Chiều 1/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Thừa Thiên Huế thảo luận tại Tổ về Dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi) và Dự án Luật Phòng thủ dân sự. Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lê Trường Lưu chủ trì phiên thảo luận.
Đánh giá về hoạt động hợp tác xã (HTX), Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lê Trường Lưu cho rằng, hiện nay, HTX làm dịch vụ không bằng doanh nghiệp tư nhân. Thực tiễn cho thấy, các HTX hoạt động lúng túng, quy mô nhỏ.
Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh cho biết, Chính phủ đã có cơ chế, chính sách hỗ trợ HTX nhưng chưa thực sự hiệu quả. Dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi) có một loạt chính sách hỗ trợ nhưng cần cụ thể hơn để thúc đẩy hoạt động HTX phát triển.
Về mặt luật pháp, tại Điều 20, ông Lê Trường Lưu đề nghị lưu ý các thông lệ quốc tế về trợ cấp cho nông nghiệp. Ngoài ra, cần xem xét đến vấn đề kiểm toán HTX, nghiên cứu mức độ kiểm toán để giảm chi phí cho doanh nghiệp.
Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Thị Sửu phát biểu tại buổi thảo luận
Thảo luận về dự án luật này, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Thị Sửu đề nghị cần giải thích nghĩa của tổ chức kinh tế hợp tác ở khoản 29, Điều 4, đồng thời có sự minh định nội hàm của tên gọi liên quan đến dự Luật HTX.
Theo đại biểu Nguyễn Thị Sửu, tại Điều 40 nên tách bạch rõ ràng chức năng quản trị và chức năng điều hành của HTX. Ngoài ra, cần bổ sung quy định về chức năng điều hành của HTX. “Ban quản trị HTX được thành viên bầu ra và sẽ thuê giám đốc điều hành, nhân viên để tổ chức hiệu quả các hoạt động, nên cần quy định về chức năng điều hành của hợp tác xã”, bà Sửu nêu quan điểm.
Bà Sửu cho rằng, các quy định về chính sách hỗ trợ để khuyến khích các tổ chức kinh tế tập thể đi đầu trong chuyển đổi số trên lĩnh vực nông nghiệp cần được lưu tâm.
Đại biểu Nguyễn Hải Nam (Đoàn ĐBQH Thừa Thiên Huế) đề xuất giữ nguyên tên Luật Hợp tác xã. Ông Nam phân tích, HTX thành lập theo tinh thần đối nhân chứ không phải đối vốn vì có sự góp sức của các thành viên. Đại biểu Nguyễn Hải Nam tán thành các hoạt động nông nghiệp trong dự án luật. Riêng quy định về chính sách và liên minh HTX cần phải rõ ràng, cụ thể hơn. Mức độ thực hiện mô hình Liên minh HTX tổ chức cần đi vào thực chất. Ngoài ra, các tổ hợp tác cũng phải đồng bộ với hệ thống pháp luật; kiểm toán HTX phải công khai, minh bạch.
Đại biểu Nguyễn Hải Nam đề xuất giữ nguyên tên Luật Hợp tác xã
Liên quan đến Dự án Luật Phòng thủ dân sự, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lê Trường Lưu cho rằng, luật đã thể hiện nhiều nội dung để triển khai thực hiện trong những tình huống bắt buộc. Mặc dù vậy, tổ chức bộ máy cần sáp nhập các đơn vị trùng chức năng. Còn đại biểu Nguyễn Hải Nam bày tỏ tán thành cao với Luật Phòng thủ dân sự, đây là dự án luật để khắc phục các mối đe dọa thảm họa, sự cố, đảm bảo an ninh, an toàn cho đất nước khi có tình huống xảy ra.
Tại mục 4 nói về hoạt động phòng thủ dân sự trong trạng thái khẩn cấp (cấp độ 4) và mục 3 nêu đầy đủ về hoạt động phòng thủ dân sự khi xảy ra thảm họa, sự cố từ cấp độ 1 đến cấp độ 3, đại biểu Nguyễn Thị Sửu băn khoăn tại sao tách riêng thành 2 mục vì mục 4 thực chất chính là cấp độ tiếp theo.
Bà Sửu cũng cho rằng, ở Điều 32 một số từ ngữ sử dụng cần thống nhất, đồng bộ để có cách hiểu đúng, triển khai đúng. “Các điều khác dùng rất nhiều từ thảm họa, sự cố, nhưng đến điều 32 lại có thuật ngữ mới là “Thảm họa thiên tai” mà không phải là thảm họa, sự cố”, bà Sửu nói.
Về bảo hiểm rủi ro thảm họa, sự cố quy định tại Điều 47, khoản 1, bà Sửu đề nghị xác định rõ thuộc loại bảo hiểm nào trong các loại hình được bảo hiểm được quy định tại khoản 1, Điều 15 của Luật Kinh doanh bảo hiểm khi thực hiện bảo hiểm rủi ro do thảm họa, sự cố.