Ngày 8/8/2022, tại tỉnh Quảng Ngãi đã diễn ra Hội nghị sơ kết Diễn đàn liên kết phát triển du lịch giữa Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung (Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định).
Hội nghị với sự tham dự của 300 đại biểu là Lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Lãnh đạo Tổng cục Du lịch, Lãnh đạo Thành phố Hà Nội, Lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh và lãnh đạo 5 tỉnh/thành phố Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung; Sở Du lịch Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Sở Du lịch/Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch 5 tỉnh/thành phố Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung; Hiệp hội Du lịch Việt Nam và Hiệp hội Du lịch các địa phương; các hãng hàng không, doanh nghiệp lữ hành, lưu trú và các cơ quan báo chí trung ương và địa phương
Về phía tỉnh Thừa Thiên Huế có UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình, Phó Giám đốc Sở Du lịch Hoàng Phước Nhật và một số doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh đã tham dự Hội nghị.
Hội nghị lần này là sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động hưởng ứng Năm Du lịch Quốc gia – Quảng Nam 2022 và là sự kiện quan trọng nhằm đánh giá một cách toàn diện công tác liên kết phát triển du lịch giữa các tỉnh, thành phố, doanh nghiệp lữ hành, lưu trú, vận chuyển…; qua đó thúc đẩy phục hồi và phát triển du lịch các tỉnh, thành phố trong nhóm liên kết sau đại dịch Covid-19.
Theo đánh giá chung, hoạt động liên kết phát triển du lịch giữa Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung là một hoạt động ý nghĩa trong việc phát triển du lịch chung của cả nước cũng như của từng địa phương, đặc biệt trong bối cảnh ngành du lịch các địa phương đều bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19. Hoạt động nhận được sự quan tâm và đồng thuận cao từ lãnh đạo Trung ương đến các địa phương nằm trong liên kết cũng như của các doanh nghiệp 07 tỉnh/thành phố; đồng thời, nhận được sự phối hợp và hưởng ứng tích cực của Hiệp hội Du lịch và các doanh nghiệp trong công tác triển khai các hoạt động liên kết, xúc tiến chung của vùng. Các địa phương thể hiện được sự liên kết, phối hợp chặt chẽ trong việc triển khai các hoạt động chung nhằm mục tiêu phục hồi du lịch cho nhóm liên kết. Thông tin, hình ảnh du lịch của các địa phương thường xuyên được đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu đến thị trường trong nước và quốc tế thông qua các kênh, mạng xã hội.
Các tỉnh, thành phố đã tích cực triển khai, trao đổi thông tin, liên kết xây dựng những định hướng mới trong phát triển du lịch tại địa phương; khai thác hiệu quả các giá trị tài nguyên du lịch tự nhiên, đa dạng và đặc trưng của vùng; cùng hệ thống di tích văn hóa, lịch sử, làng nghề, ẩm thực phong phú; phát huy lợi thế cửa ngõ vùng, cửa ngõ quốc tế, tăng tỉ lệ khách du lịch, tăng chi tiêu và thời gian lưu trú của du khách.
Năm 2021, tổng lượt khách tham quan và lưu trú du lịch của 7 tỉnh thành trong nhóm liên kết đạt 17,685 triệu lượt; thu nhập xã hội từ du lịch ước đạt 63.073 tỷ đồng. Trong 06 tháng đầu năm 2022, kết quả hoạt động kinh doanh du lịch đã có những diễn biến tích cực. Tổng lượt khách tham quan, lưu trú du lịch ước đạt 32,917 triệu lượt khách, trong đó có gần 1 triệu lượt khách quốc tế; thu nhập xã hội từ du lịch ước đạt 87.892 tỷ đồng. Kết quả đạt được rất đáng khích lệ, đã thực hiện thành công mục tiêu tăng tỷ lệ khách du lịch, góp phần phục hồi phát triển ngành du lịch sau ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, đóng góp hiệu quả vào sự phát triển kinh tế xã hội của cả vùng nói riêng, cả nước nói chung…
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế - ông Nguyễn Thanh Bình nêu rõ, liên kết hợp tác phát triển là vấn đề sống còn đối với hoạt động du lịch. Điều đó càng thể hiện rõ trong giai đoạn phục hồi du lịch trong trạng thái bình thường mới như hiện nay. Hơn lúc nào hết, cần thiết phải có sự chung tay góp sức của các ngành có liên quan, chính quyền các địa phương phải tỏ rõ quyết tâm, phải thật sự vào cuộc với tinh thần hỗ trợ cho nhau cùng phát triển. “Chúng ta sẽ cùng nắm tay nhau, đoàn kết hợp tác để đưa sự nghiệp du lịch các địa phương liên kết nói riêng và của cả nước nói chung vượt qua khó khăn thời kỳ đại dịch, phát triển lên tầm cao mới, xứng đáng là ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước” – Ông Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đề nghị các địa phương cùng nhau cải thiện môi trường du lịch, đẩy mạnh liên kết trong việc phát triển quy hoạch, kết nối hạ tầng; phát huy giá trị di sản văn hóa của mỗi địa phương; hợp tác ứng dụng công nghệ số, du lịch thông minh vào liên kết phát triển du lịch, nhất là số hóa, chia sẻ dữ liệu về du lịch nhằm đem lại hiệu quả trong quản lý nhà nước về du lịch và tiện ích đối với khách du lịch. Các tỉnh, thành trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung cần xây dựng danh mục các sản phẩm có giá trị chung, tránh trùng lắp để tạo thành chuỗi dịch vụ trong bộ sản phẩm liên kết các tỉnh trọng điểm miền Trung. Liên kết phát huy tài nguyên và nguồn lực của địa phương để phát triển sản phẩm liên kết vùng, phát triển thị trường khách MICE, du lịch cuối tuần, du lịch văn hóa, phát triển sản phẩm du lịch đô thị, du lịch biển đảo, du lịch chăm sóc sức khoẻ, du lịch giáo dục… Đề nghị các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành của Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục hỗ trợ xây dựng và chào bán sản phẩm du lịch của các địa phương trong liên kết cho du khách trong nước và quốc tế tại các tỉnh/thành Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Đề nghị Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh làm đầu mối mở rộng liên kết trong nước để doanh nghiệp các tỉnh, thành phố trong liên kết phối hợp xây dựng chào bán sản phẩm du lịch của miền Trung phù hợp thị hiếu của từng thị trường cụ thể. Phát huy sáng kiến phát triển du lịch từ cộng đồng thông qua diễn đàn trực tuyến hiến kế phát triển du lịch Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Phối hợp triển khai ứng dụng du lịch thông minh trong công tác quảng bá xúc tiến du lịch, chiến lược quảng bá marketing điện tử song phương, đa phương tại các địa phương trong vùng. Thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh tổ chức triển khai Tuần văn hóa Du lịch tại các tỉnh miền Trung và ngược lại để giới thiệu, quảng bá điểm đến và các sản phẩm du lịch độc đáo của địa phương…
Hội nghị đã chỉ ra những hạn chế, tồn tại trong việc thực hiện thỏa thuận liên kết phát triển du lịch giữa thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung giai đoạn 2021 – 2022 như chưa tạo được sản phẩm du lịch chung, đặc sắc, mang thương hiệu riêng. Chưa triển khai được nhiều chương trình liên kết, phối hợp đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực... Đồng thời đề ra phương hướng, nhiệm vụ chủ yếu giai đoạn 2022-2025 cùng các giải pháp thực hiện như: đẩy mạnh công tác phối hợp giữa các Sở Du lịch/Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch để triển khai Kế hoạch liên kết, hợp tác phát triển du lịch giữa các địa phương liên kết. Quan tâm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người lao động du lịch. Tập trung nâng cao chất lượng và phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng, hấp dẫn của từng địa phương. Đẩy mạnh thông tin, quảng bá, xúc tiến du lịch gắn với thực hiện trên các nền tảng trong hệ sinh thái thông tin du lịch đến các nhân vật có sức hút lớn trong cộng đồng mạng (facebooker, travel blogger…). Tổ chức nhiều sự kiện thường niên lẫn sự kiện mới thu hút sự tham gia đông đảo của du khách trong và ngoài nước. Nhanh chóng khởi động lại hoạt động liên kết, hợp tác phát triển du lịch song phương, đa phương với các tỉnh, thành và các vùng miền trong cả nước. Qua đó, khơi thông dòng khách giữa Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Hà Nội đến các tỉnh, thành và ngược lại…