Chiều ngày 31/8, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ chủ trì buổi họp Ban chỉ đạo giảm nghèo bền vững (GNBV) tỉnh nhằm soát xét việc triển khai các nhiệm vụ GNBV trên địa bàn toàn tỉnh.
Cùng làm việc với Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ là thành viên Ban Chỉ đạo gồm: UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình; UVTV Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Huế Phan Thiên Định; UVTV Tỉnh ủy, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Nguyễn Chí Tài; UVTV Tỉnh ủy, Chỉ huy Trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Ngô Nam Cường; Bí thư, Phó Bí thư Thường trực các huyện, thị, TP. Huế; lãnh đạo các đơn vị, địa phương liên quan.
Ban Chỉ đạo GNBV tỉnh đã phân bổ chỉ tiêu giảm nghèo từng năm rất cụ thể cho các địa phương từ nay đến năm 2025. Riêng trong năm 2022, toàn tỉnh phấn đấu giảm 2.315 hộ nghèo. Từ thực tế thực hiện về giảm nghèo bền vững thời gian qua cho thấy, vẫn còn những tồn tại, khó khăn; đó là, hiện số nhà tạm còn quá nhiều (nhu cầu nhà ở của hộ nghèo trên địa bàn tỉnh là 3.314 nhà), việc tìm các nguồn hỗ trợ công tác xóa nhà tạm còn rất khó khăn; số hộ nghèo có khả năng lao động nhưng không chịu lao động vẫn còn; khối lượng công việc quá nhiều, địa phương, cơ sở thiếu người nên dẫn đến công tác rà soát còn có lúc chậm; công tác phối hợp giữa các cơ quan, ban ngành cấp huyện và cấp xã trong việc triển khai công tác giảm nghèo có lúc, có nơi chưa đồng bộ.
Tại buổi làm việc, nhiều ý đề xuất như quan trọng là tập trung xóa nhà tạm và giải quyết công ăn việc làm; đề nghị bổ sung nâng định mức hỗ trợ sửa chữa nhà; hộ nghèo còn có khả năng lao động; nghiên cứu giải pháp huy động các nhà máy đào tạo trực tiếp giải quyết việc làm; có mô hình nhà tạm chung cho các huyện để giảm chi phí cho hộ nghèo…
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ kiểm tra cơ sở sản xuất mây tre tại xã Thượng Lộ huyện Nam Đông
Phát biểu kết luận, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ chỉ đạo, đã đến lúc các địa phương phải xác định, hàng tháng, hàng quý có bao nhiêu hộ đã thoát nghèo, có bao nhiêu người có việc làm, tăng thu nhập; tập trung rà soát, điều chỉnh nếu thấy sự bất hợp lý trong số liệu về hộ nghèo. Số nhà tạm hiện nay quá lớn, trong đó, huyện A Lưới chiếm tỷ lệ nhiều nhất. Ban Chỉ đạo giảm nghèo bền vững huyện A Lưới cần có những giải pháp cụ thể nào để giảm tỷ lệ nhà tạm xuống. Có việc làm, thu nhập ổn định cho người dân là mục tiêu cao nhất, then chốt trong giảm nghèo bền vững. Tuy nhiên, phải làm thay đổi tư duy, nhận thức của người dân, tránh tình trạng trông chờ, ỷ lại. Song song đó, thành lập các tổ nghiên cứu, theo dõi việc giảm nghèo trong từng hộ dân ở các địa phương. Mỗi địa phương cần có sự mô tả từng nhà rất cụ thể để triển khai xóa nhà tạm mang lại hiệu quả cao, tạo sự đồng thuận trong nhân dân. Từ đó, tạo nguồn, huy động hỗ trợ kinh phí xóa nhà tạm từ các nguồn khác nhau. Thống nhất phương thức quản lý chung nguồn kinh phí, việc quyết toán ở các địa phương, tránh tình trạng chồng chéo, sai sót; phát động phong trào huy động tổng lực cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể, chính trị xã hội cùng chung tay, góp sức giảm nghèo bền vững trong năm 2022; phong trào bản làng, dòng tộc không có hộ nghèo và chuẩn bị kế hoạch giảm nghèo cho năm 2023 cũng như quyết tâm đưa A Lưới thoát khỏi 74 huyện nghèo toàn quốc trong năm tiếp theo.