, hưởng ứng tham gia thực hiện. "Việc gì được người dân và doanh nghiệp ủng hộ thì sẽ thành công, khó mấy cũng lo được", Thủ tướng nhấn mạnh.