Chiều 23/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị "Phát triển thị trường khoa học và công nghệ đồng bộ, hiệu quả, hiện đại và hội nhập". Cùng dự hội nghị tại điểm cầu Văn phòng Chính phủ có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; lãnh đạo các bộ ngành; các tổ chức quốc tế, các viện nghiên cứu; các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước,…Tại điểm cầu tỉnh Thừa Thiên Huế, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình chủ trì hội nghị.
Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, nguồn cung cho thị trường khoa học công nghệ hình thành từ các hoạt động động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ tại các viện nghiên cứu, trường đại học, các trung tâm ươm tạo công nghệ, các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, cũng như thông qua hoạt động nhập khẩu công nghệ, chuyển giao công nghệ từ nước ngoài.
Hiện nay, cơ sở dữ liệu quốc gia về khoa học công nghệ có khoảng 22.500 thông tin về nguồn cung công nghệ, 365 nghìn thông tin về sở hữu trí tuệ. Theo thống kê từ các sàn giao công nghệ và thiết bị đang hoạt động tại Việt Nam, số lượng nguồn cung công nghệ được thu thập và phổ biến hiện nay khoảng 77 nghìn bản ghi. Tuy vậy, theo số liệu Điều tra hoạt động đổi mới sáng tạo tại các doanh nghiệp ngành chế biến, chế tạo do Cục Thông tin khoa học công nghệ Quốc gia tiến hành năm 2019, chỉ có khoảng 16% các doanh nghiệp coi các viện nghiên cứu, trường đại học của Việt Nam là nguồn cung cấp hàng hóa khoa học công nghệ.
Theo số liệu tổng hợp từ Tổng cục Thống kê, khoảng 75% công nghệ và thiết bị của doanh nghiệp Việt Nam có nguồn gốc từ nước ngoài, trong đó, công nghệ và thiết bị từ những nước có trình độ khoa học công nghệ phát triển như Mỹ, Hàn Quốc, Liên minh châu Âu,… có chiều hướng tăng nhẹ trong những năm qua.
Trong khi đó, nguồn cầu công nghệ của thị trường khoa học công nghệ chủ yếu đến từ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh. Nhu cầu và cách thức đáp ứng nhu cầu tiêu dùng hàng hóa khoa học công nghệ của doanh nghiệp tại Việt Nam có thể được minh họa qua hoạt động đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình chủ trì hội nghị tại điểm cầu Thừa Thiên Huế
Trên cơ sở phân tích số liệu điều tra Đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp Việt Nam giai đoạn 2014-2016, cho thấy: 61,3% doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo, trong đó: 32,1% đổi mới sản phẩm; 39,9% đổi mới quy trình, công nghệ, thiết bị; 37,7% đổi mới tổ chức và quản lý và 28,6% đổi mới tiếp thị; 31% doanh nghiệp tiến hành cùng lúc từ 3-4 loại đổi mới sáng tạo.
Nhu cầu đổi mới thiết bị, công nghệ của doanh nghiệp Việt Nam cũng tăng nhanh trong thời gian qua. Theo số liệu tổng hợp từ Tổng cục Thống kê và Tổng cục Hải quan, tổng chi phí mua sắm công nghệ, thiết bị, máy móc của doanh nghiệp Việt Nam năm 2020 là khoảng 1,1 triệu tỷ đồng (khoảng 40 tỷ USD), tăng gần 1,5 lần so năm 2016.
Về phương thức đổi mới quy trình, công nghệ, thiết bị: đại đa số các doanh nghiệp (79,1%) lựa chọn phương thức “đầu tư vào công nghệ mới gắn liền với hàng hóa, máy móc, thiết bị” và/hoặc “nâng cấp/chỉnh sửa công nghệ, thiết bị hiện tại” là phương thức chính để đổi mới quy trình công nghệ; 7,3% thông qua ký hợp đồng lao động mới với người có kỹ năng và kinh nghiệm; 7,5% thông qua sử dụng công nghệ, thiết bị do các công ty ngoài công ty mẹ cung cấp; 5,2% thông qua sử dụng công nghệ, thiết bị do các công ty khác trong công ty mẹ cung cấp.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu kết luận tại hội nghị
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, thị trường khoa học-công nghệ là một trong những yếu tố quan trọng tạo nên thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Phát triển mạnh mẽ thị trường khoa học-công nghệ là một nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy phát triển khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo để tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế trong bối cảnh đang diễn ra cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Thủ tướng nêu rõ, chúng ta đang tập trung xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với tích cực, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả, hướng tới sở hữu những ngành công nghiệp phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ, sở hữu những phát minh, sáng chế mới, những công nghệ tiên tiến nhất.
Về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển thị trường khoa học-công nghệ thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh một số nội dung, theo đó, về quan điểm chung: thị trường khoa học-công nghệ là một bộ phận cấu thành của thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, có vai trò then chốt trong việc thúc đẩy hoạt động khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất lao động, chất lượng hàng hóa, dịch vụ và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Phát triển thị trường khoa học-công nghệ phải lấy nghiên cứu khoa học là nền tảng, nhà khoa học là động lực, doanh nghiệp là trung tâm, phù hợp bối cảnh của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế và cần huy động tối đa nguồn lực từ khu vực tư nhân và hợp tác quốc tế, đẩy nhanh tốc độ đổi mới sản phẩm và dịch vụ có độ tích hợp cao về công nghệ, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nhanh chóng gia nhập chuỗi giá trị toàn cầu và chiếm lĩnh thị trường quốc tế.
Phát triển của thị trường khoa học-công nghệ cần có chính sách đồng bộ, phù hợp, sự sẵn sàng của các nguồn cung cầu công nghệ, hệ thống hạ tầng kỹ thuật hiện đại cùng năng lực, uy tín và thương hiệu của các tổ chức trung gian.
Phát triển thị trường khoa học-công nghệ cần được đặt trong mối quan hệ biện chứng, liên thông, đồng bộ với phát triển thị trường hàng hóa, dịch vụ, lao động và tài chính, các thị trường khác; gắn kết thị trường trong nước với thị trường toàn cầu và khu vực, phù hợp cam kết quốc tế của Việt Nam và thông lệ quốc tế; phát triển thị trường khoa học-công nghệ tuân thủ quy luật cung cầu, cạnh tranh lành mạnh, công khai, minh bạch.