Sáng ngày 15/12, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị “Gặp mặt các tổ chức Phi chính phủ nước ngoài tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2022”. UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.
Hiện nay, tỉnh Thừa Thiên Huế có khoảng 108 tổ chức PCPNN đăng ký hoạt động, trong đó có 49 tổ chức thuộc Châu Mỹ, 44 tổ chức thuộc Châu Âu, 7 tổ chức thuộc Châu Úc, 5 tổ chức thuộc Châu Á và 3 tổ chức phi chính phủ quốc tế.
Trong số 108 tổ chức nói trên, có 20 tổ chức PCPNN có văn phòng dự án hoặc địa chỉ liên lạc với vai trò điều phối các chương trình đang triển khai trên địa bàn tỉnh với tổng số nhân viên thường trực là 142 người bao gồm 140 nhân viên Việt Nam và 02 chuyên gia nước ngoài.
Trong giai đoạn 2019-2021, tỉnh Thừa Thiên Huế đã phê duyệt tiếp nhận 125 khoản viện trợ dự án và phi dự án từ các tổ chức PCPNN với tổng vốn cam kết viện trợ gần 12 triệu đô la Mỹ.
Các khoản viện trợ dự án và phi dự án tiếp tục được triển khai trên nhiều lĩnh vực, trong đó chủ yếu tập trung vào 06 nhóm lĩnh vực chính là: Khắc phục hậu quả thiên tai lũ lụt và dịch bệnh Covid-19; Giảm thiểu nguy cơ bom mìn; Giáo dục-đào tạo; Giải quyết các vấn đề xã hội ; Môi trường; Bảo tồn trùng tu di tích và Phát triển kinh tế - xã hội.
Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ Đỗ Thị Mỹ Châu cho biết, các dự án được triển khai thực hiện đã góp phần đẩy mạnh công tác xoá đói giảm nghèo, phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Đặc biệt các dự án phát triển tổng hợp nông thôn ở vùng sâu, vùng xa được triển khai trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã mang lại nhiều kết quả đáng khích lệ; góp phần cải thiện đời sống, tăng thu nhập cho người dân, nâng cao năng lực hoạt động của các tổ chức địa phương huyện, xã...
Bên cạnh những thuận lợi thì công tác vận động và quản lý hoạt động của các TCPCPNN vẫn còn một số khó khăn, tồn tại như: Thông tin cập nhật về tình trạng cấp giấy đăng ký cho các tổ chức PCPNN đôi lúc còn chưa kịp thời và đầy đủ; Một số các tổ chức phi chính phủ nước ngoài chưa thực hiện nghiêm túc việc gửi thông báo hoạt động chođịa phương sau khi được cấp mới hoặc được gia hạn Giấy đăng ký theo quy định; Vẫn còn tình trạng các đơn vị tại địa phương tiếp nhận chương trình/dự án chưa thực hiện nghiêm túc việc phê duyệt, tiếp nhận khoản viện trợ, báo cáo tình hình sử dụng vốn viện trợ hoặc chỉ báo cáo khi có cơ quan chức năng yêu cầu.
Tại Hội nghị
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình cho biết, trong thời gian qua, Thừa Thiên Huế đã có có những bước trở mình mạnh mẽ, đang thực hiện mục tiêu lớn trong đó có xây dựng tỉnh trở thành thành phố trực thuộc trung ương trước năm 2025. Đồng thời tỉnh đã quyết liệt thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Huế trở thành trung tâm văn hóa, giáo dục đào tạo, y tế chuyên sâu, khoa học công nghệ và thực hiện công tác chuyển đổi số, cải cách hành chính.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh, trong bức tranh phát triển kinh tế xã hội đã đảm bảo được an sinh xã hội cho người dân, giải quyết được tác động của dịch bệnh. “Điều này thể hiện sự đoàn kết đảng bộ, chính quyền, nhân dân Thừa Thiên Huế. Trong đó, có sự đóng góp rất lớn từ các tổ chức quốc tế, PCPNN.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh mong muốn có nhiều nguồn lực đóng góp hơn nữa từ các tổ chức PCPNN để hỗ trợ cho địa phương. Trong đó, tập trung vào một số lĩnh vực mà tỉnh rất quan tâm trong thời gian tới như môi trường, sinh kế cho người dân, những hoàn cảnh yếu thế, biến đổi khí hậu, giải quyết hậu quả chiến tranh, thiên tai…
Dịp này, 12 tập thể và 18 cá nhân đã được nhận bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh vì có thành tích xuất sắc trong công tác PCPNN.