Chiều ngày 03/4, tại trường Đại học Sư phạm – Đại học Huế đã diễn ra khai mạc Hội nghị chuyên đề Quốc tế về Trường học Hạnh phúc lần thứ Nhất với chủ đề “Có thể học được kỹ năng kiến tạo hạnh phúc không”. Dự hội nghị có Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Nguyễn Văn Phúc. Về phía lãnh đạo tỉnh có UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình; UVTV Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Huế Phan Thiên Định.
Đây là dự án hợp tác giữa Học viện Eurasia vì Hạnh phúc và An lạc (ELI) với Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế, Sở Giáo dục và Đào tạo Thừa Thiên Huế trong hành trình học cách kiến tạo hạnh phúc cho giáo viên, cho học sinh và cho cộng đồng học tập. Từ ngày 3-6/4, hội nghị được tổ chức tại Trường ĐH Sư phạm, ĐH Huế, dưới hình thức kết hợp trực tiếp và trực tuyến với nhiều chủ đề được chia sẻ: Sức khỏe tâm thần; Giáo dục cảm xúc xã hội; Hành trình đến với sự an lạc và hạnh phúc; Phát triển các kỹ năng hạnh phúc…
Phát biểu tại lễ khai mạc, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc vui mừng trước sự quan tâm của các đại biểu, chuyên gia, giáo viên về chủ đề trường học hạnh phúc. Đồng thời khẳng định, đây là vấn đề lớn, để xây dựng trường học hạnh phúc cần có cả một quá trình và cần sự đồng hành, chung tay từ nhiều phía. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc mong muốn qua kinh nghiệm và các chia sẻ từ các chuyên gia, học giả không chỉ đóng góp cho nền giáo dục Việt Nam trong xây dựng trường học hạnh phúc mà còn cho cả thế giới.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc phát biểu tại hội nghị
Phát biểu chào mừng tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình khẳng định, tỉnh Thừa Thiên Huế rất tự hào khi hội nghị chuyên đề quốc tế về Trường học hạnh phúc lần thứ nhất được tổ chức trên mảnh đất Cố đô. Trường học hạnh phúc hướng tới việc hình thành các giá trị cốt lõi, đó là: sự yêu thương, an toàn và tôn trọng. Trong đó, mỗi thành viên từ cán bộ quản lý, giáo viên và người học đều được nói lên những suy nghĩ của mình; là nơi có điều kiện để đổi mới sáng tạo, phát huy hết năng lực của mỗi cá nhân. Ở môi trường này, tất cả thành viên đều cảm thấy mỗi ngày đến trường là một ngày vui, trường học như gia đình. Trường học hạnh phúc phải là nơi giáo viên xem đó là nhà, xem học sinh là con em mình; ngược lại phụ huynh, học sinh cũng phải có ứng xử thế nào cho phù hợp.
Thay mặt Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình cảm ơn Bộ Giáo dục và Đào tạo và các chuyên gia đã luôn ủng hộ và hỗ trợ Thừa Thiên Huế trong suốt quá trình thực hiện Dự án Trường học Hạnh phúc. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình cũng mong muốn qua hội nghị, các chuyên gia, học giả có thể tham vấn các cơ chế chính sách, giải pháp để xây dựng mô hình trường học hạnh phúc gắn với những giá trị truyền thống, đặc trưng của mảnh đất, con người xứ Huế.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình phát biểu tại hội nghị
Hội nghị được tổ chức nhằm tổng kết giai đoạn thí điểm chương trình Trường học hạnh phúc tại tỉnh Thừa Thiên Huế, chia sẻ các bài học và báo cáo đánh giá của Trường ĐH Sư phạm, ĐH Huế; ghi nhận tiến trình và tiếp tục phát triển dự án Trường học hạnh phúc tại Việt Nam; xuất bản tài liệu tổng quan các nghiên cứu khoa học và kinh nghiệm triển khai dự án trong lĩnh vực này; thiết lập mạng lưới quốc tế gồm các nhà khoa học và những người thực hành, nhằm hỗ trợ và học hỏi lẫn nhau; thúc đẩy các nhà hoạch định chính sách tại Việt Nam và quốc tế cùng nhìn lại và xem xét phương thức tối ưu để đưa hạnh phúc và an lạc của giáo viên, học sinh vào các chính sách và chiến lược của ngành giáo dục.
Dự án Trường học hạnh phúc ở tỉnh Thừa Thiên Huế trong những năm học qua đã thực hiện một chương trình đào tạo giáo viên và hỗ trợ quá trình triển khai thí điểm từ lớp 1 đến lớp 12. Từ kinh nghiệm của Dự án, Hội nghị sẽ tập trung vào “Các kĩ năng Hạnh phúc” trong giáo dục, bao gồm: Sự chú tâm, Học tập Cảm xúc-Xã hội, Trí tuệ cảm xúc, và Giáo dục hướng tới bền vững.
Hội nghị là cơ hội giúp người tham dự được lắng nghe những chia sẻ từ các nhà nghiên cứu khoa học trong nước và quốc tế, những nhà hoạch định chính sách, những nhà triển khai thực tế về Trường học hạnh phúc và các bên đánh giá tác động để có cái nhìn đa chiều và toàn diện về lĩnh vực sức khỏe tinh thần trong khuôn khổ hệ thống giáo dục và trường học; tham gia các hoạt động workshop trải nghiệm trực tiếp với những nhà điều phối trong nước và quốc tế; được kết nối với các tổ chức, chuyên gia trong và ngoài nước.
Tại hội nghị