|
Những sản phẩm OCOP do địa phương sản xuất thu hút người tiêu dùng |
Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tại huyện Quảng Điền đã được các cấp, ngành và địa phương trên địa bàn huyện hưởng ứng tích cực với nhiều việc làm, hoạt động thiết thực, giúp người dân và cán bộ thay đổi nhận thức, thói quen lựa chọn hàng hóa, ngày càng tin tưởng và ưu tiên sử dụng hàng Việt.
Tuyên truyền thay đổi thói quen tiêu dùng
Thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (sau đây gọi là cuộc vận động - CVĐ) do Bộ Chính trị phát động, huyện Quảng Điền đã xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai CVĐ và thành lập Ban Chỉ đạo CVĐ do Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện làm Trưởng ban. Hàng năm, ban chỉ đạo cấp huyện xây dựng kế hoạch kiểm tra thực hiện CVĐ tại các xã, thị trấn và đánh giá tình hình thực hiện.
Huyện Quảng Điền đã chủ động phối hợp với các đơn vị, địa phương tổ chức phát động, lồng ghép tuyên truyền về ý nghĩa, mục đích của CVĐ đến các tổ chức, cá nhân trên địa bàn; quán triệt đến từng đơn vị, địa phương về tinh thần gương mẫu của người đứng đầu trong triển khai, thực hiện CVĐ; khuyến khích mỗi cán bộ, công chức, viên chức cũng như người dân hưởng ứng thực hiện CVĐ trong tiêu dùng cá nhân, coi đó như một hành động thiết thực để thể hiện lòng yêu nước, nét đẹp trong văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam.
Chủ tịch UBND huyện Quảng Điền cho biết, huyện khuyến khích các cơ quan, đơn vị khi mua sắm công nên ưu tiên sử dụng hàng hóa do Việt Nam sản xuất. Các doanh nghiệp (DN), nhà sản xuất, kinh doanh hay làm dịch vụ khi triển khai các dự án, công trình… ưu tiên sử dụng các trang thiết bị, nguyên vật liệu, dịch vụ nội địa có chất lượng. Đồng thời, ưu tiên, tạo điều kiện cho DN địa phương vay vốn phát triển sản xuất, nâng cao năng lực kinh doanh, tăng năng suất, nâng cao chất lượng sản phẩm để tiến tới đăng ký thương hiệu cho hàng hóa sản xuất trên địa bàn huyện; vận động các DN và nhà sản xuất thực hiện bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, nâng cao chất lượng hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ có sức cạnh tranh trên thị trường, xây dựng thương hiệu cho nhiều sản phẩm, hàng hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP.
Chính quyền địa phương cũng đã quan tâm, hỗ trợ kinh phí xây dựng các điểm trưng bày, giới thiệu, bán sản phẩm OCOP của địa phương, phối hợp tổ chức các hội chợ đưa hàng Việt về nông thôn. Trong đó, các mặt hàng hóa bày bán tại hội chợ thường chiếm trên 70% là hàng nội địa, phiên chợ hàng Việt về vùng xa với 100% là hàng do Việt Nam sản xuất, với các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu đời sống sinh hoạt, học tập và sản xuất của địa phương. Nhờ vậy mà nhận thức và thói quen của người tiêu dùng hàng hóa Việt đã có nhiều thay đổi so với trước.
Lồng ghép tiêu thụ sản phẩm OCOP
Với nhiều hoạt động thiết thực, sau hơn 10 năm thực hiện CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, hiện nay, nhiều cán bộ, đảng viên, viên chức và người tiêu dùng trên địa bàn huyện đã có thói quen lựa chọn hàng Việt khi mua sắm, sử dụng hàng hóa nội địa trong đời sống sinh hoạt hàng ngày. Các cơ quan, đơn vị trên địa bàn khi xây dựng và mua sắm đồ dùng, trang thiết bị lắp đặt tại công sở đều ưu tiên sử dụng hàng nội địa.
Ông Phan Cảnh Ngưu, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện, Trưởng Ban chỉ đạo CVĐ huyện chia sẻ: Qua thăm nắm thị trường, sản phẩm của địa phương sản xuất và lượng hàng hóa nội địa có nguồn gốc lưu thông trên địa bàn huyện Quảng Điền trong những năm gần đây được người tiêu dùng lựa chọn và tiêu thụ khá cao, nhất là sản phẩm OCOP của địa phương. Phong trào người Việt dùng hàng Việt đang ngày một lan tỏa sâu rộng, hình thành một nét văn hóa tiêu dùng tốt đẹp trong cộng đồng dân cư địa phương, góp phần thúc đẩy các DN sản xuất hàng Việt Nam tiếp tục phát triển.
Mới đây, tại cuộc giám sát việc thực hiện CVĐ tại huyện Quảng Điền, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nguyễn Hữu Lạc đánh giá cao sự nỗ lực, kết quả tích cực của huyện đạt được trong tổ chức triển khai CVĐ. Các ngành chức năng cần tăng cường trao đổi thông tin, tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển kênh tiêu thụ, nâng cao uy tín, thương hiệu sản phẩm, nhất là sản phẩm của các làng nghề truyền thống, sản phẩm OCOP của địa phương; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường; tổ chức thường xuyên hơn các các hội chợ, triển lãm quảng bá, giới thiệu sản phẩm hàng Việt, hàng hoá do các DN trong nước, trong tỉnh sản xuất đến người tiêu dùng.