Tìm kiếm tin tức
Liên kết website
Sở, Ban, Ngành
UBND Huyện, Thị xã, Thành phố
Phát huy giá trị và xây dựng Ca Huế trở thành sản phẩm dịch vụ văn hóa du lịch đặc sắc
Ngày cập nhật 27/03/2023

Sáng ngày 24/3, UBND tỉnh tổ chức hội nghị Tổng kết đề án bảo vệ và phát huy giá trị di sản nghệ thuật Ca Huế giai đoạn 2017 – 2022. Dự hội nghị có UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình; cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình trao Bằng khen của UBND tỉnh cho các tập thể
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình trao Bằng khen của UBND tỉnh cho các tập thể
 

Báo cáo tại hội nghị, lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao cho biết, từ năm 2019 đến năm 2022, Sở Văn hóa và Thể thao đã phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức 03 lớp tập huấn và cấp giấy chứng nhận hát Ca Huế cho 113 giáo viên bộ môn Âm nhạc của 100 trường THCS trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Sau khi hoàn thành khóa tập huấn hát Ca Huế, các giáo viên Âm nhạc đã đưa Ca Huế vào dạy lồng ghép trong chương trình môn Âm nhạc để giới thiệu, truyền dạy cho các em học sinh. Việc đưa di sản Ca Huế vào trường học sẽ giúp các em có niềm đam mê với Ca Huế nói riêng và âm nhạc truyền thống dân tộc nói chung, có khả năng thực hành biểu diễn, cảm thụ những làn điệu Ca Huế. Qua đó, nâng cao ý thức, trách nhiệm của thế hệ trẻ trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản Ca Huế.

Tiếp tục duy trì, củng cố hoạt động các CLB Ca Huế trên địa bàn tỉnh với nhiều hình thức và nội dung sinh hoạt phong phú, phù hợp với yêu cầu hiện nay về việc bảo tồn, phát huy các giá trị di sản Ca Huế. Sở Văn hóa và Thể thao đã phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo triển khai thí điểm một số CLB Ca Huế cho học sinh tại các Trường ở thành phố Huế như THCS Nguyễn Tri Phương, THCS Thống Nhất, THCS Trần Cao Vân thu hút nhiều học sinh tham gia.

Thời gian qua, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, Sở Văn hóa và Thể thao đã chủ trì phối hợp với UBND thành phố Huế và các ngành liên quan tăng cường công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động biểu diễn Ca Huế trên sông Hương. Do đó, hoạt động Ca Huế trong thời gian qua cơ bản đảm bảo về chất lượng, đáp ứng được nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của du khách trong và ngoài nước. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 12 doanh nghiệp đang hoạt động kinh doanh Ca Huế với tổng số 519 nhạc công và diễn viên. Trong đó, có 287 diễn viên và 232 nhạc công.

Nhằm giới thiệu, nghiên cứu, khẳng định giá trị sâu sắc về văn hóa, lịch sử của nghệ thuật Ca Huế gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của vùng đất Thuận Hóa - Phú Xuân - Thừa Thiên Huế, Sở Văn hóa và Thể thao đã tổ chức biên soạn, xuất bản các ấn phẩm: Ca Huế - Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (Nxb Thuận Hóa, 2019), Nghệ thuật Ca Huế trong xã hội đương đại (Nxb Thuận Hóa, 2022), Khúc Hương Bình (Nxb Thuận Hóa, 2022), Miền Hương Ngự (Nxb Thuận Hóa, 2022). Đặc biệt, UBND tỉnh đã quyết định chọn ấn phẩm Ca Huế - Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia để tái bản có bổ sung, đưa vào Tủ Sách Huế.

Sở Văn hóa và Thể thao đã triển khai xây dựng App Ca Huế nhằm mục đích tăng cường các biện pháp quản lý và quảng bá, giới thiệu về nghệ thuật Ca Huế. Tập trung công tác quản lý, nâng cao chất lượng đội ngũ diễn viên, nhạc công Ca Huế phục vụ khách du lịch. Qua đó, đã giới thiệu rộng rãi các bài bản Ca Huế đến với mọi tầng lớp nhân dân trong và ngoài nước, góp phần đưa Ca Huế trở thành sản phẩm du lịch đặc sắc của Huế và đẩy mạnh tăng cường xã hội hóa hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật Ca Huế gắn với phát triển du lịch để đáp ứng nhu cầu thưởng thức của du khách trong và ngoài nước.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình phát biểu tại hội nghị

Phát biểu tại hội nghị, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình ghi nhận và đánh giá cao sự chung tay của các sở, ngành và các nghệ sĩ trong chặng đường để bảo tồn và phát huy các giá trị nghệ thuật ca Huế trong thời gian qua. Qua đó, cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa các ngành, các địa phương để có những chính sách cụ thể để góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị của ca Huế.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình đề nghị ngành Văn hóa và Thể thao cần có những giải pháp, chủ trương định hướng cho việc phát huy các giá trị của ca Huế trong giai đoạn tiếp theo. Đánh giá một cách thực chất và khoa học trong việc triển khai. Đề án bảo vệ và phát huy giá trị di sản nghệ thuật Ca Huế cần đi vào những chính sách và giải pháp cụ thể. Bên cạnh đó, đưa ra các giải pháp, tạo ra hệ thống cơ sở vật chất để khai thác, phát triển các giá trị của ca Huế. Phối hợp với các địa phương, đơn vị hình thành sự kết nối trong việc phát triển nghệ thuật ca Huế. Quan tâm chế độ, chính sách đối với các nghệ nhân, nghệ sĩ có nhiều đóng góp trong công tác truyền dạy, bảo tồn, phát huy, phát triển Ca Huế, nhằm khuyến khích tài năng, nâng cao chất lượng hoạt động Ca Huế, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị nghệ thuật Ca Huế. Phát triển ca Huế thính phòng tại các cơ sở dịch vụ du lịch và các sâu biểu diễn nghệ thuật ca Huế để thu hút du khách.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình yêu cầu ngành Văn hóa và Thể thao cần tăng cường, đẩy mạnh công tác tuyên truyền quảng bá giới thiệu những giá trị nghệ thuật ca Huế đến với quần chúng nhân dân, du khách trong và ngoài nước. Tiếp tục thực hiện công tác lưu giữ tư liệu và sắp xếp bài, vỡ của ca Huế trên các hệ thống. Đặc biệt, chú trọng công tác phát huy giá trị và xây dựng Ca Huế trở thành sản phẩm dịch vụ văn hóa du lịch đặc sắc.

Dịp này, Chủ tịch UBND tỉnh đã tặng Bằng khen cho 10 tập thể và 15 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản nghệ thuật Ca Huế giai đoạn 2017 – 2022.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình trao Bằng khen của UBND tỉnh cho các cá nhân

 

Nguồn: thuathienhue.gov.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 3.714.800
Truy cập hiện tại 178