Nhằm nâng cao tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến (DVCTT), huyện Quảng Điền triển khai nhiều giải pháp, sáng kiến tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện thủ tục hành chính (TTHC) mức độ 3, mức độ 4. Việc xử lý, giải quyết hồ sơ trên môi trường mạng giúp tổ chức, công dân tiết kiệm chi phí, thời gian và tăng tính công khai, minh bạch trong giải quyết TTHC.
Về tận thôn hướng dẫn
Hàng tuần, cán bộ, công chức thuộc Đội Xung kích tuyên truyền lưu động huyện Quảng Điền mang máy tính xách tay, máy Scan, điện thoại thông minh, tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện DVCTT mức độ 3, mức độ 4 cho người dân ở tận thôn xóm, khu dân cư. Nhiều người được trực tiếp hướng dẫn cách tạo hộp thư điện tử và tài khoản Cổng DVCTT bằng điện thoại thông minh; các bước thực hiện DVCTT, từ cách thức đăng nhập, chọn thực hiện TTHC, đến kiểm tra và tiếp nhận kết quả giải quyết hồ sơ.
Sau khi được hướng dẫn, anh Văn Đình Đức ở thôn Nam Giảng, xã Quảng Thái chia sẻ, đa số người trẻ đều sử dụng điện thoại thông minh, nên việc tự lập (tạo) tài khoản DVCTT rất thuận tiện. Một số thủ tục đơn giản, mình có thể thực hiện trên mạng vừa tiết kiệm thời gian, vừa có thể thực hiện ở bất cứ đâu. Kết thúc buổi tuyên truyền, mỗi người được cấp một phiếu ghi lại thông tin tài khoản và mật khẩu để dễ dàng thực hiện các TTHC trên môi trường mạng; sau đó về tuyên truyền, hướng dẫn lại cho người thân trong gia đình, bạn bè.
Theo cán bộ hỗ trợ giám sát tại Trung tâm Hành chính công (HCC) huyện Quảng Điền cho biết, thanh niên thường thành thạo về công nghệ thông tin nên việc hướng dẫn họ sử dụng DVCTT thuận lợi hơn. Bước đầu, các tình nguyện viên đội xung kích tập trung hướng dẫn đối tượng thanh niên, sau đó sẽ mở rộng đến các tầng lớp nhân dân. Mỗi tuần, tổ xung kích tổ chức các buổi tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng DVCTT ở khu dân cư. Bình quân mỗi buổi, có 30-40 người tham dự.
Ông Phạm Công Phước, Chủ tịch UBND xã Quảng Thái cho biết, sáng kiến tuyên truyền và hướng dẫn người dân thực hiện DVCTT mức độ 3, mức độ 4, được UBND xã triển khai từ giữa năm 2022 đến nay. Bên cạnh việc hỗ trợ của đội xung kích huyện đến tận địa bàn dân cư hướng dẫn, tuyên truyền, tại Bộ phận Một cửa UBND xã, công chức sẵn sàng hỗ trợ người dân thực hiện DVCTT khi có yêu cầu, từ đó góp phần thay đổi thói quen, cũng như tăng tính công khai, minh bạch trong giải quyết TTHC cho người dân. Tính đến tháng 10/2022, xã tiếp nhận lượng hồ sơ phát sinh trực tuyến mức độ 3, mức độ 4, tăng lên rất nhiều so với trước khi triển khai mô hình, nhất là những thủ tục đơn giản.
Nhân rộng
Theo ông Ngô Văn Đức, Chánh Văn phòng HĐND&UBND huyện, Giám đốc Trung tâm HCC huyện Quảng Điền cho biết, nhận thấy hiệu quả từ sáng kiến này, UBND huyện Quảng Điền chỉ đạo nhân rộng ra tất cả các xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Các cơ quan, đơn vị, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền về DVCTT mức độ 3, mức độ 4 bằng nhiều hình thức, trực tiếp hướng dẫn người dân sử dụng DVCTT. Số liệu 10 tháng năm 2022 của huyện cho thấy đã phát sinh 2.559 hồ sơ trực tuyến; trong đó, cấp huyện có 2.067 hồ sơ trực tuyến trên tổng số 7.945 hồ sơ được tiếp nhận, tỷ lệ 27%; đối với cấp xã có 492 hồ sơ trực tuyến trong tổng số 12.103, đạt 4.1%, tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm 2021.
Ông Trần Ngọc Duẩn, Phó Giám đốc Trung tâm HCC huyện Quảng Điền thông tin: Nhằm tạo điều kiện, hỗ trợ người dân, tổ chức và doanh nghiệp trong giao dịch thương mại điện tử, UBND huyện chỉ đạo các phòng chuyên môn và UBND các xã, thị trấn cung cấp tài khoản ngân hàng tích hợp trên Cổng DVCTT. Đồng thời, triển khai thực hiện thu phí/lệ phí giải quyết TTHC trên Cổng Dịch vụ công quốc gia và Cổng Dịch vụ công của tỉnh. Đến nay, tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt tại Trung tâm HCC huyện đạt trên 90%. UBND huyện đã áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia gắn với việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông, đáp ứng yêu cầu của tổ chức, doanh nghiệp và người dân trong giao dịch hành chính.
Chủ tịch UBND huyện Quảng Điền, ông Lê Ngọc Bảo khẳng định, sáng kiến “Thành lập đội xung kích tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ người dân nộp hồ sơ TTHC trực tuyến mức độ 3, mức độ 4” góp phần thay đổi nhận thức và cách thức nộp hồ sơ truyền thống sang nộp hồ sơ trực tuyến, tiết kiệm thời gian, công sức và tiền của của người dân. Đồng thời, giảm bớt áp lực số hóa hồ sơ để tạo cơ sở dữ liệu TTHC cho đội ngũ cán bộ, công chức. Tin tưởng thời gian tới, người dân sẽ tăng tương tác và tỷ lệ nộp và xử lý hồ sơ trực tuyến sẽ vượt 50%.
“Từ nay đến cuối năm 2022, UBND huyện tập trung thúc đẩy chuyển đổi số trên các lĩnh vực, trong đó chú trọng giải pháp xây dựng nền hành chính hiện đại. Theo đó, các cơ quan, đơn vị, địa phương tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, tiếp tục duy trì và nhân rộng các sáng kiến cải cách hành chính, nhất là tuyên truyền sử dụng DVCTT mức độ 3, mức độ 4, nhằm nâng cao mức độ hài lòng của người dân đối với hoạt động của cơ quan Nhà nước” - ông Lê Ngọc Bảo nói.
Theo Phó Giám đốc Trung tâm Phục vụ HCC tỉnh Phạm Quang Trí, hiện nay toàn tỉnh có 2.641 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND tỉnh, các sở, ngành cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã. Hiện 2.641 TTHC được cung cấp trên trang https://dichvucong.thuathienhue.gov.vn/, trong đó có 2 DVCTT đạt mức độ 1, 324 DVCTT đạt mức độ 2, 933 DVCTT mức độ 3 và 1.382 DVCTT mức độ 4. Sáng kiến của huyện Quảng Điền vừa đạt giải nhì của tỉnh rất thiết thực và bổ ích, là cơ sở để tỉnh áp dụng trong toàn tỉnh, qua đó nâng cao tỷ lệ người dân sử dụng DVCTT.