Tìm kiếm tin tức
Liên kết website
Sở, Ban, Ngành
UBND Huyện, Thị xã, Thành phố
Cần tập trung vệ sinh môi trường, tiêu độc khử trùng, phòng chống dịch bệnh sau lũ
Ngày cập nhật 19/10/2020
 

      Mưa lũ đi qua để lại vô số các loại vi sinh vật từ đất, bụi, chất thải… hòa vào dòng nước lũ tạo ra nguy cơ và mầm mống dịch bệnh với con người. Chính vì thế mà việc xử lý vệ sinh môi trường sau lũ luôn được các các cơ quan chức năng trên địa bàn huyện Quảng Điền đặc biệt quan tâm chú trọng. 

     Là vùng rốn lũ của Thừa Thiên Huế, 2 trận lũ liên tiếp diễn ra từ ngày 9/10 đến nay đã gây ngập hầu như toàn bộ các vùng thấp trũng của 11/11 xã, thị trấn. Tất cả các tuyến giao thông của huyện, xã bị tê liệt; phương tiện đi lại chủ yếu đi lại chủ yếu bằng ghe, đò. Trong đợt mưa lũ này, số nhà bị ngập khoảng 16.228 nhà; độ sâu ngập từ 0,5 - 1,5m. Diện tích rau màu bị hỏng hoàn toàn do mưa lớn và ngập 133,4 ha tập trung ở Quảng Thọ, Quảng Thành, Quảng Vinh, thị trấn Sịa... Toàn bộ cá Diêu hồng nuôi trên sông Bồ và nhiều gia cầm bị trôi. Nước lũ ngập lâu ngày chính là nguy cơ tiềm ẩn dịch bệnh liên quan đến môi trường. Vì vậy, ngay khi nước lũ rút, vấn đề vệ sinh môi trường luôn được các cấp uỷ Đảng, chính quyền các cấp và người dân quan tâm.

     Đến ngày 14/10, nước lũ trên hệ thống sông tại các địa phương đang rút dần, người dân đang tập trung khắc phục hậu quả thiệt hại sau bão lũ. Tuy nhiên, điều đáng quan tâm nhất trong thời điểm hiện nay, là công tác khắc phục hậu quả và đảm bảo môi trường sống, đảm bảo đủ nước sạch và lương thực cho người dân vùng bị ảnh hưởng. Theo ông Hoàng Tuấn Nam - Trưởng Phòng Tài nguyên môi trường huyện cho biết : Phòng đã hướng dẫn chỉ đạo các địa phương chú trọng đến việc giữ gìn vệ sinh môi trường ở địa bàn mình quản lý, đặc biệt là trong thời điểm trước, trong và sau khi lũ lụt xảy ra, không nên để tình trạng ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến sức khoẻ của người dân. Ngoài ra, huyện đang đề nghị tỉnh hỗ trợ Cloramin B để phun khử trùng môi trường sau khi nước rút hoàn toàn.

    Tại các xã thị trấn ngập úng, chính quyền địa phương đã huy động lực lượng cán bộ, công chức, dân quân tự vệ, đoàn viên thanh niên, phối hợp nhân dân tham gia dọn vệ sinh môi trường gắn với phát động phong trào Ngày Chủ nhật xanh ở địa bàn mình, tổ chức dọn vệ sinh và đẩy bèo, lục bình trôi theo nước lũ ra các sông. Công tác này nhằm tránh tình trạng bèo, rác thải, xác súc vật chết, mắc cạn ở các tuyến đường giao thông trong các khu dân cư gây ô nhiễm. Ngoài ra, tuyên truyền cho người dân tranh thủ nước rút đến đâu, tranh thủ dọn vệ sinh môi trường đến đó. không để nước tù đọng lâu ngày, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khoẻ của người dân. 

     Theo các chuyên gia y tế dự phòng, sau mưa lũ, rất nhiều bệnh truyền nhiễm có thể xảy ra. Có thể kể đến các nhóm bệnh truyền nhiễm chính như bệnh tiêu chảy, tả, lị, thương hàn, nhiễm khuẩn đường ruột. Nguyên nhân là do ô nhiễm phân do môi trường bị úng ngập nên nguồn bệnh rất dễ lây lan, cùng với điều kiện vệ sinh không đảm bảo, nếu người dân ăn, uống phải nguồn nước, thực phẩm nhiễm các vi khuẩn, vi rút sẽ rất dễ lây bệnh. Bệnh viêm đường hô hấp như cảm cúm, cảm lạnh do thời tiết trong mùa mưa bão thường thay đổi thất thường. Bệnh da liễu như nước ăn chân tay, nấm móng, nấm kẽ chân, mẩn ngứa da… do chân tay thường xuyên phải tiếp xúc với nguồn nước bẩn trong quá trình di chuyển, dọn dẹp, cọ rửa đồ đạc… sau khi nước lũ rút. Bệnh sốt xuất huyết, vì môi trường sau lũ ẩm thấp, nhiều vùng nước đọng là môi trường thích hợp cho muỗi đẻ trứng và truyền bệnh. Bệnh đau mắt đỏ, do người dân phải dùng nước bẩn để rửa mặt, vệ sinh cá nhân. 

     Để phòng tránh các bệnh truyền nhiễm có thể xảy ra, người dân triển khai các biện pháp đảm bảo vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm sau những ngày mưa lũ. Quan trọng nhất, phải thực hiện các hoạt động vệ sinh môi trường sau mưa lũ, đảm bảo nước rút đến đâu làm vệ sinh môi trường đến đó. Ngoài ra, tổ chức thu gom xác động vật chết và sử dụng vôi bột hoặc các hóa chất để xử lý khi chôn xác động vật tránh phát sinh dịch bệnh truyền nhiễm; phối hợp với nhân viên ngành Y tế phun hóa chất diệt côn trùng truyền bệnh tại các vùng có nguy cơ. Bên cạnh đó, người dân cũng cần chủ động đảm bảo vệ sinh môi trường quanh khu vực mình sinh sống, thau rửa và khử trùng nước giếng, nước sinh hoạt bằng CloraminB theo hướng dẫn của nhân viên y tế tại địa phương. 

 

quangdien.thuathienhue.gov.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 3.772.964
Truy cập hiện tại 171