Sáng ngày 15/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị chuyên đề về đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính (TTHC) và hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Tham dự Hội nghị có Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, lãnh đạo các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương, các địa phương, một số doanh nghiệp công nghệ thông tin (CNTT). Tham dự tại điểm cầu tỉnh Thừa Thiên Huế có Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương; UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình và lãnh đạo các Sở, ban ngành liên quan.
Các báo cáo, ý kiến tại Hội nghị đánh giá, thời gian qua, các bộ, ngành, địa phương đã quan tâm, nỗ lực triển khai các nhóm nhiệm vụ, giải pháp và đạt được một số kết quả tích cực, quan trọng về cải cách TTHC, hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành.
Việc phân cấp trong giải quyết TTHC được quan tâm chỉ đạo, từng bước đẩy mạnh theo hướng cấp nào sát cơ sở, sát nhân dân nhất thì giao cấp đó giải quyết, không để nhiều tầng nấc, kéo dài thời gian giải quyết và gây nhũng nhiễu, tiêu cực. 699 TTHC đã được phê duyệt phương án phân cấp giải quyết, chiếm 13,47% TTHC. Việc rà soát, đơn giản hóa TTHC nội bộ giữa các cơ quan hành chính Nhà nước được tích cực triển khai.
Việc đổi mới thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC theo hướng số hóa, không phụ thuộc vào địa giới hành chính được chú trọng, bước đầu có kết quả. Cả nước hiện có 11.699 bộ phận một cửa các cấp (57 trung tâm phục vụ hành chính công cấp tỉnh). 53/63 địa phương đã hợp nhất Cổng Dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử.
Dịch vụ công trực tuyến được triển khai ngày càng hiệu quả, sâu rộng. Đã cung cấp 3.805 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; hơn 2,8 triệu tài khoản đăng ký (tăng 2,8 lần so với cùng kỳ 2021); hơn 4,78 triệu hồ sơ trực tuyến được thực hiện (tăng 3 lần so với cùng kỳ); hơn 129,6 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái (tăng 2 lần so với cùng kỳ); hơn 2,6 triệu giao dịch thanh toán trực tuyến với hơn 2,78 nghìn tỷ đồng (tăng 16 lần so với cùng kỳ 2021).
Công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ dựa trên dữ liệu được thúc đẩy thông qua hoạt động kết nối, tích hợp và chia sẻ thông tin, dữ liệu và xây dựng Bộ Chỉ số phục vụ sự chỉ đạo, điều hành. Bước đầu đã xây dựng Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia, đưa Trung tâm Thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đi vào hoạt động.
Các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành được đẩy mạnh triển khai, đặc biệt là Cơ sở Dữ liệu quốc gia về dân cư, đã số hóa và tạo lập gần 100 triệu dữ liệu dân cư được cấp số định danh cá nhân, cập nhật thường xuyên từ cấp xã, bảo đảm tiêu chí "đúng, đủ, sạch, sống"; cấp hơn 68 triệu thẻ căn cước có gắn chíp điện tử cho công dân.
Phát biểu tại điểm cầu Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng nêu rõ: Càng "áp lực" thì càng phải "nỗ lực";
chuyển từ trạng thái "bị động" sang "chủ động"; tạo ra sự thân thiện, chia sẻ giữa cơ quan quản lý
với người dân, doanh nghiệp khi thực hiện TTHC - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Kết luận Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh hội nghị có ý nghĩa quan trọng, góp phần để Chính phủ điều hành kinh tế - xã hội trong tình hình hiện nay, nhất là ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn, ổn định và cải thiện đời sống nhân dân, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với tích cực, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả; tất cả vì nhân dân phục vụ.
Đồng tình với các báo cáo và ý kiến, ghi nhận, biểu dương nỗ lực, kết quả mà các cấp, các ngành đạt được trong cải cách TTHC, hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành, song Thủ tướng cũng yêu cầu phải nhìn nhận thẳng thắn vào các tồn tại, hạn chế cần được sớm khắc phục để công tác này thực chất, hiệu quả hơn.
Theo đó, một số lãnh đạo các cấp chưa thực sự quan tâm, quyết liệt chỉ đạo, ưu tiên nguồn lực cho cải cách TTHC; hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành; nhiều nơi triển khai còn hình thức. Sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, nhất là các sở, ngành có nơi, có lúc còn lúng túng, bị động, thiếu chặt chẽ, hiệu quả.
TTHC trong một số lĩnh vực còn nhiều rào cản, gây bức xúc trong xã hội (nhất là lĩnh vực liên quan đến đất đai, giáo dục, y tế, kiểm tra chuyên ngành, xuất nhập khẩu…). Việc cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh chưa được quan tâm thực hiện đúng mức, chưa huy động được sự tham gia tích cực của hiệp hội, doanh nghiệp, người dân trong quá trình cải cách. Nhiều bộ, ngành chưa có phương án cải cách quy định. Người dân, doanh nghiệp còn phải chịu nhiều chi phí đầu vào không cần thiết.
Một số bộ, ngành, địa phương chậm ban hành quy trình nội bộ trong giải quyết TTHC và chỉnh sửa phần mềm giải quyết TTHC; dịch vụ công trực tuyến được cung cấp chưa thân thiện với người dùng; tỉ lệ xử lý hồ sơ công việc trên môi trường mạng chưa cao. Tỉ lệ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến năm 2020 chỉ đạt 1,78%, năm 2021 đạt 9,51%; 8 tháng năm 2022 mới đạt trên 18%.
Việc kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu giữa Cổng Dịch vụ công quốc gia, Hệ thống thông tin giải quyết TTHC cấp bộ, cấp tỉnh với cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành cũng như việc số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC tại các cấp chính quyền còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu.
Công tác chỉ đạo, điều hành vẫn theo phương thức thủ công truyền thống, chủ yếu dựa trên giấy tờ dẫn đến chưa kịp thời, thiếu chính xác, chưa rõ trách nhiệm giải trình và chưa cá thể hóa được trách nhiệm cá nhân; kỷ luật, kỷ cương còn chưa nghiêm.
Việc xử lý hồ sơ công việc trên môi trường mạng tại một số bộ, ngành còn chưa tốt, tỉ lệ còn thấp. Việc cung cấp thông tin, kết nối, chia sẻ dữ liệu số phục vụ chỉ đạo, điều hành chưa đáp ứng yêu cầu về tính đồng bộ, đầy đủ, chưa bảo đảm tính chính xác, kịp thời.
Nhân lực cho giải quyết TTHC còn chưa đáp ứng được nhu cầu, đặc biệt là thiếu nhân lực chất lượng cao trong cơ quan Nhà nước để tổ chức hoạt động chuyển đổi số, xây dựng hệ thống thông tin, dữ liệu. Nhiều bộ ngành chưa coi trọng, đầu tư đúng mức cho công tác thông tin, truyền thông. An ninh, an toàn thông tin nhiều nơi chưa được quan tâm đúng mức.
Về định hướng thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh một số quan điểm chỉ đạo, theo đó, cần có cách tư duy, phương pháp tiếp cận, lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới, quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa với các cấp lãnh đạo, đặc biệt là cấp trực tiếp tiếp xúc, làm việc với người dân và doanh nghiệp. Kế thừa, phát huy kết quả đạt được, bài học hay, kinh nghiệm quý; thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nỗ lực đột phá vươn lên.
Phát huy tinh thần chủ động, tính sáng tạo, cương quyết loại bỏ lợi ích cục bộ; huy động mọi nguồn lực, sự tham gia xây dựng và phát triển của cả hệ thống chính trị và cộng đồng doanh nghiệp, người dân; với với phương châm "Lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể và là mục tiêu, động lực" và "lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp để đánh giá hiệu quả thực hiện".
Thủ tướng lưu ý xã hội hóa một số công đoạn trong tiếp nhận, trả kết quả TTHC, hỗ trợ việc thực hiện TTHC tại Bộ phận một cửa các cấp để tất cả mọi người dân, nhất là những người yếu thế, ở vùng nông thôn, biên giới, hải đảo có thể làm được dịch vụ công trực tuyến.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phấn đấu nâng cao mức độ hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của chính quyền các cấp trong thực hiện TTHC, trong đó đến năm 2023 đạt trên 80%, năm 2025 đạt trên 90% mức độ hài lòng. Tỉ lệ giải quyết đúng hạn tại Trung tâm phục vụ hành chính công phải đạt trên 90%.
Đến cuối năm 2023, tỉ lệ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến phải đạt 50%. Mục tiêu trước mắt là mỗi gia đình sẽ có ít nhất một thành viên có thể thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Về lâu dài, chúng ta phải giúp người dân, doanh nghiệp thay đổi nhận thức, thói quen, hành vi thực hiện các dịch vụ hành chính công từ trực tiếp sang trực tuyến…