Chiều ngày 27/12, Sở Công Thương Thừa Thiên Huế tổ chức hội nghị tổng kết Ngành Công thương năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Quý Phương dự và phát biểu chỉ đạo.
Năm 2022, dưới sự lãnh chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh, ngành Công thương đã đạt nhiều thành tựu, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH của tỉnh, như: Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng 8,5% so với cùng kỳ năm 2021, giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh 2010) đạt 41.700 tỷ đồng, tăng 8,3% so với cùng kỳ năm trước; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ dự ước 52.296 tỷ đồng, tăng 20,1% so với năm trước, tăng 115,9% chỉ tiêu kế hoạch năm; tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 1,23 tỷ USD, tăng 14,21% so với cùng kỳ và đạt 108,8% kế hoạch năm…
Bên cạnh đó, nhờ tác động chính sách của Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội nên thị trường tiêu thụ phục hồi mạnh mẽ, các ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh, như: bia, dăm gỗ, gạch ốp lát, điện... đẩy mạnh hoạt động sản xuất và phát triển mở rộng tiêu thụ, qua đó, đạt được tốc độ tăng trưởng khá cao và vượt chỉ tiêu đề ra.
Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Thanh phát biểu tại Hội nghị
Năm 2023, ngành Công thương đặt mục tiêu phát triển chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) trên địa bàn tăng 9,5 - 10,5%; giá trị sản xuất công nghiệp đạt 46.100 tỷ đồng. Một số ngành công nghiệp chủ lực, như: bia đạt 340 triệu lít, xi măng 2.200 nghìn tấn, sợi các loại 115.000 tấn, quần, áo lót 440 triệu sản phẩm, men frit 330.000 tấn; tôm đông lạnh 7.000 tấn; phấn đấu tổng sản lượng điện sản xuất đạt 1.850 triệu kWh, tổng sản lượng điện thương phẩm 2.010 triệu kWh; tổng mức bán lẻ hàng hoá, dịch vụ tiêu dùng đạt 57.700 tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu tăng 12% so với năm 2022…
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Quý Phương ghi nhận ngành Công Thương trong việc tham mưu UBND tỉnh thành lập cụm công nghiệp Bình Thành (TX. Hương Trà); tổ chức hội chợ thương mại Festival Huế 2022; đề xuất lập bổ sung quy hoạch các dự án điện mặt trời tại huyện Phong Điền và Phú Lộc; thực hiện quy chế chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh khai thác chợ; phối hợp triển khai thành công chương trình diễn tập ứng phó sự cố hoá chất cấp tỉnh...
Cũng cần nói thêm rằng, trong bối cảnh khủng hoảng nguồn cung xăng dầu hiện nay trên thế giới cũng như tại Việt Nam, ngành Công thương đã triển khai thực hiện sát sao các Công điện của Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Công thương, qua đó không để xảy ra tình trạng thiếu hụt xăng dầu trên địa bàn tỉnh, không có tình trạng các hộ kinh doanh xăng dầu đóng cửa nghỉ bán như một số địa phương khác, ông Phan Quý Phương nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Quý Phương đề nghị, thời gian tới, ngành Công thương tiếp tục ưu tiên các giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định cung cầu, giá cả; đẩy mạnh xuất khẩu, thúc đẩy phát triển sản xuất; hỗ trợ các doanh nghiệp về thông tin thị trường, xúc tiến xuất khẩu, tận dụng các cam kết trong các Hiệp định FTA đã ký kết và thông qua các chuỗi giá trị toàn cầu để tìm kiếm thị trường mới.
Ngoài ra, cần tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu kinh tế theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh; đẩy mạnh sản xuất công nghiệp, phát triển thị trường nội địa; thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế số trong chỉ đạo điều hành; thường xuyên kiểm tra, giám sát tình hình cung ứng xăng dầu trên địa bàn tỉnh; đẩy nhanh hơn nữa công tác chuyển đổi các chợ; theo dõi các dự án đề xuất bổ sung Quy hoạch điện VIII; phối hợp với đơn vị tư vấn lập Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 để tích hợp quy hoạch phát triển điện lực tỉnh...