(CTTĐT) - Sáng ngày 1/3, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh do Phó trưởng đoàn chuyên trách Nguyễn Thị Sửu làm trưởng đoàn đã có buổi giám sát, làm việc với Sở Nội vụ về Nghị quyết 19 thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các sự nghiệp công lập giai đoạn 2018 -2023.
Báo cáo của Sở Nội vụ cho biết, đến nay, UBND tỉnh đã phê duyệt danh mục vị trí việc làm cho các đơn vị sự nghiệp công lập của tỉnh. Đây là cơ sở để thực hiện việc tuyển dụng, quản lý và sử dụng số người làm việc tại các đơn vị sự nghiệp công lập.
Đối với kết quả sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập, tính đến ngày 31/12/2023 có 688, trong đó sự nghiệp thuộc UBND tỉnh là 13 đơn vị, sự nghiệp thuộc Sở là 113 đơn vị, sự nghiệp thuộc tổ chức hành chính khác ở cấp tỉnh là 3 đơn vị, sự nghiệp thuộc chi cục 1 đơn vị và 558 đơn vị thuộc UBND cấp huyện. Theo đó, giảm 92 đơn vị so với năm 2015, giảm 65 đơn vị so với năm 2017, giảm 6 đơn vị so với năm 2021.
Về thực hiện cơ chế tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, đến ngày 31/12/2023 có 3 đơn vị tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư, 37 đơn vị tự đảm bảo chi thường xuyên, 118 đơn vị tự đảm bảo một phần chi thường xuyên và 530 đơn vị do ngân sách nhà nước đảm bảo chi thường xuyên.
Tại buổi làm việc, Sở Nội vụ kiến nghị một số nội dung trong quá trình triển khai Nghị quyết 19 như Chính phủ ban hành các tiêu chuẩn về dịch vụ cung cấp dịch vụ công, giám sát việc tuân thủ các tiêu chuẩn và có chế tài xử lý những trường hợp vi phạm, xếp hạng đơn vị sự nghiệp công….
Phó trưởng đoàn chuyên trách Nguyễn Thị Sửu phát biểu tại buổi làm việc
Phát biểu tại buổi làm việc, Trưởng Đoàn giám sát Nguyễn Thị Sửu ghi nhận và đánh giá cao sự nỗ lực của ngành nội vụ cũng như các sở, ban, ngành, địa phương trong thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.
Bà Nguyễn Thị Sửu cho rằng, việc sắp xếp tổ chức bộ máy đơn vị sự nghiệp công lập phải bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, gắn việc sắp xếp tổ chức, bộ máy với tinh giản biên chế, quy định cụ thể số lượng cấp phó tối đa của tổ chức cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức phù hợp trong từng cơ quan, tổ chức.
Đối với những tồn tại, hạn chế được nêu ra tại buổi làm việc, Phó trưởng đoàn chuyên trách Nguyễn Thị Sửu đề nghị sở Nội vụ phối hợp chặt chẽ với các đơn vị tham mưu tổng hợp những kiến nghị của thành phố gửi tới Đoàn giám sát, để Đoàn ĐBQH có cơ sở để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội, Chính phủ xem xét, giải quyết.