Chiều 25/9, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai nhằm ứng phó cơn bão có tên quốc tế Noru. Tại điểm cầu Thừa Thiên Huế, tham dự cuộc họp có UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lê Trường Lưu; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Qúy Phương.
Tại cuộc họp, các cơ quan chức năng đã thông tin cụ thể về cơn bão Noru. Theo đó, bão Noru đổi hướng liên tục, giật trên cấp 17, dự báo đi vào đất liền khu vực Trung Trung Bộ, ảnh hưởng trực tiếp từ các tỉnh Thừa Thiên Huế đến Bình Định vào chiều tối và đêm 27/9. Đây là cơn bão mạnh, di chuyển nhanh, gây ra gió mạnh, sóng lớn kèm nước dâng, nguy cơ ngập úng vùng thấp trũng, ngập úng các khu đô thị... Bão di chuyển nhanh, với vận 20-25 km/h, cao hơn so với vận tốc của tàu cá nên việc lưu ý đến phương án kêu gọi tàu thuyền đến vùng an toàn là rất quan trọng.
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Quý Phương cho biết, toàn tỉnh có 2.062 phương tiện/11.350 lao động hoạt động khai thác thuỷ sản. Trong đó có 613 phương tiện tàu thuyền khai thác biển, còn lại là thuyền bãi ngang, ven biển, ghe thuyền đầm phá. Đến chiều 25/9, toàn tỉnh còn 6 phương tiện/52 lao động hoạt động thuỷ sản trên biển, chậm nhất sáng mai sẽ đưa vào bờ tránh trú an toàn. Đối với các khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão đã có phương án bố trí tàu thuyền vào neo đậu tránh trú bão. Toàn tỉnh có 56 hồ chứa thủy lợi, 12 hồ thuỷ điện đã đưa vào vận hành với tổng dung tích khoảng 2 tỷ m3. Hiện nay, mực nước các hồ chứa thuỷ lợi, thuỷ điện trên địa bàn tỉnh đang vận hành đảm bảo an toàn…
“Đến nay, thu hoạch lúa cơ bản xong. Đối với tình hình nuôi trồng thủy sản còn còn khoảng 3.200 ha nuôi ao và 3.519 lồng bè nuôi trên sông, hồ chứa, đầm phá chưa thu hoạch hết sản phẩm thương phẩm hoặc đang nuôi thủy sản chưa đến kỳ thu hoạch. Tỉnh cũng có phương án dự trữ lương thực thực phẩm, công nghệ phẩm, vật tư thiết yếu phục vụ phòng chống thiên tai với số lượng 100 tấn mỳ ăn liền, 100 tấn gạo. Tỉnh đã rà soát phương án sơ tán, di dời các hộ dân vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng bão, lũ lụt, nước dâng do bão đến nơi an toàn…”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh thông tin.
Tại điểm cầu tỉnh Thừa Thiên Huế
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành nêu rõ, phải cấp bách triển khai các biện pháp ứng phó bão với tinh thần không thể chủ quan, các địa phương cần hết sức tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, có thể tạm hoãn các cuộc họp không cần thiết. “Công tác phòng chống càng căn cơ, càng tập trung thì thiệt hại càng giảm. Nếu chủ quan thì thiệt hại sẽ rất lớn”, Phó Thủ tướng lưu ý.
Qua nghe ý kiến phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng đánh giá cao công tác chuẩn bị, sẵn sàng ứng phó bão của các địa phương, đặc biệt là tại tỉnh Thừa Thiên Huế. Đồng thời, yêu cầu cần tiếp tục bám sát, nắm chắc tình hình, nhất là công tác kêu gọi tàu thuyền khi vẫn còn tàu thuyền chưa về nơi trú tránh an toàn, cố gắng không để bà con vẫn ở trên biển khi bão số 4 đổ bộ vào.
“Phải khẳng định đây là cơn bão mạnh nhất trong vòng 5 năm trở lại đây. Việc sơ tán dân ở khu vực nguy hiểm, dễ xảy ra sạt lở, đặc biệt là khu vực bị ảnh hưởng; kiểm soát, hướng dẫn, hạn chế người dân đi lại qua vùng bão, lũ, tránh thiệt hại đáng tiếc về người do bất cẩn là rất quan trọng. Ngoài ra, cần tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân, tránh chủ quan dẫn tới thiệt hại, sự cố đáng tiếc, chuẩn bị đầy đủ lương thực, thực phẩm trong trường hợp bị chia cắt”, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh. Đồng thời, Phó Thủ tướng yêu cầu đặc biệt quan tâm bảo đảm an toàn công trình hồ đập, đê điều... Chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện để triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn khi cần thiết, không để bị động, bất ngờ.
Ngay sau cuộc họp với Phó Thủ tướng Chính Phủ Lê Văn Thành, Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu chủ trì cuộc họp nhanh với các sở, ngành, địa phương. Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu từ ngày 26/9, tất cả các cuộc họp không cần thiết sẽ tạm hoãn, đồng thời yêu cầu các sở, ngành, địa phương soát xét lại kịch bản di dân, chốt thời gian di dân nhưng phải tính toán phương án phù hợp, đặc biệt là tại các vùng xung yếu, nguy cơ cao. Ngoài ra, các địa phương cũng cần chỉ đạo người dân chủ động giằng chống nhà cửa theo từng khu vực, từng cấp độ; kêu gọi tàu thuyền về nơi tránh trú an toàn. Hiện, diện tích nuôi trồng thủy sản đang còn lớn nên phải tính toán phương án đảm bảo an toàn và môi trường nước; thường xuyên cập nhật, cảnh báo tình hình bão đến người dân để hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản…