Tìm kiếm tin tức
Liên kết website
Sở, Ban, Ngành
UBND Huyện, Thị xã, Thành phố
Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ: Tập trung nguồn lực cho phát triển kinh tế gắn với phòng, chống dịch bệnh COVID-19
Ngày cập nhật 29/12/2020
 
Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ phát biểu tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ
Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ phát biểu tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ
Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với địa phương để triển khai Nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 vào chiều nay (28/12), Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ thống nhất cao với nội dung các báo cáo tình hình kinh tế - xã hội 2020 và những giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2021; khẳng định “Bài học về sức mạnh kỷ luật, sự đồng thuận, chung sức đồng lòng trong thời điểm khó khăn nhất của đất nước là bài học quý báu cho chúng ta trong quá trình phục hồi và phát triển đất nước sau đại dịch”,
 
 

Thực hiện "mục tiêu kép"

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ để đạt được mục tiêu đề ra, ngoại trừ yếu tố kiểm soát tốt dịch bệnh, Chính phủ cũng đã đề ra những nhiệm vụ cụ thể, tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp kiểm soát lạm phát, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp tổ chức lại sản xuất, kinh doanh, khai thác dư địa của các động lực tăng trưởng từng ngành, địa phương.

“Bài học về sức mạnh kỷ luật, sự đồng thuận, chung sức đồng lòng trong thời điểm khó khăn nhất của đất nước là bài học quý báu cho chúng ta trong quá trình phục hồi và phát triển đất nước sau đại dịch”, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ khẳng định.

Chưa gượng dậy sau đại dịch COVID lần 2, các tỉnh miền Trung nói chung và Thừa Thiên Huế nói riêng phải đương đầu, gánh chịu tác động nặng nề do bão, lũ, lụt trong tháng 9, tháng 10. Trong những thời điểm khó khăn đấy, nhân dân tỉnh nhà luôn nhận được sự chỉ đạo, hỗ trợ, động viên kịp thời của lãnh đạo Đảng, Chính phủ, sự vào cuộc đầy trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, của hệ thống chính trị, lực lượng vũ trang, những tấm lòng nhân ái chia sẻ vật chất, tinh thần của bà con cả nước đã góp phần hạn chế, khắc phục hậu quả bão, lũ gây nên.

Với sự nỗ lực của toàn xã hội, trong bối cảnh khó khăn chung của đất nước, Tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh năm 2020 đạt 2,06%, Thu ngân sách địa phương vượt dự toán giao 11,2 %, tăng 0,7 % so 2019. Đây là mức tăng cao trong khu vực miền Trung nói chungBình quân trưởng kinh tế giai đoạn 2016-2020 của tỉnh ước đạt 6,09%/năm.

Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ cho rằng, mặc dù tăng trưởng GRDP thấp nhưng đia phương đã cơ bản thực hiện mục tiêu kép, vừa kiểm soát dịch, vừa duy trì được phát triển kinh tế, bảo đảm các yếu tố hoạt động sản xuất kinh doanh, các mặt văn hóa xã hội an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Chưa có trường hợp lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng trong năm 2020.

Cải cách hành chính, xây dựng Chính quyền điện tử có nhiều tiến bộ, cải thiện. Tiếp tục đổi mới phương thức chỉ đạo, nâng cao chất lượng điều hành bằng những việc làm cụ thể để hướng tới mục tiêu xây dựng nền hành chính thân thiện, phục vụ, hiện đại và có hiệu quả, đẩy mạnh xây dựng chính quyền số theo phương châm "4 không 1 có" "Làm việc không giấy tờ - Hội họp không tập trung - Dịch vụ công không gặp mặt - Thanh toán không dùng tiền mặt" và 1 có "Dữ liệu hồ sơ có số hóa".

Tại điểm cầu Thừa Thiên Huế

Phát triển kinh tế gắn với phòng, chống dịch bệnh

Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ cho rằng, hiện nay cả nước đã chuyển sang giai đoạn mới, Thừa Thiên Huế xác định phòng, chống dịch bệnh đồng thời với khôi phục, phát triển kinh tế là mục tiêu xuyên suốt trong chỉ đạo điều hành. Với quan điểm không cực đoan nhưng không chủ quan, hệ thống chính trị, hệ thống y tế của Tỉnh đang tập trung mọi nỗ lực và phương tiện sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh với tinh thần dịch bệnh có thể xuất hiện mọi lúc mọi nơi.

Năm 2021 là năm khởi động đầu nhiệm kỳ với nhiều khó khăn, cần tập trung nguồn lực cho đầu tư khôi phục và phát triển sản xuất, phát triển kinh tế gắn với phòng, chống dịch bệnh. Vừa triển khai các nội dung quan trọng của Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đòi hỏi các cấp, các ngành phải năng động, sáng tạo và sẵn sàng với "trạng thái mới" trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện để phấn đấu đạt hiệu quả cao nhất các mục tiêu đề ra.

Để đạt được nhiệm vụ trong 2021 của quốc gia cũng như của địa phương, Thừa Thiên Huế kiến nghị Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ đề nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục hỗ trợ từ nguồn ngân sách TW để hoàn thành di dời dân cư khu vực 1 kinh thành Huế trước năm 2022; Thông qua các chủ trương theo thẩm quyền để triển khai Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị, trong đó tập trung cho Mở rộng địa giới hành chính thành phố Huế, ban hành tiêu chí, Cơ chế đặc thù cho đô thị Thừa Thiên Huế nhằm thúc đẩy xây dựng Thừa Thiên Huế sớm trở thành phố trực thuộc Trung ương. Đây là những việc lớn trong bối cảnh khó khăn chung của đất nước. Thừa Thiên Huế mong muốn Chính phủ, Quốc hội tiếp tục ủng hộ, hỗ trợ, thiết thực cùng Thừa Thiên Huế bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô, văn hóa Huế - văn hóa Việt Nam.

Thời điểm hiện nay phục hồi, đón đầu cơ hội nền kinh tế là nhiệm vụ cấp bách của đất nước. Đây là cơ hội để chúng ta đánh giá sự thích nghi, chủ động của nền kinh tế, là thời điểm cho Việt Nam tận dụng từ việc điều chỉnh, sắp xếp cuộc diện kinh tế thế giới  trong bối cảnh dịch bệnh có thể xuất hiện mọi lúc, mọi nơi và quy mô toàn cầu. Đề nghị Chính phủ đánh giá đầy đủ để có lộ trình chuyển đổi, hình thành chuỗi sản xuất tin cậy, đa dạng, chủ động, có năng lực phản ứng nhanh, linh hoạt, thích ứng với biến động của nền kinh tế để tạo nền tảng phát triển bên vững trong bối cảnh hòa nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

Tập trung nguồn lực cho phát triển sản xuất

 Thời gian qua, hệ thống pháp luật của Việt Nam từng bước cải thiện, môi trường đầu tư thuận lợi, nâng cao sức cạnh tranh. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, để đón đầu và đón được những nhà đầu tư có thương hiệu, năng lực tài chính, cam kết đầu tư lâu dài thì Chính phủ cần có những quyết sách và cơ chế đặc thù cho thu hút đầu tư vượt trội so với các nước trong khu vực, nhằm thúc đẩy phát triển  một số địa bàn trọng điểm trên cả 3 miền Bắc - Trung - Nam.

Trước xu hướng chuyển dịch chuỗi sản xuất nhằm tận dụng cơ hội, hạn chế rủi ro, đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành khẩn trương đánh giá chính sách thu hút đầu tư, hình thành chuỗi giá trị trong mối quan hệ kinh tế quốc phòng, kinh tế môi trường” – Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ nhấn mạnh.

Đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành tiếp tục có giải pháp, cơ chế thúc đẩy phát triển hạ tầng khu kinh tế, khu công nghiệp đón đầu các cơ hội đầu tư , tạo điều kiện hình thành các khu công nghiệp phụ trợ đã có chủ trương như khu công nghiệp phụ trợ dệt may tại Phong Điền, Thừa Thiên Huế, khu công nghiệp hỗ trợ ô tô tại Quảng Nam,... Hỗ trợ Thừa Thiên Huế phê duyệt chủ trương đầu tư hạ tầng khu công nghiệp Phú Bài 4 nhằm tạo điều kiện thu hút chuỗi sản xuất của các nước về Việt Nam, hướng tới mục tiêu xây dựng nền công nghiệp nước nhà bền vững, chủ động trong tương lai.

Tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số

Chính phủ tiếp tục thực hiện cải cách thể chế, kịp thời giải quyết, xử lý vướng mắc trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật. Chính phủ cần sớm kịp thời rà soát để sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật để khắc phục sự chồng chéo, bỏ sót, chưa rõ ràng, thậm chí không phù hợp với văn bản quy phạm pháp luật cao hơn nhằm tránh cho các cấp chính quyền cũng như nhà đầu tư gặp nhiều rủi ro về pháp lý do thiếu sự đồng bộ của hệ thống văn bản. Tạo lòng tin cho các doanh nghiệp cũng như sự tự tin của cơ quan chính quyền trong quá trình cấp phép đầu tư và tiếp cận đất đai.

Tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số trong các lĩnh vực kinh tế, tập trung chuyển đổi số trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước nhằm phát huy hiệu quả vận hành Chính phủ điện tử, góp phần quan trọng trong thực hiện cải cách hành chính, hiện thực hóa lộ trình giảm giấy tờ, giảm thời gian, giảm chi phí trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính. Chuyển đổi số trong hệ thống cơ quan nhà nước hành chính cần phải đi đầu - là điều kiện quan trọng thúc đẩy và phát huy hiệu quả sự đồng bộ chuyển đổi số các lĩnh vực kinh tế. Phục vụ tiến trình “làm việc không giấy tờ, họp không tập trung, giải quyết thủ tục không gặp, thanh toán không dùng tiền mặt” và quan trọng tạo lập cơ sở dữ liệu chuyên ngàn gắn với khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia.

Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ phát biểu tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ

Cải thiện và nâng cao chất lượng thể chất, sức khỏe của người dân là nhiệm vụ chiến lược quốc gia quan trọng, hướng tới một quốc gia hùng cường, trong đó chăm sóc sức khỏe ban đầu phải được xem là giải pháp, mục tiêu hàng đầu của ngành y tế trong giai đoạn tới nhằm nâng cao chất lượng dân số, tăng tuổi thọ người dân gắn liền với thời gian sống mạnh khỏe cao, cải thiện thể lực, chiều cao của thế hệ trẻ.

Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội cần có giải pháp và cơ cấu chi bảo hiểm y tế nói riêng và nguồn lực của ngành y tế nói chung cho công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu, khám sàng lọc cho các đối tượng đặc biệt là trẻ em, nhóm người có nguy cơ mắc bệnh hiểm nghèo cao nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng quỹ bảo hiểm y tế, thực hiện tốt quan điểm “phòng bệnh hơn chữa bệnh” đã có từ ngàn xưa của cha ông ta.

 
 
 
 
 
 
www.thuathienhue.gov.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 3.783.339
Truy cập hiện tại 1.099