Hội nghị đánh giá, xây dựng, phát triển tour du lịch “Theo chân Bác Hồ thời niên thiếu ở Huế” vừa được Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch phối hợp với Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế tổ chức sáng nay 23/9/2022 với sự tham dự của lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao; Sở Thông tin và Truyền thông; đại diện Sở Du lịch; Hiệp hội du lịch; Hội Lữ hành; các doanh nghiệp du lịch trong tỉnh và các chuyên gia tư vấn du lịch.
Trước đó, Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch đã phối hợp với Bảo tàng Hồ chí Minh xây dựng chương trình khảo sát hệ thống di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Thừa Thiên Huế và kết hợp khảo sát các di tích lịch sử văn hóa, làng nghề, địa điểm du lịch… để xây dựng và hình thành nên các tuyến điểm tour tuyến mới. Đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Đề án “Phát huy giá trị di tích của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Thừa Thiên Huế phục vụ phát triển du lịch” được UBND tỉnh phê duyệt theo Quyết định số 989/QĐ-UBND ngày 05 tháng 5 năm 2021.
Hội nghị đã nghe các tham luận rất công phu, đầy tâm huyết của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, cùng nhiều ý kiến thảo luận của các khách mời với nhiều nội dung cụ thể, phong phú; qua đó nêu lên thực trạng, đưa ra các giải pháp để tổ chức khai thác, phát huy giá trị hệ thống di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Thừa Thiên Huế và các địa chỉ văn hóa liên quan.
Thạc sỹ Nguyễn Thị Ngọc Cẩm - Giảng viên Trường Du lịch, Đại học Huế đã có những đánh giá sơ bộ, đưa ra những cảm nhận rất thực tế sau chuyến khảo sát vừa qua; đồng thời đề xuất các định hướng cho chương trình tour tham quan về các di tích về Chủ tịch Hồ Chí Minh với thời gian nửa ngày và một ngày. Tiến sỹ Trần Thị Mai - nguyên Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Du lịch Huế - một chuyên gia trong lĩnh vực du lịch đã chỉ ra thực trạng và nêu lên những giải pháp cụ thể để tổ chức khai thác, phát huy cao nhất giá trị hệ thống di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh phục vụ phát triển du lịch. Thạc sỹ Hồ Thị Thúy Nga - Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Du lịch Huế đánh giá cao về ý tưởng, ý nghĩa trong việc xây dựng tour này, bên cạnh việc góp phần nâng cao giá trị điểm đến, sản phẩm du lịch địa phương, thì còn giáo dục cho thế hệ trẻ tình yêu quê hương, đất nước…; cùng với đó là gợi ý các “option” - đề xuất các sản phẩm du lịch độc đáo, kết hợp giữa di tích lưu niệm Bác Hồ và các địa chỉ lịch sử, văn hóa địa phương để du khách có thêm sự lựa chọn khi đến Huế. Chuyên gia trong lĩnh vực du lịch - PGS. TS Bùi Thị Tám cũng đã đưa ra những phân tích, đánh giá với những “con số” cụ thể, gợi mở nhiều vấn đề, cùng những câu hỏi để các cơ quan, đơn vị có liên quan nhìn nhận, đánh giá khách quan nhằm giúp việc khai thác, phát huy giá trị hệ thống di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh phục vụ phát triển du lịch cũng như góp phần làm đa dạng thêm các sản phẩm du lịch cho địa phương. Ở góc nhìn lữ hành, một số doanh nghiệp đã nêu ra những thực trạng cùng những dự báo về sản phẩm mới đặt trong mối tương quan chung về sản phẩm du lịch hiện nay tại địa phương; đưa ra những gợi mở về tour trải nghiệm du lịch trẻ em, đề xuất các sản phẩm lưu niệm cụ thể - điều mà hiện nay đang còn thiếu khi khách đến tham quan ở Bảo tàng…
Ngoài ra, để phát triển tour du lịch gắn với việc khai thác, phát huy giá trị hệ thống di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời gian đến, nhiều đại biểu đề nghị cần tiếp tục nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật, bổ sung, hoàn thiện điểm đến; ứng dụng công nghệ số, đổi mới nội dung thuyết minh, tìm kiếm tư liệu để tăng tính hấp dẫn của trưng bày; tăng tương tác, trải nghiệm của du khách; mở rộng các loại ngôn ngữ phù hợp với thị trường khách mục tiêu; đẩy mạnh xúc tiến quảng bá thu hút khách…